Gặp gỡ nhân chứng lịch sử Điện Biên năm xưa

Tạp chí Biển Việt Nam - Trong bầu không khí hân hoan của cả nước kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, thật xúc động khi được gặp gỡ và trò truyện với người cựu chiến binh của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Cụ là chứng nhân cuối cùng của thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hoá) trong chiến dịch 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, làm nên một trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thật may mắn, tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Văn Mỵ, hiện đang sống tại phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Dù năm nay đã 95 tuổi, nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn có một sức khoẻ dẻo dai, nhanh nhẹn, minh mẫn.
Ông Mỵ đón tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện hào hùng của một thời khói lửa, với một tinh thần hết sức tự hào về đồng đội là các pháo thủ Lựu pháo 82 của Đại đội 5, Tiểu đoàn 413, Trung đoàn 237, Sư đoàn 351 năm xưa.
Ông Mỵ cho biết, ông sinh năm 1929 trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Cẩm La, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, năm 1951, khi đó ông  22 tuổi, mặc dù đã lấy vợ và có một người con gái còn nhỏ, nhưng ông đã giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng và gia nhập QĐND Việt Nam. Sau một thời gian tham gia bộ đội địa phương và được học tập, huấn luyện tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, tháng 2 năm 1953, ông Mỵ được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vị trí của một người lính pháo binh lựu pháo.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Mỵ tham gia chiến dich Điện Biên Phủ năm 1954
Ông vẫn nhớ ngày hành quân lên Tây Bắc, với quãng đường dài từ Yên Thành (Nghệ An) bằng đường rừng hiểm trở, rừng thiêng nước độc. Để đảm bảo bí mật, an toàn nên đơn vị của ông phải hành quân vào ban đêm, do đó cuộc hành quân phải kéo dài cả tháng trời mới tới được Điện Biên Phủ. Cuộc hành quân để lại trong tâm trí ông là một hành trình băng rừng, lội suối với địa hình phức tạp, những quả đồi núi cao, những con dốc lớn, những con đường bí mật xuyên rừng cùng những con suối sâu nước chảy siết. Dù trải qua hành trình gian khổ, vất vả, hiểm nguy, ăn cơm vắt với mắm kem nhưng tinh thần của các chiến sỹ bộ đội và dân công ta luôn bừng bừng khí thế, sắt son ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù.
Ông Mỵ nhớ lại: ” Vào 19h ngày 14 tháng 4 năm 1954, đúng giai đoạn ác liệt nhất của chiến dich Điện Biên Phủ. Tổ của tôi gồm 3 người gồm tôi, ông Quang và ông Sáng, ông Sáng là tổ trưởng, được giao nhiệm vụ đào giao thông hào ở vị trí trên đỉnh đồi A1.Khi mới đào hào được đến độ sâu bằng đầu gối thì quân địch bắn pháo sáng, thỉnh thoảng lại điểm loạt pháo cối 81 rất ác liệt. Các loạt đạn pháo cứ liên tiếp lao về phía chúng tôi, anh em chúng tôi chỉ biết nằm rạp xuống lòng hào tránh đạn. Đến phát pháo cối thứ 8 thì tôi mới mò được cái xẻng để che lên đầu. Trong đêm tối, chúng tôi không nhìn thấy gì, chỉ đến khi tôi thấy mặt tôi ướt sũng, nước chảy vào miệng thấy vị mặn thì tôi mới biết mình đã bị thương trên đầu và máu chảy rất nhiều. Tôi  lần tìm được anh Sáng, lay gọi anh nhưng anh đã hi sinh rồi. Trong lúc đó tôi nghĩ, nếu sau 5 phút nữa mình chưa chết thì mình sẽ có khả năng sống sót. Lúc sau, tôi biết mình còn sống và cố lùi về phía sau. Ở đó, tôi gặp một đồng chí cũng bị thương, đồng chí ấy bảo tôi lui xuống hầm nằm chờ quân y đến sơ cứu. Tôi cố lết về được đến hầm thì lịm đi, không biết gì nữa. Sáng hôm sau, quân y mổ để lấy những mảnh đạn đang găm trong đầu tôi ra. Trong số 6 mảnh đạn ấy thì họ chỉ lấy được 4 mảnh ra, còn 2 mảnh ở vị trí xung yếu nên không thể lấy ra được. Khi đó, phẫu thuật hoàn toàn không có thuốc gây tê gì. Bây giờ, hai mảnh kim loại đó vẫn còn trong đầu tôi đây”. Vừa nói ông Mỵ vừa đưa tay sờ nhẹ lên vùng đầu bên trên thái dương.
Ông Mỵ cũng nhớ rất rõ những lần đi lấy chiến lợi phẩm của quân địch vào ban đêm là những chiếc dù được thả xuống. Trong đó có rất nhiều nhu yếu phẩm như: thức ăn đóng hộp, chăn màn, giường chiếu, quân trang, quân dụng… Có lần ông đi lấy dù mà đi nhầm, lạc vào đồn địch. Khi nghe tiếng chúng nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp thì ông hoảng hồn, vội vàng cúi xuống, nhẹ nhàng lủi ra ngoài, ra được khỏi sào huyệt của địch mới biết mình vừa thoát được cái chết cận kề. Cũng trong một lần đi lấy dù mà ông Quang, người đồng đội cùng tổ với ông đã nằm lại trên chiến trường.
Để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại đó có sự hi sinh, mất mát của biết bao người lính Bộ đội Cụ Hồ vì độc lập, tự do của dân tộc, trong đó, có những người lính lựu pháo 82 Trung đoàn 237. Khi nhắc đến sự hi sinh, mất mát của đồng đội, ông Mỵ nghẹn ngào: “Nhiều đồng chí đã bị thương, hi sinh trong quá trình chiến đấu, nhưng được sự quan tâm, động viên của đội ngũ cán bộ chính trị, với lòng yêu nước, căm thù giặc nên chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức lại đội hình chiến đấu với khẩu hiệu “Còn một người, một khẩu pháo, một viên đạn cũng quyết tâm chiến đấu đến cùng”. Cả đơn vị ai cũng thương nhớ các đồng chí hi sinh nên càng quyết tâm chiến đấu với quân địch đến cùng”.
Ở tuổi 96, cựu chiến binh Nguyễn Văn Mỵ vẫn tự mình làm được những công việc yêu thích
Kết thúc chiến dịch Điện Biên, ông Mỵ tiếp tục phục vụ đến năm 1959 thì ông chuyển ngành sang làm việc tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Trên cương vị công tác mới ông trải qua nhiều công việc như làm kỹ thuật ở đài truyền thanh, đội thi công lắp máy hay độ sản xuất của nhà máy. Dù ở bất kỳ công việc nào ông cũng luôn hoàn thành tốt nhất công việc được giao và được cơ quan khen thưởng, đồng nghiệp tin yêu, kính trọng.
Đến năm 1971 ông Mỵ nghỉ hưu, về quê hương với sự yêu thương, tín nhiệm của bà con, ông tiếp tục đóng góp công sức và trí tuệ ở vị trí Bí thư thôn Cẩm La. Trong suốt những năm công tác tại địa phương ông luôn tìm tòi, học hỏi và sáng tạo các kỹ thuật nông nghiệp để áp dụng vào sản xuất, giúp bà con quê hương ngày càng no đủ. Với bản chất người lính Điện Biên năm xưa từng xông pha nơi lửa đạn hiểm nguy, không có khó khăn nào làm ông nản ý chí. Không những thế, ông Mỵ còn là người đi tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế bằng các hoạt động kinh doanh lương thực, thực phẩm. Ông không những phát triển kinh tế cho gia đình mà còn giúp rất nhiều gia đình cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ chuyển đổi kinh tế. Ông là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ con cháu học tập và tự hào.
Giờ đây, khi đã bước vào tuổi 95 nhưng người cựu binh ấy vẫn rất minh mẫn và luôn vui vẻ bên con cháu, bà con xóm giềng. Ông vẫn tự mình nấu cơm, chăm sóc cây cối quanh nhà và chăm sóc bản thân, đạp xe để tập thể dục và mỗi ngày, vẫn say mê với công nghệ thông tin. Mặc dù các con, cháu muốn được chăm sóc ông từng bữa ăn giấc ngủ nhưng ông nói, ông còn tự làm được những công việc thường ngày nên ông vẫn muốn được tự mình làm lấy.
Khi được hỏi bí quyết để ông có được sức khoẻ như hiện nay, ông hào hứng chia sẻ: Muốn khoẻ thì tinh thần phải thật thông suốt, làm việc và sinh hoạt có khoa học và kỷ luật như một người lính, sống chan hoà và yêu thương mọi người. Phút ngẫu hứng, ông Mỵ đọc cho chúng tôi nghe bài thơ ông viết về những kỷ niệm Điện Biên năm xưa:
Nhớ ngày chiến dịch Điện Biên
Chiến hào xuất kích vượt lên diệt thù
Đêm ngày bao phủ sương mù
Chiến hào lội nước bao giờ mới quên
Bất ngờ nhận lệnh của trên
Bộ binh ở lại đào thêm chiến hào
Pháo binh kéo lại phía sau
Chờ ngày được lệnh phá đồi Him Lam
Tây đen, Tây trắng ra hàng
Thừa thắng tiến tới, quân ta phá thành
Chờ ngày giải phóng Thủ đô
Đón mừng sinh nhật Bác Hồ kính yêu.
Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngày nào giờ người còn thì tuổi cũng đã ngoài 90. Nhưng những đóng góp, hy sinh, ý chí quật cường, công lao to lớn của các cựu binh đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước và cả những đóng góp đời thường của các cựu binh ấy mãi mãi được khắc ghi trong trang sử vàng vẻ vang của dân tộc.
Thanh Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu