Phát huy giá trị văn hóa tâm linh trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở huyện đảo Trường Sa

Tạp chí Biển Việt Nam - Văn hóa tâm linh là một hiện tượng đặc biệt đang tồn tại trong đời sống tinh thần người Việt, hướng con người về cội nguồn, về tiên tổ. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tâm linh hiện nay mang tính cấp thiết, không những giúp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ, mà còn góp phần quan trọng vào việc củng cố nền tảng chính trị tinh thần tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trên phạm vi cả nước cũng như ở huyện đảo Trường Sa.

Spiritual culture is a special phenomenon that exists in the spiritual life of Vietnamese people, directing people to their roots and ancestors. Researching, preserving and promoting spiritual cultural values ​​today is urgent, not only helping to build a healthy, civilized cultural environment, protecting the values ​​of truth – goodness – beauty, but also making an important contribution to consolidating the spiritual and political foundation to create synergy to firmly protect the sovereignty of sea and islands nationwide as well as in Truong Sa island district.

 Văn hóa tâm linh có vị trí, vai trò, giá trị to lớn – là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, ý thức hướng thượng, hướng thiện. Đồng thời, văn hóa tâm linh còn được coi là chỗ dựa về mặt tinh thần, xoa dịu những đau thương mất mát, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi trước cái chết, đem lại sự thanh thản, cân bằng cho tâm hồn. Vì vậy, có thể nói giá trị của văn hóa tâm linh không những tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc, mà còn góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trường Sa (Khánh Hòa) là 1 trong số 12 huyện đảo của cả nước và là 1 trong 6 huyện đảo của khu vực duyên hải miền Trung. Đây là nơi có vị trí địa chiến lược tổng hợp đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh.

Với tinh thần “cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, những năm qua, Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh trên huyện đảo Trường Sa. Theo đó, đã có nhiều công trình được trùng tu, bảo tồn, tôn tạo và đầu tư xây dựng nhằm thiết thực góp phần đáp ứng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân dân Huyện đảo. Đáng chú ý là các công trình mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh của Người Việt, như: Tượng đài Hưng đạo Đại vương Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, Đền thờ Thái úy Việt Quốc công Lý Thường Kiệt, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Công viên Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và hệ thống chùa chiền trên các đảo,… không những tạo ra không gian – địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió, mà còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ, đặc biệt là góp phần củng cố nền tảng chính trị – tinh thần, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Chùa Song Tử Tây tọa lạc trước ngọn hải đăng cao vút trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa và là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa.

Các công trình văn hóa nói chung, văn hóa tâm linh nói riêng, đặc biệt là hệ thống các chùa được trùng tu, tôn tạo, đầu tư xây dựng ở huyện đảo Trường Sa thời gian qua, không những đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa đất liền và huyện đảo Trường Sa – mở ra những không gian, địa điểm thuận lợi để quân – dân Huyện đảo tổ chức các hoạt động văn hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của quân và dân Huyện đảo, mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong tiến hành công tác tư tưởng, góp phần xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc nơi đầu sóng, ngọn gió. Sự hiện diện của các nhà sư trụ trì tại những ngôi chùa uy nghiêm, sừng sững trên huyện đảo Trường Sa, cùng với những câu kinh, tiếng kệ và đặc biệt là tiếng chuông chùa văng vẳng, ngân vang giữa sóng nước trùng khơi mỗi sớm, mỗi chiều,… vừa giúp quân dân Huyện đảo thêm yên tâm phấn khởi, kiên cường bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió, vừa khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, ý thức cố kết cộng đồng, thức tỉnh lương tri, hướng về nguồn cội. Đồng thời, có giá trị, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn, khơi dậy khát vọng cống hiến, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân sở tại và cả những ngư dân ra khơi khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển này. Ngoài thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu – trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ, nhất là các dịp lễ, tế,… cán bộ, chiến sĩ trên đảo có thể đến vãn cảnh chùa hoặc thắp nhang lễ phật, tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ,… không những giúp họ vơi bớt nỗi nhớ nhà, mà còn góp phần củng cố tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, ý chí quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chùa Sinh Tồn Đông nằm trên đảo Sinh Tồn Đông, trong cụm Sinh Tồn tại quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Qua đó cho thấy, văn hóa tâm linh nói chung, các hoạt động tín ngưỡng văn hóa tâm linh nói riêng không những đã và đang thực sự là “điểm tựa tâm linh” giúp quân dân Huyện đảo có thêm ý chí, nghị lực phi thường, sức sống mãnh liệt, sức mạnh nội sinh, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng chủ động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gian khổ, hiểm nguy để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là minh chứng hùng hồn cho sự trường tồn của truyền thống văn hóa tín ngưỡng ngàn đời của dân tộc – “ở đâu có người Việt, ở đó có hoạt động tín ngưỡng tâm linh”, là biểu tượng hồn thiêng sông núi, là cột mốc văn hóa tâm linh nơi “đầu sóng, ngọn gió” góp phần củng cố, tăng cường cơ sở pháp lý – khẳng định chủ quyền có tính lịch sử bền vững của dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Văn hóa tâm linh không chỉ được thể hiện ở các công trình văn hóa mà còn được biểu hiện thông qua các hoạt động tín ngưỡng, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng. Tín ngưỡng thờ cúng ở Trường Sa không tách bạch, riêng rẽ và không chỉ bó hẹp trong việc thờ cúng tổ tiên, ông bà,… mà còn được mở rộng về cả về nội hàm, đối tượng, phạm vi và cấp độ. Chẳng hạn như, việc thờ cúng Bác Hồ, thờ cúng các anh hùng liệt sĩ hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ được thực hiện ở Nhà tưởng niệm Bác Hồ và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn, mà còn được thờ cúng ở tất cả các ngôi chùa, các hộ gia đình thuộc các cụm dân cư, cũng như ở bàn thờ Tổ quốc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Huyện đảo mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Ngoài chức năng thờ Phật, các chùa ở huyện đảo Trường Sa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ-những người đã hi sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong tất cả ngôi chùa ở Trường Sa đều có ban thờ khắc tên và địa chỉ của 64 liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma. Đặc biệt là vào dịp 14/3, 27/7 hàng năm, cũng như mỗi khi tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam đưa đón các Đoàn công tác – Đoàn Quân, dân, chính Đảng đi thăm, kiểm tra và động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa đi qua vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma (cụm đảo Sinh Tồn), quần đảo Trường Sa đều tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sau lễ dâng hương, là nghi lễ thả vòng hoa, lễ vật, cùng những cánh hạc giấy và hoa đăng để tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ. Thông qua các hoạt động tâm linh trong Lễ tưởng niệm là dịp để mỗi chúng ta, đặc biệt là các thành viên trong Đoàn công tác bày tỏ lòng thành kính tri ân, tưởng nhớ các Anh hùng, Liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đồng thời, còn thiết thực góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những người đang sống, đặc biệt là thế hệ trẻ xác định rõ ý chí quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nguyện tiếp bước cha anh, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ở tất cả các hộ dân sống trên các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây,… đều treo ảnh và lập bàn thờ Bác Hồ cùng với thờ cúng tổ tiên ở vị trí trang trọng trong mỗi gia đình. Việc thờ cúng tổ tiên và Bác Hồ từ lâu đã ăn sâu trong tiềm thức, trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của cư dân huyện đảo. Việc làm đó vừa thể hiện tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, về Bác kính yêu, vừa trở thành chỗ dựa tinh thần, cổ vũ, động viên, tiếp thêm ý chí, nghị lực để quân – dân sở tại vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng đồng cam, cộng khổ xây dựng Huyện đảo thêm giàu, mạnh góp phần cùng quân – dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cùng với việc phát huy giá trị văn hóa tâm linh – những tác động tích cực của văn hóa tâm linh trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên phạm vi cả nước, cũng như ở huyện đảo Trường Sa, cần đặc biệt quan tâm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực – mặt trái của văn hóa tâm linh đến các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nói riêng. Theo đó, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân trên Huyện đảo nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo; trên cơ sở đó, giúp họ luôn đề cao cảnh giác, tích cực đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc và các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành các hoạt động chống phá (truyền đạo trái phép, tuyên truyền, cổ súy cho các tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, hành vi mê tín, dị đoan, phản động, phản khoa học,…) của các thế lực thù địch. Không được nhầm lẫn giữa việc thờ cúng tổ tiên với các hành vi mê tín, phản khoa học, thậm chí cuồng tín đến mức chỉ chăm chăm trông chờ vào việc đi lễ bái, cầu xin Thánh, Thần, Trời, Phật ban lộc, ban phép màu,… mà quên đi nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng như sự nỗ lực, cố gắng của bản thân trong học tập, công tác, tu dưỡng, rèn luyện, lao động sản xuất, huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu. Nếu quá đề cao, trông chờ, ỉ lại vào việc cúng bái, lấy đó làm cứu cánh – thay thế cho việc nỗ lực, cố gắng, tu dưỡng, học tập, rèn luyện,… thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm lực, khả năng, năng lực của bản thân, gia đình, xã hội, thậm chí làm suy tàn, lụn bại, mất sức chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Tóm lại, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tâm linh trên phạm vi cả nước, cũng như ở huyện đảo Trường Sa hiện nay có tính cấp thiết và ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào việc củng cố nền tảng chính trị tinh thần tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trên phạm vi cả nước cũng như ở huyện đảo Trường Sa. Tuy nhiên, quá trình đó cần phải đặc biệt quan tâm tới việc nhận diện, đấu tranh phản bác các hành vi lợi dụng hoạt động văn hoá tâm linh, ngoại cảm tâm linh để thực hiện mưu đồ xấu vì lợi ích cá nhân hoặc các mục đích phản văn hoá khác, trái với ý nghĩa cao đẹp của văn hoá tâm linh người Việt, nhất là các thế lực thù địch lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống phá.

Đại tá, TS Nguyễn Văn Dung Trung tá - Th.S Phạm Thị Thu Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM