Giải pháp nâng cao giá trị và xuất khẩu Nông Sản

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngày 25/12/2024, tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội thảo tại thị xã Chơn Thành với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, sơ chế, bảo quản và xuất khẩu nông sản năm 2024”. Buổi hội thảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân địa phương nhằm thảo luận và tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế địa phương. Tỉnh Bình Phước hiện là một trong những khu vực có tiềm năng lớn về sản xuất nông sản, với các sản phẩm chủ lực như điều, cao su, và cây ăn trái. Tuy nhiên, những thách thức như thiếu liên kết chuỗi giá trị, hạn chế trong công nghệ sơ chế, bảo quản và cạnh tranh trên thị trường quốc tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cải thiện chất lượng và tăng cường sức cạnh tranh cho nông sản địa phương.

Báo cáo tại hội thảo đã cung cấp bức tranh toàn diện về tình hình sản xuất và phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Bình Phước có khoảng 1.879 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Nhiều vùng nguyên liệu tập trung đã được hình thành, đặc biệt là cây điều với diện tích 149.647 ha, sản lượng đạt 153.113 tấn. Ngoài ra, diện tích cây cao su và cây ăn trái cũng đạt con số ấn tượng, lần lượt là 244.650 ha và 17.382 ha. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn chưa được chú trọng đúng mức.

Đại diện lãnh đạo các ban ngành đoàn thể thị xã phát biểu tại Hội nghị.

Tại hội thảo, các tham luận cũng tập trung vào vai trò của mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong việc nâng cao giá trị sản phẩm. Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tỉnh Bình Phước đã cấp được 77 mã số vùng trồng và 9 mã cơ sở đóng gói, góp phần đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây được coi là yếu tố then chốt để đáp ứng yêu cầu của các thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Một trong những nội dung nổi bật của hội thảo là giải pháp xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và hữu cơ. Báo cáo từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh cho thấy, giai đoạn 2020-2023, địa phương đã tổ chức hơn 1.700 lớp tập huấn với sự tham gia của trên 71.000 lượt người, đồng thời triển khai 151 mô hình trình diễn về nông nghiệp tuần hoàn và công nghệ cao. Những kết quả này không chỉ nâng cao năng suất mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều khó khăn mà ngành nông nghiệp địa phương đang đối mặt. Việc tranh mua tranh bán, canh tác nhỏ lẻ và thiếu liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi giá trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu nông sản. Ngoài ra, chi phí đầu tư vào công nghệ cao và chuyển đổi số vẫn còn quá lớn đối với nhiều hộ nông dân và hợp tác xã.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã thống nhất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước phát triển bền vững. Các giải pháp bao gồm tăng cường tuyên truyền và tập huấn cho người dân về ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ và thúc đẩy xây dựng thương hiệu nông sản. Đặc biệt, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sẽ được chú trọng trong thời gian tới.

Tuấn Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu