Lừa đảo trực tuyến: Chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi

Tạp chí Biển Việt Nam - Việc lừa đảo tài chính thông qua các chiêu trò giả mạo trên mạng xã hội và tài khoản ngân hàng không phải là điều mới, nhưng thời gian gần đây, tình trạng này đang diễn ra nhiều hơn và ngày càng đáng lo ngại hơn tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù Việt Nam có tỉ lệ thấp hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực, nhưng rủi ro vẫn tồn tại, và nhiều người vẫn trở thành nạn nhân khi mà các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hơn.

Chiêu trò giả mạo mới: Giả mạo tài khoản ngân hàng và sử dụng công nghệ Deepfake
Mới đây, một loạt vụ lừa đảo tài chính sử dụng chiêu trò giả mạo tên tài khoản ngân hàng đã xảy ra tại Việt Nam. Nạn nhân nhận được tin nhắn trên Facebook, Zalo từ người mình tin tưởng, yêu cầu mượn tiền với lời hứa chuyển khoản lại sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, kẻ gian đã sử dụng chiêu trò mạo danh mới – giả mạo tài khoản ngân hàng có tên trùng với tài khoản Facebook, Zalo của nạn nhân. Điều này đã khiến cho nhiều nạn nhân bị sập bẫy.

Kẻ gian liên tục nhắn cho nhiều người.

Để tạo thêm lòng tin, kẻ gian đã sử dụng công nghệ Deepfake để tạo video giả mạo với khuôn mặt và giọng nói của nạn nhân. Cuộc gọi video chỉ kéo dài vài giây và sau đó bị kết thúc với lý do mạng chập chờn hoặc tín hiệu Internet kém. Nếu nạn nhân mắc bẫy và chuyển tiền cho kẻ gian, kẻ lừa đảo sẽ nhanh chóng tìm cách rút tiền hoặc chuyển tiền đó sang tài khoản khác. Nạn nhân nếu có truy ra thì cũng chỉ là một tài khoản giống tên nhưng khác chủ.

Chiêu trò lừa đảo và cách đối phó

Theo một chuyên viên CNTT, kẻ gian thường thu thập thông tin cá nhân công khai của nạn nhân thông qua mạng xã hội hoặc mua dữ liệu từ các bên thứ ba. Sau đó, họ tìm cách hack tài khoản Facebook, Zalo của nạn nhân. Khi có quyền truy cập vào tài khoản xã hội của nạn nhân, kẻ gian sẽ tìm cách mua tài khoản ngân hàng hoặc làm giả giấy tờ (CMND/CCCD) để tạo tài khoản ngân hàng có họ tên giống với nạn nhân.

Có cả dịch vụ thu mua tài khoản mạng xã hội.
Các hội nhóm, tài khoản cá nhân liên tục chào mời dịch vụ mở tài khoản ngân hàng theo tên online không cần chính chủ. Thậm chí là cung cấp cả CCCD với số lượng lớn.

Một điểm đáng lưu ý là kẻ gian cũng sử dụng các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến để tạo tài khoản ngân hàng. Điều này gây khó khăn cho việc truy tìm thông tin của kẻ gian. Việc mua tài khoản ngân hàng theo tên cũng trở nên dễ dàng khi có không ít hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Telegram. Chỉ cần cung cấp tên, ảnh chụp CMND/CCCD hai mặt và số điện thoại, bạn có thể nhận được tài khoản gần như ngay lập tức.

Liên tục có các lời chào mời dịch vụ mở tài khoản ngân hàng theo tên không chính chủ trong các hội nhóm.
Lừa đảo cả việc mở tài khoản ảo cũng như đăng “kinh nghiệm” né tránh cơ quan chức năng.

Đa số các dịch vụ hỗ trợ tạo tài khoản ngân hàng online này đều sử dụng hình thức liên lạc thông qua Telegram (ứng dụng cho phép thu hồi tin nhắn mà không để lại dấu vết).

Cách hạn chế nguy cơ lừa đảo tài chính trực tuyến

Nạn nhân nhanh chóng đăng thông tin cảnh báo lên facebook cũng như tìm cách khoá tài khoản zalo khi tài khoản zalo bị chiếm quyền sử dụng.

Người dùng cần tận dụng các biện pháp để đảm bảo an toàn trực tuyến. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đề xuất một số biện pháp cơ bản để hạn chế nguy cơ bị lừa đảo tài chính như: khi nhận được yêu cầu mượn tiền từ người thân, trước tiên cần bình tĩnh và liên lạc trực tiếp bằng số điện thoại di động hoặc gặp mặt trực tiếp để xác nhận. Nếu nhận được cuộc gọi video call thì cố gắng kéo dài thời gian gọi trên 1 phút để kiểm tra các dấu hiệu bất thường như: Khuôn mặt thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói hoặc tư thế trông lúng túng, không tự nhiên hoặc hướng đầu và cơ thể trong video không nhất quán với nhau…; Màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí; Âm thanh không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.

Tránh nhấp vào các liên kết không rõ nguồn gốc. Không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, hoặc thông tin tài khoản ngân hàng qua các liên kết hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc.

Sử dụng mật khẩu mạnh, kích hoạt xác thực hai yếu tố, và đảm bảo an toàn cho tài khoản mạng xã hội của bạn. Thường xuyên thay đổi mật khẩu và không chia sẻ thông tin đăng nhập.

Nếu bạn nghi ngờ tài khoản ngân hàng của bạn đã bị xâm phạm, hãy ngay lập tức khóa tài khoản và thay đổi mật khẩu.

Những biện pháp cơ bản này có thể giúp người dùng hạn chế tối đa nguy cơ lừa đảo tài chính trực tuyến và đảm bảo an toàn trong thời đại số hóa hiện nay. Việc nâng cao nhận thức và cảnh giác trong giao dịch trực tuyến là chìa khóa để bảo vệ mình khỏi các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên mạng.

Như Thông

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu