Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phải hướng đến xuất khẩu
Thực tế cho thấy, bên cạnh thị trường trong nước, các làng nghề TCMN cần tập trung hướng đến xuất khẩu, là thị trường hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế không những cho làng nghề, cho những người thợ, mà cả quốc gia.
Các cuộc thi thiết kế sáng tạo mẫu sản phẩm làng nghề TCMN mỗi năm lựa chọn hàng nghìn mẫu mới, cho thấy khả năng sáng tạo cũng như tay nghề của nghệ nhân rất tốt. Việc thay đổi, cải tiến mẫu mã sản phẩm là cần thiết để ngành TCMN có thể cải thiện năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập. Tuy nhiên, có một nhược điểm, đó là các nghệ nhân chưa bám sát thị trường. Nếu so sánh với các địa phương khác, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội thuộc hàng đầu trong cả nước không những về số lượng, về số ngành nghề mà còn cả về chất lượng của sản phẩm. Nhưng nếu so với sản phẩm của các nước thì sản phẩm của Hà Nội vẫn còn yếu thế hơn, đặc biệt về khả năng “bám” vào thị trường. Nhiều nghệ nhân sáng tác dựa trên thế mạnh và sở trường chứ chưa nghĩ tới việc sản phẩm này bán ở những thị trường nào và dự định bán với giá cả bao nhiêu. Chính vì không hiểu thị trường, các nghệ nhân không hoàn thiện được sản phẩm theo mong muốn của khách hàng.
Để các sản phẩm của các nghệ nhân có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm và rất cần vai trò cầu nối của cơ quan quản lý nhà nước giúp các nghệ nhân tiếp cận, nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu của thị trường./.