Lữ đoàn 162 vững vàng tiến ra biển lớn

Tạp chí Biển Việt Nam - Để làm chủ những lớp tàu mặt nước chiến đấu mới và hiện đại, nổi trội nhất là lớp tàu vệ tên lửa Gepard 3.9, vững vàng tiến ra biển lớn là cả một quá trình phấn đấu mệt mài và thấm đượm mồ hôi, công sức của mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân.

Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân trang bị những lớp tàu mặt nước chiến đấu mới và hiện đại, nổi trội nhất là lớp tàu vệ tên lửa Gepard 3.9 với lượng giãn nước rất lớn, vận tốc cao, hệ thống vũ khí, khí tài trang bị rất hiện đại; khả năng đồng bộ tự động hóa cao; có khả năng hoạt động dài ngày ở trên biển và có thể độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến với các lực lượng trong quá trình chiến đấu, đáp ứng được những yêu cầu trong tác chiến công nghệ cao ở trên biển hiện nay. Để làm chủ những con tàu hiện đại ấy, Thượng tá Nguyễn Văn Đồng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 cho biết: Đó là một quá trình phấn đấu mệt mài và thấm đượm mồ hôi, công sức của mỗi CBCS trong toàn Lữ đoàn.

Thượng tá Nguyễn Văn Đồng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162.

Phóng viên: Thưa Thượng tá Nguyễn Văn Đồng, Lữ đoàn 162 đã được trang bị những đội tàu, trang thiết bị hiện đại. Để làm chủ được những trang thiết bị kĩ thuật đó, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các cán bộ chiến sĩ được Lữ đoàn quan tâm ra sao để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo?

Thượng tá Nguyễn Văn Đồng: Về công tác huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật của Lữ đoàn luôn được Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn rất coi trọng và lãnh đạo sâu sát từ công tác xây dựng kế hoạch cho đến tổ chức thực hiện và kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện đều được thực hiện một cách nghiêm túc.

Hàng năm trước khi bước vào huấn luyện Lữ đoàn tổ chức các hội thi làm mô hình học cụ, xây dựng các phần mềm mô phỏng, về cấu tạo máy, nguyên lý hoạt động của vũ khí trang bị, tổ chức làm phim mẫu về huấn luyện thao tác sử dụng vũ khí trang bị. Các bài học trong huấn luyện đều phải có mô hình tranh vẽ, kết hợp với các phần mềm mô phỏng và phim thao tác mẫu. Qua đó thì chất lượng, hiệu quả trong quá trình huấn luyện, kỹ thuật chuyên ngành của Lữ đoàn không ngừng được nâng cao.

Thực hành bắn đạn thật trên biển.

Lữ đoàn luôn coi trọng công tác lựa chọn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cán bộ tham gia huấn luyện phải là những đồng chí có đủ trình độ trong khai thác, làm chủ vũ khí trang bị kĩ thuật. Ngoài sĩ quan là các đồng chí trưởng ngành thì chúng tôi sử dụng các đồng chí quân nhân chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong khai thác sử dụng vũ khí trang bị kĩ thuật để trợ giảng khi huấn luyện thực hành trên vũ khí máy móc. Những đồng chí quân nhân nghiệp có nhiều kinh nghiệm sẽ tổ chức thực hiện các thao tác mẫu để cho người học nắm chắc trước khi thực hành thao tác trên các trang bị được đảm nhiệm. Qua đó cán bộ chiến sĩ đều nắm chắc và vận hành thuần thục trang bị theo đúng quy trình khai thác kỹ thuật và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Quá trình tổ chức huấn luyện Lữ đoàn luôn bám sát vào phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” và coi trọng và huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu. Đồng thời quán triệt sâu sắc, quan điểm, nguyên tắc các mối kết hợp ở trong huấn luyện. Tích cực đổi mới, phương pháp huấn luyện, lấy người học làm trung tâm, chúng tôi thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa người dạy và người học tạo ra không khí cởi mở, dân chủ, phát huy tính tích cực của người học trong quá trình tổ chức huấn luyện. Chỉ huy Lữ đoàn, chỉ huy Hải đội và cán bộ tàu chúng tôi thường xuyên tham gia dự giờ theo dõi đánh giá kết quả huấn luyện của từng buổi học và kịp thời rút kinh nghiệm sau mỗi buổi huấn luyện.

Với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn, hiện nay 100% cán bộ, chiến sĩ trong Lữ đoàn đều khai thác, làm chủ được vũ khí trang bị kỹ thuật có trong biên chế, trong đó có nhiều nội dung làm chủ chuyên sâu đáp ứng được yêu cầu huấn luyện làm chủ VKTBKT mới, hiện đại của QCHQ Việt Nam hiện nay.

Huấn luyện bảng bố trí chiến đấu trên tàu hộ vệ tên lửa.

Phóng viên: Việc làm chủ VKTBKT của Lữ đoàn 162 đã được khẳng định ở nhiều công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, các đợt diễn tập bắn đạn thật trên biển và mới đây nhất việc làm chủ được khẳng định tại Hội thao quân sự quốc tế Army games 2021. Đồng chí có thể chia sẻ hành trình vượt sóng gió để đội tuyển mang về thành tích cao?

 Thượng tá Nguyễn Văn Đồng: Hội thao quân sự Quốc tế Army games năm 2021 là một bước quan trọng để cho cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 162 khẳng định khả năng huấn luyện, khai thác, làm chủ VKTBKT trên hệ tàu Gepard 3.9 hiện đại nhất của QCHQ. Khi nhận nhiệm vụ này chúng tôi đã tổ chức huấn luyện trong nước từ ngày 01/3/2021. Chúng tôi tổ chức huấn luyện bám sát vào quy trình huấn luyện từ đơn giản đến phức tạp, đặc biệt tập trung vào huấn luyện kỹ năng trong thao tác sử dụng và kỹ năng sử dụng VKTB thực hành thi đấu. Trong các nội dung thi đấu có nội dung thi bắn pháo đối hải sử dụng pháo AK176, Đội tuyển Cúp biển của Hải quân Việt Nam đã giành được giải Nhất. Đây là một thành tích khích lệ toàn thể đội tuyển tham gia quá trình thi đấu.

Khi sang bên Nga để tổ chức huấn luyện, thi đấu thì đội tuyển gặp vô vàn khó khăn. Trong thời gian chúng tôi tổ chức ở bên Nga thì thời gian cơ động tàu không có nên phải huấn luyện tại khu neo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình làm công tác chuẩn bị cho thi đấu. Trong quá trình thi đấu, điều kiện thời tiết không thuận lợi, sóng gió cấp 4, cấp 5 và đặc biệt sương mù rất lớn. Tuy nhiên chúng tôi đã tổ chức hội thảo tất cả các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức thực hành bắn pháo trong điều kiện thời tiết khó nhưng chúng tôi đã đưa ra đấu pháp rất hợp lý ngay từ trước khi bước vào tổ chức phần thi của mình. Quá trình chúng tôi tổ chức thi, các kíp bắn đã giữ được yếu tố tâm lý và sự quyết tâm, khẳng định được trình độ trong thao tác sử dụng VKTB một cách chính xác. Chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giành giải nhất trong môn thi bắn pháo mục tiêu đối hải bằng pháo AK176. Ngoài ra chúng tôi cũng đạt được 2 nội dung đồng giải nhất với nước chủ nhà và 2 giải nhì. Kết quả chung cuộc giành Huy chương Bạc toàn đoàn trong Hội thao quân sự quốc tế Army games tổ chức tại Nga năm 2021.

Pháo AK 176 Tàu 016, Lữ đoàn 162 khai hỏa tiêu diệt mục tiêu tại Army games 2021

Để có được thành công đó, ngay từ đầu 100% CBCS và thành viên đoàn công tác nhận thức rõ niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm lớn lao được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia Hội thao quân sự quốc tế Army games 2021. Trên cơ sở đó, từng thành viên trong Đoàn đã nghiên cứu nắm chắc các văn bản, hướng dẫn của trên, tình hình nhiệm vụ, thuận lợi khó khăn, quy chế hội thao, chỉ tiêu phấn đấu của Quân chủng, nắm chắc những nét tiêu biểu văn hóa của các nước tham gia. Từ đó xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, hiệp đồng, trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, gian khổ, tự giác nghiên cứu, sáng tạo, luyện tập thành thục các nội dung hội thao, bảo đảm đạt kết quả cao nhất và an toàn tuyệt đối về người, VKTBKT. Đồng thời thể hiện tình hữu nghị với các lực lượng nước ngoài tham gia hội thao.

 Phóng viên: Những năm qua, Lữ đoàn 162 đã “vững vàng tiến ra biển lớn”, làm chủ vùng biển được phân công quản lý, để có được kết quả này, kinh nghiệm được Đảng ủy, Lữ đoàn 162 thực hiện  là gì thưa thượng tá Nguyễn Văn Đồng.

Luyện tập chiến đấu pháo AK-630.

Thượng tá Nguyễn Văn Đồng: Để quản lý khai thác tốt vũ khí trang bị kĩ thuật hiện đại ở trên các con tàu chiến của Lữ đoàn thì yếu tố con người luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn làm tốt công tác giáo dục cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ ở trong toàn Lữ đoàn nhận thức rõ được niềm vinh dự và tự hào khi được phân công quản lý và trực tiếp khai thác sử dụng những vũ khí máy móc hiện đại đó. Đồng thời xác định rõ được vinh dự lớn những trách nhiệm của mỗi quân nhân là càng phải cao. Vì vậy yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn là phải tập trung nghiên cứu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và từng bước khai thác, sử dụng, làm chủ và phát huy hiệu quả, vũ khí trang bị kĩ thuật được giao. Đó là một quá trình phấn đấu mệt mài, chăm chỉ và thấm đượm mồ hôi công sức của mỗi CBCS trong toàn Lữ đoàn.

Do các hệ tàu tài liệu đều là tiếng Anh, tiếng Nga  nên việc bồi dưỡng ngoại ngữ được chúng tôi chú trọng. Thời gian qua, Lữ đoàn 162 đã tổ chức các lớp học ngoại ngữ trên cơ sở nền tảng các đồng chí giáo viên là những đồng chí sĩ quan được đào tạo ở nước ngoài cũng như là được đào tạo tại Học viện Hải quân có trình độ ngoại ngữ tốt để làm nòng cốt trong đội ngũ giáo viên. Mỗi  tuần chúng tôi tổ chức huấn luyện ngoại ngữ vào buổi tối thứ ba và thứ năm, trong đó tập trung vào huấn luyện các từ chuyên ngành và đọc các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Nga và hiện nay chúng tôi có đội ngũ cán bộ sĩ quan sử dụng thành thạo và khai thác cái tài liệu tiếng Nga tương đối tốt. Điều đó góp phần lớn vào việc huấn luyện và khai thác làm chủ những trang bị mà Lữ đoàn 162 đang quản lý.

Lớp học ngoại ngữ trên tàu Hộ vệ tên lửa.

Phóng viên: Trước tình hình Biển Đông có nhiều phức tạp như hiện nay thì việc phối hợp hiệp đồng với các đơn vị bạn đóng quân trên địa bàn để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được Lữ đoàn 162 quan tâm như thế nào?

Thượng tá Nguyễn Văn Đồng: Đối với các lực lượng tàu mặt nước chiến đấu của Lữ đoàn, ngoài việc tác chiến độc lập thì có thể phối hợp hiệp đồng tác chiến với các lực lượng trong Quân chủng Hải quân và các lực lượng đóng quân trên địa bàn Vùng 4. Hàng tuần, hàng tháng Lữ đoàn xây dựng kế hoạch huấn luyện hiệp đồng huấn luyện với các đơn vị và tổ chức hiệp đồng mục đích để kiểm tra khả năng trao đổi thông tin, cập nhật tình hình giữa các lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cụ thể trên biển cũng như huấn luyện tại bến. Qua đó các phương án trong hiệp đồng tác chiến giữa Lữ đoàn và các đơn vị luôn được duy trì và thực hiện một cách thuần thục, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thượng tá Nguyễn Văn Đồng.

 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu