Phát triển Hợp tác xã nông nghiệp Hậu Giang trong thời cơ mới

Tạp chí Biển Việt Nam - Với những lợi thế, tiềm năng về điều kiện tự nhiên và ở vị trí trung tâm của vùng đồng bằng phù sa rộng lớn, với những kết quả đạt được cùng những kinh nghiệm tích lũy qua thực tiễn, cùng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ đang từng bước đồng bộ, hoàn thiện… Hậu Giang đang hội tụ những điều kiện để trở thành một trung tâm sản xuất - cung ứng sản phẩm từ nông nghiệp - trong đó các HTX nông nghiệp là những chủ nhân được trao cơ hội ấy.

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. KTTT là cơ sở để từng bước xây dựng, hoàn thiện chế độ công hữu trong xã hội XHCN. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT đã khẳng định: “Phát triển kinh tế tập thể nhằm nâng cao vai trò vị trí của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân; thể hiện đúng bản chất tốt đẹp, sự đóng góp của kinh tế tập thể, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tập thể đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế; góp phần xây dựng tình đoàn kết, lối sống vì cộng đồng, phát triển nông thôn”.

Như vậy, phát triển KTTT trong đó trụ cột là phát triển HTX không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân mà còn là sự khẳng định vai trò, sứ mệnh phải trở thành “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế quốc dân; là thành tố quan trọng để điều chỉnh, định hướng, khắc phục những mặt trái của nền kinh tế thị trường theo đúng định hướng mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Hậu Giang là tỉnh nằm ở trung tâm của tiểu cùng sông Mekong. Từ một địa phương thuộc “vùng trũng” của khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nền tảng xuất phát điểm thấp, lạc hậu, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống Nhân dân không ngừng nâng cao, diện mạo nền kinh tế của tỉnh nói chung, đặc biệt là khu vực nông thôn nói riêng có nhiều khởi sắc. Dựa trên những lợi thế, tiềm năng của địa phương, kinh tế nông nghiệp được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong “bốn trụ cột” trong phát triển kinh tế của Hậu Giang; đồng thời, với hệ thống các chính sách dành cho phát triển nông nghiệp đang từng bước được đồng bộ và hoàn thiện đã trở thành động lực mới mang tính “đòn bẩy” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đây cũng là cơ sở, điều kiện cho sự phát triển của hợp tác xã nông nghiệp, đóng góp giá trị ngày càng lớn cho sự phát triển của địa phương.

Thành lập Hợp tác xã Dưa lưới Ngọc Thành, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành.

Thực trạng phát triển hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Hậu Giang

Từ khi triển khai thực hiện Luật Hợp Tác Xã năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, tuy nhiên thành phần kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX của tỉnh Hậu Giang phát triển tương đối ổn định. Trong 5 năm trở lại đây, số lượng HTX trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Hậu Giang có 252 HTX và 4 liên hiệp HTX. Doanh thu bình quân của HTX hơn 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Các HTX nông nghiệp hoạt động theo hướng kinh doanh, dịch vụ đa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu hộ thành viên và thị trường. Về tổ chức và hoạt động, các HTXNN hoạt động theo Luật Hợp tác xã, thể hiện được chức năng định hướng, tổ chức, hướng dẫn nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các HTX hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và quy mô hoạt động của kinh tế thành viên.

Sự phát triển của HTXNN đã mang lại hiệu quả về mặt xã hội, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người dân, nhất là vùng nông thôn, góp phần giảm nghèo, an sinh xã hội địa phương. Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, nhiều HTX hoạt động có lãi, đã tham gia đóng góp kinh phí cùng địa phương xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tích cực xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển HTX NN ở Hậu Giang còn một số hạn chế, đồng thời cũng đang đối diện với những thách thức lớn. Về quy mô, so với yêu cầu thực tiễn và tiềm năng phát triển, những kết quả về phát triển HTXNN còn khiêm tốn; các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã tuy có phát triển, và hoạt động hiệu quả có tăng nhưng tính ổn định chưa cao. Về phương thức hoạt động, phần lớn nông dân chủ yếu vẫn sản xuất theo thói quen, kinh nghiệm truyền thống; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tính liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị chưa thực sự chuyển biến nên khó kiểm soát chất lượng, khó truy xuất nguồn gốc dẫn đến sức cạnh tranh thấp. Về năng lực hoạt động, đa số hợp tác xã còn yếu, thể hiện ở các thành tố cơ bản như: thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật (nhà kho, máy công cụ…); trình độ, năng lực lãnh đạo, điều hành của ban giám đốc yếu; năng lực sản xuất của thành viên chưa theo kịp với yêu cầu; khả năng huy động vốn và hiệu quả sử dụng vốn thấp, từ đó dẫn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số HTXNN Hậu Giang thời gian qua còn thấp, số lượng HTX giải thể cao.

Về mặt quản lý và tổ chức thực hiện chính sách còn nhiều bất cập. Công tác theo dõi, đánh giá hoạt động của các tổ HTX gặp nhiều khó khăn, chưa có sự thống kê và quản lý tập trung. Nhu cầu tiếp cận và sử dụng vốn ưu đãi cho đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất của các HTX NN rất lớn tuy nhiên vẫn còn chịu sự ràng buộc bởi các các yêu cầu khắt khe về “thế chấp” tài sản. Việc tiếp cận và thụ hưởng ưu đãi đa phần phù hợp với các HTX có quy mô nhỏ, vốn ít. Từ đó, dẫn đến hệ quả một số HTX thiếu động lực phát triển, điều đó cũng tác động đến tâm lý nông dân không “mặn mà” tham gia HTX, hoặc không muốn tiếp tục tham gia vào các hình thức liên kết.

Từ thực tiễn hoạt động của HTXNN tỉnh Hậu Giang thời gian qua cho thấy, vấn đề phát triển HTXNN của địa phương đang đặt ra những yêu cầu mang tính bức thiết và cấp bách, thể hiện ở hai vấn đề:

Thứ nhất, phát triển HTX phải gắn liền với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, qua đó góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, ổn định thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Qua đó, tác động tích cực và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội ở địa phương. Giải quyết được yêu cầu này chính là cơ sở, động lực tạo “sức hấp dẫn” lôi cuốn người dân tham gia HTX, cũng là cơ sở, điều kiện cho sự phát triển vững mạnh của kinh tế HTX.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách là chìa khóa tháo gỡ những “điểm nghẽn” đang tồn tại, đồng thời tạo “đòn bẩy” thực sự cho sự phát triển của kinh tế HTX, góp phần khai thác, phát huy những lợi thế, tiềm năng của địa phương; khẳng định thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị lợi nhuận và tạo sức bật cho kinh tế nông nghiệp, góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.

Một số giải pháp

Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của HTX. Tăng cường tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân, tập huấn cho cán bộ, viên chức hiểu rõ bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của HTX. Đổi mới nội dung tuyên truyền thông qua thông qua xây dựng các mô hình, phong trào thi đua để vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp, HTX, hộ thành viên sản xuất, lực lượng sáng lập viên HTX (nông dân sản xuất giỏi, những người có kinh nghiệm, uy tín với cộng đồng và tiềm lực kinh tế) tham gia thành lập và phát triển HTX.

Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị “Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tại tỉnh Đắk Lắk năm 2023”.

Hai là, phát huy vai trò quản lý nhà nước ở địa phương trong vận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX các cấp trên đại bàn tỉnh Hậu Giang; đẩy mạnh thực hiện tốt quy chế hoạt động, phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ của thành viên. Tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền với cấp ủy Đảng cùng cấp để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, hỗ trợ HTX. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu và nội dung quản lý nhà nước về KTTT, HTX; đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ và năng lực quản lý nhà nước của Chi cục Phát triển nông thôn và Phòng Nông nghiệp cấp huyện. UBND cấp huyện sắp xếp, bố trí công chức theo dõi chuyên trách về kinh tế tập thể theo đúng quy định, chỉ đạo UBND cấp xã bố trí cán bộ phụ trách KTTT, HTX. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ của cán bộ trong hệ thống quản lý nhà nước. Khuyến khích chuyên gia, đơn vị tư vấn, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hướng dẫn HTX. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, đánh giá phân loại chất lượng nhằm thực hiện đầy đủ các quy định và tính minh bạch trong hoạt động của HTX. Tập trung chỉ đạo giải quyết triệt để đối với các HTX ngừng hoạt động; rà soát, đánh giá và xử lý các tồn đọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc giải thể HTX.

Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, coi trọng mở rộng phát triển thành viên gắn với nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của HTX, gắn với phát huy vai trò làm chủ, lợi ích của các thành viên, khả năng huy động, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nâng cao vai trò chủ thể của các thành viên tham gia Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho HTX dưới nhiều hình thức: Đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, tập huấn kỹ năng, hội thảo – tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, mô hình… Hỗ trợ đưa lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn trong HTX. Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Phát huy các hình thức liên doanh, liên kết của các HTX đang hoạt động hiệu quả; nhanh chóng khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình liên doanh, liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp, giữa HTX với HTX hoặc hộ cá thể sử dụng dịch vụ của HTX.

Bốn là, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng các đề tài, dự án phát triển HTX. Ưu tiên khuyến khích HTX có đăng ký đề án, dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được hỗ trợ một phần kinh phí theo quy định. Hỗ trợ kinh phí ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào sản xuất, kinh doanh nếu đề tài đó phù hợp với điều kiện của HTX. Các cơ quan, ngành dọc quản lý thuộc lĩnh vực hoạt động của HTX chủ trì kết nối cùng với Liên minh HTX phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, các địa phương triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ các HTX áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO, TCVN ISO, GAP (VietGAP, GlobalGAP, LocalGAP,..). Trước mắt từng bước thực hiện việc chuyển đổi số, tiến tới số hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTXNN, các công cụ hiển thị minh bạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm (vùng trồng, nuôi, sản xuất, chế biến).

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá toàn diện năng lực, tiềm năng, khả năng phát triển của các HTX cần bố trí nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng các mô hình HTX điểm với yêu cầu tiêu chí giá trị nông sản chủ lực phải được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết. Hỗ trợ các HTX xây dựng nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu sản phẩm (logo, tem nhãn, bao bì…), đảm bảo mỗi HTX có ít nhất 1 sản phẩm theo tiêu chuẩn của chương trình OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên và công khai thông tin của HTX trên website của Liên minh HTX tỉnh và đưa sản phẩm của HTX lên các sàn thương mại điện tử.

Năm là, tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã, hộ nông dân. Nâng cao hiệu quả công tác khảo sát, phân tích, dự báo và tư vấn tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các HTX xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTXNN tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ thống gian hàng, điểm trưng bày, quảng bá các mặt hàng nông sản của HTXNN Hậu Giang ở các địa phương.

Để biến “cơ hội” thành hiện thực đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nỗ lực của tất cả các chủ thể, trong đó sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và chính sự “tự thân” vươn lên của mỗi HTX.

ThS. Trần Đình Duệ (Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu