Người “giữ lửa” mặt nạ giấy bồi cuối cùng ở phố cổ Hà Nội

Tạp chí Biển Việt Nam - Mặt nạ giấy bồi là đồ chơi Trung thu lâu năm của người Hà Nội. Trước đây, mỗi dịp tết Trung thu, món đồ chơi này rất phổ biến và thu hút trẻ em Thủ đô. Tuy nhiên đến nay, chỉ còn lại vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa còn gắn bó với nghề này.
Nằm sâu trong ngõ 73 phố Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội) là nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan – những người thợ chế tạo mặt nạ giấy bồi thủ công duy nhất ở phố cổ. Căn nhà nhỏ được luôn tràn ngập những xếp giấy vụn, bút vẽ, hộp sơn tổng hợp các màu, thùng keo và những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi với nhiều màu sắc, hình dáng phong phú.
Đây là những sản phẩm truyền thống được làm hoàn toàn bằng cách thức thủ công.
Những ngày này, vợ chồng ông tất bật sản xuất những chiếc mặt nạ giấy bồi phục vụ cho dịp Tết Trung thu. Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi thì trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi người làm cần phải khéo léo, tỉ mỉ.
Mỗi công đoạn này đều rất quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo.
Đầu tiên là khâu chuẩn bị nguyên liệu, thường sử dụng là bột sắn củ sau khi mua về cạo vỏ sạch sẽ rồi đổ nước lã vào nấu lên khi chín thì thành hồ sắn. Sau đó để nguội thì người thợ thủ công sẽ quét trực tiếp dung dịch hồ sắn vào giấy. Đặc biệt, giấy sử dụng làm mặt nạ thường làm từ giấy đi học, bìa carton ngâm nước, bóc rồi tách ra kết hợp với giấy A4, giấy học sinh để tạo lên một chiếc mặt nạ.
Tiếp theo là công đoạn quét giấy, xé nhỏ rồi bồi dần dần vào trong khuôn có sẵn, khi bồi được 4-5 lượt rồi thì theo tầm tay gấp viền xung quanh và lấy từ khuôn ra rồi đem đi phơi ngoài nắng.
Mỗi chi tiết một màu khác nhau, nên phải chờ khô sơn mới vẽ tiếp. 
Để có những họa tiết đặc sắc, ông Hòa miệt mài, tỉ mỉ vẽ. Với ông, các hình ảnh này đã ăn sâu trong tâm trí nên khi làm ông không cần nhìn bất cứ hình mẫu nào. “Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem”, ông Hòa nói.
Trung bình mỗi ngày, gia đình ông chỉ hoàn thiện được khoảng 30 chiếc mặt nạ. Giá thành mỗi sản phẩm chỉ dao động từ 30.000-50.000 đồng/chiếc.
Nỗi lo mai một
Gắn bó với nghề gia truyền đến nay đã hơn 40 năm, song ở hiện tại ông Hòa bà Lan lại là những người cuối cùng trong gia đình còn giữ được nghề này. Bởi thế hệ con cháu đa phần đều theo nghề khác.
“Khi mọi người bỏ nghề này, gia đình tôi vẫn kiên trì đi theo. Giờ đây, nó không chỉ là một nghề, mà là cái nghiệp buộc lòng chúng tôi gắn bó. Đến nay, chỉ còn gia đình tôi ở phố cổ này còn lưu giữ và phát triển nghề truyền thống”, bà Lan chia sẻ.
Ngày trước, mỗi dịp Trung thu cận kề, mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi không thể thiếu của trẻ con. Tuy nhiên, khi có nhiều sự lựa chọn hơn với mặt nạ nhựa, đồ chơi công nghệ, mặt nạ giấy bồi “kén” người mua hơn. Tuy biết rằng mặt nạ giấy bồi khó có thể cạnh tranh với những món đồ chơi bằng nhựa hiện đại nhưng vợ chồng bà Lan vẫn kiên trì, bám trụ với nghề.
“Bây giờ là đồ chơi của Trung Quốc, nước ngoài tràn ngập vào Việt Nam rất nhiều. Nhưng đồ chơi nhà tôi vẫn giữ được tại vì nó mang tính chất truyền thống dân tộc, là đồ chơi dân gian Việt Nam”, chia sẻ của bà Lan.
Những chiếc mặt nạ giấy bồi hình thù ngộ nghĩnh.
Để cách tân sản phẩm làng nghề, nâng cao sức cạnh tranh, vợ chồng ông Hòa bà Lan bắt đầu với việc cách tân mẫu mã sản phẩm. Không chỉ dừng ở việc sản xuất mặt nạ truyền thống với những tạo hình quen mắt như Tôn Ngộ Không, Chú Tễu, Chí Phèo, hai ông bà còn sản xuất một số mặt nạ mới mà trẻ con nó thích như siêu nhân, mặt nạ người ngoài hành tinh.
Có thể thấy, đối với họ, việc giữ được nghề không chỉ cho gia đình mình, mà còn giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc, để những giá trị và ý nghĩa của chúng không bị lãng quên, luôn là một phần trong Trung thu của trẻ em Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Thành

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu