Lừa đảo qua điện thoại: Vấn đề cũ nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo trá

Tạp chí Biển Việt Nam - Hành vi mạo danh, lừa đảo qua số điện thoại không phải là vấn đề mới nhưng chưa được ngăn chặn, giải quyết một cách triệt để. Nhiều đối tượng thậm chí còn cho thấy sự tinh vi, xảo trá khi sẵn sàng mạo danh cơ quan chức năng để liên hệ, thực hiện thủ đoạn bất chính.

Gần đây, vấn đề lừa đảo qua số điện thoại ngày càng trở nên nguy hiểm và tinh vi hơn bao giờ hết. Kẻ lừa đảo không ngần ngại sử dụng mánh khóe, kể cả tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước để dụ dỗ người người dân chuyển khoản cho chúng.

Trường hợp của bà Lê Thị T. (SN 1953, trú tại xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là một ví dụ. Vào ngày 22/8, bằng cách giả danh cán bộ công an và sử dụng thông tin cá nhân đã được thu thập trước, nhóm đối tượng ẩn danh đã gây áp lực tâm lý cũng như đưa ra những thông tin sai lệch về nợ nần, lệnh truy nã để đe dọa bà T. Khi bà hoang mang, những đối tượng trên tiếp tục hăm dọa, yêu cầu nạn nhân thực hiện hành động tất toán khiến bà T mất số tiền lớn.

Chị Nguyễn Thị H. (trú tại TP Điện Biên Phủ) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Theo ghi nhận trước đó, chị H. có đăng ký tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Đến ngày 17/8/2023, một số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ BHXH Việt Nam đã chủ động liên hệ và yêu cầu chị cung cấp thông tin, hỗ trợ nâng cấp ứng dụng VSSID. May mắn nhờ cảnh giác, chị H. đã từ chối và cho biết sẽ phản ánh việc này lên cơ quan BHXH tỉnh Điện Biên. Ngay lập tức, đối tượng bên kia đầu dây lập tức cúp máy.

Gần đây nhất là vụ việc của anh TTA., đại diện một đơn vị kinh doanh yến sào tại tỉnh Bình Phước. Vào ngày 25/8 vừa qua, anh A. có nhận một cuộc gọi (đầu số: 0943826951), tự xưng là “Nguyễn Văn Tuấn” đang làm việc tại Ban Hậu cần Kỹ thuật thuộc Ban chỉ huy Quân sự Thị xã Chơn Thành. Ban đầu, Tuấn ngỏ ý mua 46 gram yến của doanh nghiệp anh A làm quà tặng. Tuy nhiên, đối tượng này không lập tức thanh toán ngay mà nhờ công ty anh A. liên hệ, mua giúp nhân sâm từ một đơn vị khác (cũng do Tuấn giới thiệu) và Tuấn đã dùng giấy tờ chuyển khoản tại ngân hàng để chứng minh mình đã chuyển khoản tiền nhờ mua sâm. Sau vài tiếng, anh A không thấy tiền vào tài khoản và đối tượng gọi hối liên tục. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, anh A. liên hệ đến Ban chỉ huy Quân sự Thị xã Chơn Thành để xác minh, qua quá trình tìm hiểu, được biết cơ quan không có chiến sĩ nào như trên.

Đối tượng tự xưng cán bộ chiến sĩ BCHQS Thị xã nhắn tin qua zalo

Có thể thấy những kẻ lừa đảo không ngừng thay đổi cách thức, tận dụng sự thiếu cảnh giác, lo sợ, tin tưởng từ người dân nhằm thực hiện hành vi của mình. Một số trường hợp lừa đảo qua điện thoại còn tạo những tình huống cấp bách, tạo áp lực tâm lý khiến người dân phải chuyển tiền ngay lập tức. Khả năng thuyết phục của chúng cũng như tính nghiêm trọng của sự việc khiến nhiều người bị sập bẫy. Điển hình có thể kể đến vụ việc giả danh giáo viên, nhân viên y tế lừa gọi phụ huynh chuyển tiền để cấp cứu cho con vào tháng 3/2023.

Vấn nạn lừa đảo qua điện thoại đã và đang trở nên nguy hiểm và đáng lo ngại hơn bao giờ hết. Người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác, cẩn trọng khi nhận cuộc gọi không rõ nguồn gốc, đặc biệt là yêu cầu chuyển tiền từ từ số lạ. Nếu phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, mọi người cần bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với chính quyền địa phương để cảnh báo, thông tin, xác minh vụ việc.

Tuấn Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu