Hội nghị chuyên đề báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số
Tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan báo chí khu vực phía Bắc và Hội Nhà báo 25 tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cấp Hội Nhà báo giai đoạn 2021 – 2025 đã đạt được nhiều kết quả trong việc hỗ trợ các nhà báo và nền báo chí Việt Nam phát triển.
Đối với báo chí ở Trung ương, trong 3 năm (2021 – 2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 11,46 tỷ đồng cho 18 liên chi hội và 103 chi hội nhà báo; từ đó hỗ trợ gần 4.000 lượt tác giả, nhận được 3.875 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí; tổ chức các hội nghị, hội thảo nghiệp vụ báo chí giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tác phẩm; hỗ trợ công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các đầu sách để công bố, quảng bá và lưu trữ tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Đối với báo chí ở địa phương, trong 3 năm (2021 – 2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với Hội Nhà báo các địa phương trong cả nước là 27,7 tỷ đồng; Hội Nhà báo các địa phương hỗ trợ trực tiếp cho trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương; nhận được 4.263 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí.
Quá trình thực hiện Chương trình, nhiều tác phẩm chất lượng cao được hưởng kinh phí hỗ trợ đã đoạt Giải báo chí quốc gia và Giải báo chí của các địa phương, giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Thực tế cho thấy, các tác phẩm đoạt giải cao (A,B,C) của Giải báo chí Quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu tạo nguồn tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia với cơ cấu mới, các cơ quan báo chí phối hợp với Hội Nhà báo địa phương từ khâu chọn đề tài, xây dựng đề cương, triển khai thực hiện và thẩm định chất lượng tác phẩm. Từ đó cho ra đời những tác phẩm báo chí với phương thức hiện đại như: Infographic, Long-form, E-magazine, Podcast… Người làm báo ứng dụng thành tựu mới của công nghệ số như: điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… để tạo ra những sản phẩm báo chí dữ liệu, gói tin tức, dự án báo chí – truyền thông đa nền tảng.
Theo nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân, Giải Báo chí Quốc gia năm 2024 sẽ có hạng mục Giải Báo chí sáng tạo. Đối tượng tham gia là các tác phẩm, sản phẩm, chương trình báo chí có tính sáng tạo cao, vượt khỏi các loại hình báo chí truyền thống. Mục tiêu của Giải Báo chí sáng tạo nhằm tăng cơ hội tham gia của tất cả các tác giả, các cơ quan báo chí mà không bị giới hạn bởi loại hình và thể loại. Đây cũng giải pháp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số báo chí hiện nay.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số báo chí, áp dụng thành tựu của công nghệ số trong sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; góp ý tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao trong thời gian tới; trao đổi, thảo luận nội dung Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương.
Cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phổ biến quy định pháp luật, chính sách về Hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác Văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Bắc.
Các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên đến từ Ban Dân vận Trung ương và Bộ Nội vụ phổ biến nội dung một số chủ trương mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội, cụ thể là Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.