Nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông
Tham dự hội thảo có PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cùng hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 35 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các trường đại học, cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước với nhiều ý kiến thảo luận sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, trong đó tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông tại Việt Nam thời kỳ đổi mới; những vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy Học viện Báo chí Tuyên truyền, Chủ tịch Hội đồng Trường, nhấn mạnh: Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vẫn luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho nền báo chí – truyền thông nước nhà, để từ đó báo chí – truyền thông luôn đồng hành cùng với đất nước đi qua những năm tháng cách mạng oanh liệt và vẻ vang. Tuy nhiên, bối cảnh mới của tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra rất nhiều thách thức mới cho nền báo chí – truyền thông của Việt Nam hiện nay. Tốc độ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big data, công nghệ truyền thông thế hệ mới… đang tác động và làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội. Chuyển đổi số trở thành một xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, đem đến sự thay đổi tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách thức làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí dựa trên mô hình truyền thông hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện, cùng với đó là sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã và đang đặt ra những hướng phát triển mới cũng như những yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với báo chí – truyền thông nước nhà, để nhanh chóng bắt kịp với xu thế của thế giới và phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng hiện đại.
Vẫn còn đó nhiều thách thức từ những vấn đề nội tại của nền báo chí – truyền thông trong nước như công tác quản lý báo chí – truyền thông ở một số nơi còn lỏng lẻo; công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới hoạt động báo chí – truyền thông còn nhiều khó khăn; một bộ phận những người làm báo chí – truyền thông cũng như một số cơ quan báo chí – truyền thông có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách, gây bức xúc xã hội, đi ngược lại với những giá trị về phẩm chất, đạo đức của người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với đó, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ và khó kiểm soát thông tin trên không gian mạng, các âm mưu chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động trên các phương tiện truyền thông, v.v… cũng là những vấn đề phức tạp mà báo chí – truyền thông nước nhà phải đối mặt trong định hướng thông tin, dư luận. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong bối cảnh đó, cần phải khẳng định những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là bất biến và tiếp tục là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của báo chí – truyền thông trong nước, nhưng cần phải được hiểu, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Tại Hội thảo “Thực trạng và vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông ở Việt Nam hiện nay”, các đại biểu cũng đã thống nhất những vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quán triệt quan điểm, nhận thức về nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông là vấn đề có tính nguyên tắc, nhằm đảm bảo định hướng chính trị và sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí – truyền thông, đảm bảo tính khoa học và những vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của báo chí – truyền thông. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển báo chí – truyền thông theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, bảo đảm sự phù hợp với các điều kiện, tình hình thực tế ở từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực, cũng cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí – truyền thông, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, nhất là trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, của các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, truyền thông và cá nhân những người làm báo chí – truyền thông trong việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển báo chí – truyền thông thời kỳ đổi mới. Dành nguồn lực tương xứng để đổi mới hoạt động báo chí – truyền thông, nâng cao chất lượng tổ chức sản xuất thông tin, sản phẩm báo chí, truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đáp ứng ngày càng cao các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu, thị hiếu của công chúng.
Ý kiến của các nhà khoa học và các đại biểu đã đánh giá, phân tích một cách rất khách quan, toàn diện thực trạng và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, từ đó Ban Chủ nhiệm Đề tài KX.02.31/21-25 có thêm nhiều luận cứ khoa học hữu ích, sinh động để tiến hành nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất kịp thời với Đảng, Nhà nước trong quản lý, phát triển báo chí – truyền thông trong thời gian tới./.