- Ninh Bình dự kiến sẽ đón khoảng 6,5 đến 6,8 triệu lượt khách du lịch năm 2023. Phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng khách tham quan, du lịch ước đạt trên 8 triệu lượt khách; Giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động, trong đó có khoảng 9.000 lao động trực tiếp.
Theo báo cáo đánh giá sơ kết tình hình phát triển du lịch giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần XXII (2020 – 2025) cho biết: Trong hai năm đầu nhiệm kỳ (2020, 2021), ngành du lịch toàn cầu nói chung, du lịch tỉnh Ninh Bình nói riêng gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, trong thời gian này số lượng khách đến tỉnh sụt giảm sâu, thậm chí có nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ đến phá sản, có khoảng 90% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động và là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền của khách du lịch.
Trước những khó khăn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, thường xuyên. Ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xây dựng và ban hành NQ 07 về phát triển du lịch đến năm 2030, định hướng đến 2045.
Với nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt, ưu tiên huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mới; đào tạo nghiệp vụ du lịch, duy trì lực lượng lao động; tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn như: Năm Du lịch Quốc gia, Lễ hội Hoa Lư, Tràng An, Tuần Du lịch Ninh Bình, các chương trình hội thảo, hội nghị quy mô quốc gia, quốc tế; Xúc tiến, quảng bá giới thiệu điểm đến Ninh Bình ở các thị trường khách mới (các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên, miền trung…), các thị trường quốc tế (Đức, Bỉ, Hà Lan…); đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo môi trường du lịch tại các khu, điểm, cơ sở dịch vụ du lịch. Đặc biệt, phát triển du lịch đã được các cấp, các ngành địa phương đặc biệt coi trọng và tham gia một cách chủ động, tích cực, từng bước tạo nên hệ sinh thái kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Do đó, đã đạt được những kết quả rất khả quan, ngành du lịch của tỉnh giờ đây đã có những dấu hiệu khởi sắc, cơ bản khắc phục được tính mùa vụ, khách du lịch đến đều các tháng trong năm, đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác phát triển; Ninh Bình đã thực sự trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Đặc biệt, tại giải thưởng thường niên về du lịch của Booking.com,
Ninh Bình là địa phương duy nhất của Châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới năm 2023 và trong giải thưởng du lịch thế giới VQG gia Cúc Phương 5 liên tiếp từ năm 2019 đến năm 2023 được công nhân là công viên quốc gia hàng đầu Châu Á. Đặc biệt, Ninh Binh là một trong 3 tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Hồng (cùng thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh) và một trong 8 tỉnh, thành phố trong cả nước có di sản thế giới và Ninh Bình là nơi duy nhất trong cả nước và khu vực Đông Nam Á sở hữu Di sản kép, được tổ chức UNESCO ghi danh, đó là Tràng An là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới công nhận vào năm 2014 và năm 2022, tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững.
Về thực hiện các chỉ tiêu du lịch giai đoạn 2021-2025: Dự kiến năm 2023, các khu du lịch của tỉnh dự kiến sẽ đón khoảng 6,5 đến 6,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 6.850 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng khách tham quan, du lịch Ninh Bình ước đạt trên 8 triệu lượt khách (vượt chỉ tiêu Đại hội XXII giao là 8,0 triệu lượt). Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế và thách thức cần phải tập trung giải quyết như: Doanh thu du lịch, lượng khách lưu trú và thời gian lưu trú của khách chưa cao; còn thiếu các sản phẩm, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm du lịch còn thấp. Chưa phát huy đầy đủ nền tảng cố đô Hoa Lư, vị trí địa lý, các giá trị độc đáo, khác biệt về tự nhiên, văn hóa, xã hội, con người Ninh Bình để phát triển du lịch.
Tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cuộc xung đột Nga – Ucraina và sự sụt giảm kinh tế thế giới; sự cạnh tranh thu hút khách giữa các tỉnh, thành phố trong nước và khu vực, rơi vào tình trạng phát triển du lịch “quảng canh”, giá trị gia tăng thấp; vấn đề đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di sản…
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu NQ ĐH Đảng bộ tỉnh XXII đã đề ra, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Bình, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, Kết luận 07 về bảo tồn di sản thế giới Tràng An gắn với phát triển du lịch, kế hoạch chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2023-2030, vai trò của các ngành, các địa phương là rất quan trọng, các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp, giải pháp quản lý, khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn hóa, văn minh trên địa bàn.
Tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, (Tràng An, Bái Đính, Kênh Gà, Quảng Trường Đinh Tiên Hoàng, Công viên Văn hóa Tràng An…), phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu riêng của tỉnh, đầu tư xây dựng tuyến du lịch đường thủy kết nối thành phố Ninh Bình với Tràng An và Cố đô Hoa Lư; Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới theo hướng gắn với công nghiệp văn hóa (phim trường, phục dựng kinh thành Hoa Lư…). Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm tại các địa bàn du lịch trọng điểm; các dự án đầu tư xây dựng khách sạn từ 4 – 5 sao (đặc biệt là khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp), hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch; Phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, du lịch văn hóa, tâm linh, thể thao, nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, du lịch nông nghiệp, các sản phẩm du lịch về đêm.
Bảo tồn và khai thác các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch. Ưu tiên triển khai nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề cử trình UNESCO công nhận di tích Núi Non nước là di sản tư liệu của nhân loại; Nghiên cứu xây dựng đề cử di tích Quần thể nhà thờ đá phát Diệm là di sản thế giới.
Phát triển thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng; gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. ứng dụng CNTT trong công tác xúc tiến du. Tổ chức các sự kiện du lịch để kích cầu thu hút khách du lịch; tổ chức xúc tiến du lịch qua các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, các đoàn ngoại giao.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; tập trung, ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số du lịch để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch và phuc vụ công tác quản lý; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để kết nối hạ tầng dịch vụ du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.
Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực du lịch, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch vào các nghề: lễ tân, buồng, bàn, bar,..Phấn đấu Ninh Bình là một tỉnh phát triển kinh tế – xã hội vững mạnh toàn diện.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM