Một số yêu cầu đối với việc lồng ghép nội dung phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giảng dạy lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạp chí Biển Việt Nam - Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một chủ đề rất lớn, bao hàm ở nhiều lĩnh vực, khía cạnh trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Hiệu quả của việc lồng ghép tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phương pháp cách thức cùng các điều kiện chuyển tải phương pháp đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Hơn chín mươi năm ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc: Đảng đã lãnh đạo Nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành lại độc lập cho dân tộc; tiếp tục khẳng định sứ mệnh cầm quyền của mình vừa lãnh đạo cả dân tộc bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, kiến tạo Nhà nước dân chủ nhân dân, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Tuy nhiên, bất chấp sự thật lịch sử, các thế lực thù địch, phản động quốc tế luôn phủ nhận những thành quả của cách mạng, đặc biệt, chúng không ngừng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng.

Xuất phát từ đối tượng, chức năng, nhiệm vụ của bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lồng ghép nội dung đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bài giảng của môn (phần học) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là một nhiệm vụ tất yếu, thiết thực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó, việc lồng ghép nội dung đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là góp phần củng cố, nâng cao chất lượng bài học, đồng thời góp phần xây dựng lòng tin, củng cố lập trường tư tưởng, chính trị và trang bị những kỹ năng cần thiết cho người học trong nhận diện và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo đó, để thực hiện việc lồng ghép hiệu quả cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

Một là, đảm bảo tính mục tiêu của bài học.

Mục tiêu của việc lồng ghép phải góp phần làm rõ mục tiêu của bài học trên ba phương diện: tri thức, kỹ năng và thái độ.

Thứ nhất, nội dung lồng ghép phải chứng minh, làm rõ đặc điểm, bản chất, ý nghĩa của những sự kiện, hiện tượng, vấn đề lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng được đề cập trong nội dung bài học một cách hệ thống, khoa học. Theo đó, khi đề cập đến nội dung bài học và liên hệ với những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc để phản biện, đấu tranh phải vừa đảm bảo tính hệ thống, củng cố nội dung kiến thức bài học, đồng thời đào sâu, mở rộng “phông nội dung”, giúp người học có cái nhìn đa chiều, vững chắc về nội dung, vấn đề được đề cập trong bài học – gắn liền với vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. Việc xác định rõ mục tiêu là cơ sở để xác định nội dung, phương pháp, hình thức, thời gian “lồng ghép” phù hợp, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu của một bài học lịch sử, tránh buổi học trở thành buổi “diễn thuyết” hoặc buổi sinh hoạt chính trị thuần túy.

Thứ hai, qua việc lồng ghép nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong mối liên hệ với nội dung của bài học phải góp phần giúp người học nâng cao kỹ năng phát hiện vấn đề; định hướng cách thức tiếp cận, phương pháp lựa chọn, phân tích và hệ thống các sự kiện để phân tích, lập luận, đánh giá vấn đề một cách thuyết phục.

Thứ ba, từ việc nắm vững, nắm chắc nội dung bài học, các kỹ năng trong huy động “vốn tri thức”, lập luận… phải giúp người học kiên định, vững vàng về lập trường tư tưởng, chính trị; định hình, hoàn thiện khả năng độc lập tư duy, bản lĩnh trong nhìn nhận, phát hiện vấn đề và xử lý các “tình huống có vấn đề” xuất hiện trong thực tiễn, từ đó góp phần hình thành, nuôi dưỡng động cơ tích cực và thể hiện trách nhiệm bản thân trong hành động đấu tranh phản bác hiệu quả các luận điệu sai trái, thù địch và từng bước “lan tỏa” những giá trị đúng đắn trong xã hội.

Hai là, xác định nội dung lồng ghép phù hợp, đáp ứng nhu cầu của đối tượng học viên.

Học viên các lớp đào tạo lý luận chính trị là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị các cấp. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đây là đội ngũ đã qua đào tạo cơ bản, đồng thời từ quá trình đào tạo họ cũng đã được trang bị những kiến thức nền nhất định về lý luận chính trị. Đây là đội ngũ đã và đang công tác trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị; là người trực tiếp đưa quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào trong thực tiễn và tổ chức thực hiện, trong đó, đội ngũ làm công tác tuyên truyền, dân vận, cán bộ, công chức cấp cơ sở – là những người tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân, thường xuyên giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, liên quan đến công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận trước những thông tin xấu độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch…

Vì vậy, khi xác định nội dung, vấn đề lồng ghép phải phù hợp với trình độ, đặc thù nhiệm vụ, vị trí việc làm và đáp ứng được nhu cầu của đối tượng người học. Tùy vào trình độ, đặc thù nhiệm vụ tương ứng với những nhu cầu khác nhau của đối tượng học viên mà giảng viên cân đối nội dung, giới hạn phạm vi và mức độ liên hệ lồng ghép phù hợp. Chú trọng việc lồng ghép những nội dung, vấn đề (từ nội dung của bài học) mà các thế lực thù địch thường công kích, xuyên tạc trong sự liên hệ mật thiết với những vấn đề, tình huống đã và đang đặt ra từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của học viên ở đơn vị, ngành, địa phương, cơ sở và định hướng cách thức giải quyết.

Ba là, trong lồng ghép phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, khoa học.

Thứ nhất, nội dung lồng ghép phải những sự kiện, hiện tượng, vấn đề mà các thế lực thù địch tấn công, phủ nhận, xuyên tạc, mang tính nổi cộm, điển hình, hoặc những vấn đề cụ thể, mang tính thời sự… có liên quan đến những nội dung của bài học. Tuyệt đối không “tưởng tượng” giả định vấn đề hoặc đối tượng một cách chung chung, mơ hồ, không có thực khi nêu vấn đề.

Thứ hai, khi đề cập vấn đề lồng ghép và phân tích, chứng minh sự sai trái, xuyên tạc đó phải đưa ra những dữ kiện, bằng chứng cụ thể, trung thực, khách quan – đúng như hiện thực lịch sử đã diễn ra; xác định và huy động luận chứng, luận cứ phải rõ ràng, địa chỉ cụ thể, thuyết phục; khẳng định, kết luận vấn đề bằng những luận điểm khoa học, vững chắc, đanh thép. Tránh sự “sáo rỗng”, thiếu căn cứ trong lập luận và nhận định. Tuyệt đối không sử dụng thuật “ngụy biện” hoặc “tưởng tượng giả định” một cách cóp nhặt, “chiết trung”, hoặc gán, lồng ghép quan điểm cá nhân một cách áp đặt, duy ý chí nhằm “tô hồng” những sự kiện, vấn đề lịch sử – vốn dĩ đúng như nó đã diễn ra hoặc để bảo vệ quan điểm riêng của mình; đồng thời cũng không “bôi đen”, phủ định sạch trơn những nhận định trái chiều hoặc thiếu cơ sở khoa học có liên quan đến nội dung lồng ghép.

Bốn là, chuẩn bị kỹ nội dung, phân bổ thời gian hợp lý.

Mỗi bài học đều được thiết kế nội dung và thực hiện một mục tiêu riêng, phù hợp và thống nhất với hệ thống kết cấu của chương trình. Vì vậy, việc xác định nội dung để liên hệ lồng ghép, ngoài việc đảm bảo tính mục tiêu, tính hệ thống, tính kết nối phù hợp thì nội dung lồng ghép đó phải được xác định rõ về mức độ, phạm vi, dung lượng và cân đối thời gian thực hiện phù hợp với “quỹ” thời gian cho phép. Theo đó, việc xác định nội dung lồng ghép phải được cân nhắc, chắt lọc những sự kiện, những vấn đề mang tính nổi cộm, điển hình, lột tả được bản chất vấn đề cần minh chứng; nội dung, phương pháp tiến hành, phương tiện hỗ trợ và phân bổ thời gian thời gian thực hiện lồng ghép… phải được thể hiện rõ trong thiết kế của giáo án bài giảng. Quá trình triển khai nội dung phải làm chủ được vấn đề và triển khai các bước đã định. Tránh sự “ngẫu hứng” và triển khai lồng ghép một cách tùy tiện khi không am hiểu cặn kẽ vấn đề và chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Không “ôm đồm” sự kiện hoặc dành thời gian quá nhiều cho nội dung lồng ghép dẫn đến sự nhàm chán của người học, giảm tính thuyết phục của vấn đề lồng ghép.

Năm là, sử dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp lồng ghép.

Xuất phát từ nội dung, mục tiêu khác nhau của mỗi bài học nên đối với mỗi bài học, tiết học, tiểu tiết, thậm chí mỗi nội dung trong từng tiểu tiết cần có cách tiếp cận vấn đề và sử dụng phương pháp lồng ghép khác nhau như: phỏng vấn, vấn đáp, thảo luận nhóm, nêu ý kiến ghi bảng…, hoặc kết hợp các phương pháp cùng lúc. Việc triển khai nội dung lồng ghép có thể thực hiện trước, trong hoặc sau khi kết thúc một mục, tiểu mục hoặc kết bài. Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp nào, triển khai vào thời điểm nào của bài học thì quá trình triển khai phải khơi dậy, phát huy được tính tích cực, chủ động trong thảo luận, tranh luận của học viên; giảng viên đóng vai trò gợi mở, định hướng và dẫn dắt những vấn đề cần giải quyết; phân tích, lý giải hệ thống, đánh giá những nội dung, vấn đề từ cách luận giải, đánh giá của học viên và chốt vấn đề. Khi lập luận, chứng minh và chốt vấn đề phải ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, dứt khoát.

Việc triển khai nội dung lồng ghép và sử dụng phương pháp tương ứng phải thực hiện một cách uyển chuyển, linh hoạt, tránh sự “đứt quãng” mạch tư duy của người học hoặc chắp nối rời rạc, khập khiễng, gượng ép. Đảm bảo nội dung lồng ghép gắn với việc củng cố, hệ thống, mở rộng kiến thức và kích thích khả năng tư duy, lập luận của người học. Không “lạm dụng” việc sử dụng quá nhiều phương pháp khi giải quyết một vấn đề nhằm đảm bảo thực hiện đúng quỹ thời gian lên lớp theo quy định.

Sáu là, nắm vững kiến thức lịch sử và kiến thức liên ngành.

Để việc lồng ghép mang lại hiệu quả, hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, trước hết giảng viên phải nắm vững kiến thức Lịch sử Đảng và những vấn đề cơ bản, chính yếu của hệ thống các ngành khoa học lịch sử (Lịch sử dân tộc, Lịch sử thế giới đại cương, Lịch sử văn hóa…). Đồng thời, cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản của các khoa học liên ngành, đặc biệt là những kiến thức chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (Triết học, Chính trị học, Luật, Hành chính…). Bởi lẽ, các sự kiện, hiện tượng lịch sử Đảng là sản phẩm lịch sử cụ thể; phong phú, muôn màu, muôn vẻ; nó chịu sự tác động của các quy luật lịch sử và đồng thời nó cũng tác động, ảnh hưởng đến nhiều chủ thể, nhiều quá trình, nhiều quy luật của hiện thực lịch sử…, do đó, một sự kiện, hiện tượng lịch sử nếu được tiếp cận, đánh giá dưới nhiều góc độ, khía cạnh bằng việc huy động, sử dụng tri thức khoa học liên ngành sẽ góp phần đánh giá sự vật, hiện tượng, vấn đề được đề cập một cách toàn diện, đúng đắn và thấu đáo về hình thức, đặc trưng, thuộc tính, bản chất, hình thái… biểu hiện của nó. Trên cơ sở đó, việc liên hệ, lồng ghép cũng như trong đánh giá, lập luận và khẳng định vấn đề trong lồng ghép đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng khi được tiếp cận, phân tích và đánh giá trên nhiều phương diện với việc huy động, chắt lọc sử dụng vốn tri thức từ nhiều ngành khoa học sẽ đảm bảo tính khoa học, tính đầy đủ, tính toàn diện và thuyết phục.

Bảy là, thường xuyên cập nhật những quan điểm, chủ trương của Đảng, kế thừa những kết quả nghiên cứu mới.

Thứ nhất, muốn bảo vệ đền tảng tư tưởng của Đảng thì điều kiện tiên quyết phải nắm vững, nắm chắc nội hàm của nền tảng tư tưởng Đảng. Các nghị quyết, văn kiện, văn bản mới của Đảng được ban hành một mặt là sự khẳng định và thể hiện quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi trực tiếp từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng và hiện thực hóa thắng lợi sứ mệnh lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Do đó, đối với giảng viên, đây là yêu cầu, nhiệm vụ và là điều kiện bắt buộc nhằm không ngừng nâng cao trình độ, nhận thức về Đảng, từ đó mới đủ bản lĩnh, năng lực để đảm nhận và đáp ứng vai trò, nhiệm vụ của mình, cũng là nền tảng, điều kiện để đấu tranh hiệu quả các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, việc cập nhật những kết quả nghiên cứu mới về Đảng, trong đó việc kế thừa những kết quả nghiên cứu mới về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học chính là con đường nhanh nhất giúp giảng viên nâng cao vốn hiểu biết của mình. Sự cập nhật hoàn toàn không dựa trên sự cóp nhặt cơ học mà trên cơ sở phê phán khoa học, chắt lọc, thâu hóa, kế thừa, phát triển sáng tạo những thành tựu nghiên cứu trước phục vụ đắc lực cho quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy nói chung.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, văn kiện, văn bản mới của Đảng để đưa vào bài giảng cũng khắc phục sự hạn chế mang tính khách quan của giáo trình, đồng thời tăng hàm lượng thực tiễn, tính thời sự, tính khoa học, tính hấp dẫn và tính thuyết phục đối với nội dung bài giảng.

Lồng ghép nội dung đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các bài giảng thuộc môn (phần học) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong các chương trình đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Qua việc lồng ghép không chỉ góp phần củng cố nội dung kiến thức bài học mà còn giúp người học nhận diện rõ những vấn đề, nội dung nền tảng tư tưởng của Đảng mà các thế lực thù địch tấn công, xuyên tạc; về cách thức tiếp cận, phương pháp nhận thức, kỹ năng lập luận, đánh giá vấn đề; góp phần nâng cao trình độ, nhận thức của người học về nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố lập trường tư tưởng chính trị, đủ năng lực, bản lĩnh để nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng hiệu quả.

Nguyễn Thị Tuyết Loan - Trần Đình Duệ (Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu