Mô hình cải tạo vườn tạp ở Hà Giang
Đến nay, Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi giữa các hộ gia đình, thôn, xã. Tổng số hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đến thời điểm hiện nay là 5400 hộ nghèo và cận nghèo. Tổng diện tích vườn tạp đã được cải tạo là hơn 2,4 triệu m². Chủ yếu trồng các loại cây ăn quả như: Bưởi, Táo, Xoài, Ổi, Đào, Thanh long, Lê… xây dựng chuồng, trại chăn nuôi lợn, dê, trâu, bò và các loại gia cầm gà, ngan, vịt…; cây trồng vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo.
Người dân từng bước xác định được vai trò chủ thể của mình trong CTVT và hưởng ứng mạnh mẽ. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp có tiến triển tốt, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét…
Như gia đình ông Phạm Hồng Giang (thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường, TP Hà Giang) đã cải tạo 1.500 m2 vườn tạp trồng cây ăn quả xen lẫn rau màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập bình quân mỗi tháng 10-15 triệu đồng. Hay như gia đình ông Nguyễn Hữu Quân (tổ 3, phường Quang Trung, TP Hà Giang) đã cải tạo 38.000 m2 vườn tạp, trong đó có 35.000 m2 trồng cây ăn quả, 2.000 m2 làm ao thả cá và 1.000 m2 chăn nuôi, hàng năm nuôi 4.000 con gia cầm, 100 con lợn, thu nhập bình quân được 20 triệu đồng/tháng.
Hộ gia đình ông Vương Ngọc Thắng (xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì) với mô hình trồng 08 héc-ta cây thảo quả và 500 cây lê, chăn nuôi 120 con gà, sau 3 năm đã cho thu nhập ổn định với 180 triệu đồng. Gia đình ông mở thêm cơ sở chế biến chè Shan Tuyết (mỗi năm trung bình sản xuất được trên 01 tấn chè khô); đồng thời vận hành dịch vụ homestay, tạo công ăn việc làm cho 07 lao động thường xuyên là người dân địa phương với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng. Hộ gia đình ông Hoàng Thế Diện (thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc) với mô hình trồng rau sạch, an toàn (su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua, mướp, bí) và mô hình chăn nuôi lợn đen Lũng Pù, mỗi năm thu gần 150 triệu đồng.
Hộ gia đình Ông Nguyễn Đình Trụ (thôn Tân Bình, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình) với mô hình chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng phát triển hàng hóa như tập trung chủ yếu trồng cây cam V2 (còn gọi là cam vinh), sản lượng cho thu hoạch đạt từ 70-80 tấn/ năm; thu nhập từ 600-700 triệu đồng/năm; trồng 2 héc-ta chè cho thu hoạch từ 30 tấn/ năm, thu nhập từ 200 triệu đồng/năm…
Qua 2 năm thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân, tính đến nay đã đạt 35,76% mục tiêu của chương trình. Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đã được triển khai hiệu quả, bước đầu thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân các địa phương trong tỉnh.