Sinh viên Học viện Ngoại giao tự hào là hậu phương của “người lính biển”

Tạp chí Biển Việt Nam - Nhân dịp tham gia chương trình “Tuổi trẻ Học viện Ngoại giao (DAV) và biển đảo quê hương”, Hoàng Hà Vân (18 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng; hiện đang là sinh viên năm đầu ngành Quan hệ Quốc tế tại Học viện Ngoại giao, Hà Nội) đã chia sẻ về niềm tự hào, xen lẫn nỗi niềm riêng về những khó khăn khi là “hậu phương” của người lính biển.
Hoàng Hà Vân ngày nhập học tại Học viện Ngoại giao.

Phóng viên: Chào Hà Vân, trong suy nghĩ của bạn, bố mình là người như thế nào?

Hà Vân: Tôi rất thích ngắm nhìn tấm ảnh bố trong bộ quân phục màu xanh Hải quân. Trong cuộc sống thường ngày, phong thái của bố nhanh nhẹn và nghiêm túc, vì đã quen với phong cách sống, làm việc, rèn luyện trong quân ngũ. Có nhiều hình ảnh rất đỗi thân thuộc khiến tôi luôn nhớ tới bố mình: Đó là chăn gối xếp vuông vức; đôi dép, đôi giày để đúng vị trí dưới gầm giường… Chính nhờ có bố là một người lính biển, nên từ bé, tôi đã được rèn tính kỷ luật, tự lập và sự kiên trì. Những đức tính quan trọng ấy đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong học tập và rèn luyện sau này.

Người chiến sĩ Hải quân trong suy nghĩ của tôi thực sự là những con người kiên cường, bất khuất. Cuộc đời họ gắn liền với công việc cao cả: Bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ sống để phục vụ hết mình cho đất nước, cho nhân dân. Có những người đã hy sinh cả tuổi xuân, hy sinh thời gian cho gia đình, cho bản thân để nhận nhiệm vụ, và tất nhiên cũng có người đã ngã xuống vì biển đảo quê hương.

Những cống hiến của người lính nói chung và người lính biển nói riêng luôn diễn ra trong thầm lặng và đôi khi không thể diễn tả hết bằng lời. Cũng như bao người con có bố là bộ đội Hải quân khác, mỗi khi bố vắng nhà, tôi và gia đình đều không tránh khỏi sự lo lắng; chỉ cầu mong người thân của mình bình an trở về sau mỗi chuyến đi biển. Công việc của bố tuy vất vả và nhiều khó khăn, thậm chí đối mặt với vô vàn hiểm nguy trên sóng biển, nhưng nhìn bóng dáng bố xách chiếc balo đã sờn đi công tác, tôi lại thấy tự hào vì được làm “hậu phương” của người lính biển. Bởi tôi hiểu rằng, bố tôi và các đồng chí, đồng đội đang sống, làm việc và cống hiến theo lý tưởng cao đẹp – sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.

Tôi nhớ về mấy câu thơ:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi 20 làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc?” (trích “Những người đi tới biển” – Thanh Thảo)

Chuyến đi chơi của Hà Vân cùng gia đình trong một dịp hiếm hoi bố về thăm nhà.

PV: Hà Vân nghĩ gì về những đóng góp và cống hiến hoàn thành nhiệm vụ cao cả của người lính Hải quân?

Hà Vân: Hai từ “tự hào” sẽ là phù hợp nhất để nói lên hết những suy nghĩ của tôi. Tôi tự hào về bản thân khi được là con gái của một chiến sĩ Hải quân; tự hào về những cống hiến không ngừng nghỉ mà bố và đồng chí, đồng đội đã dành cho công việc của mình. Vì đặc thù nghề nghiệp, bố tôi và đồng đội đã phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, từ việc duy trì an ninh biển đến tham gia vào các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ ngư dân, ngư trường. Người lính Hải quân đã dành phần lớn thời gian cuộc đời mình vì lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước nhìn từ hướng biển. Và tôi luôn tự hào về điều đó.

PV: Bạn có thể chia sẻ những khó khăn mà gia đình gặp phải khi bố thường xuyên vắng nhà đi làm nhiệm vụ được không?

Hà Vân: Bố tôi là một người lính Hải quân, đến nay đã gắn bó với quân ngũ hơn 30 năm. Bởi vậy, dù bố không nói ra nhưng tôi luôn cảm nhận rất rõ tình yêu của bố với công việc, sự gắn bó với những người đồng đội nơi biển đảo quê hương. Như bao gia đình có người thân là lính Hải quân, với đặc thù công việc phải dành phần lớn thời gian ngoài biển đảo và luân chuyển công tác đến các vùng biển đảo trọng yếu khác nhau, thời gian mà gia đình tôi được sum họp là rất ít. Mười mấy năm trời đằng đẵng từ khi tôi còn bé đến tận khi học cấp 3, bố tôi vẫn hiếm khi nào được nghỉ ở nhà đúng nghĩa, bởi lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng tham gia chiến đấu. Quãng thời gian ấy với một đứa trẻ như tôi rất khó khăn. Những lúc nhìn các bạn có bố đồng hành và chia sẻ, tôi lại hơi chạnh lòng.

Hà Vân chia sẻ câu chuyện của mình tại buổi nói chuyện chuyên đề “Tự hào một dải non sông” trong chương trình “Tuổi trẻ DAV và biển đảo quê hương” tại Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Kênh thông tin Học viện Ngoại giao)

PV: Vậy các thành viên trong gia đình Hà Vân đã làm gì để cùng giữ chắc sợi dây liên kết trong khoảng thời gian khó khăn ấy?

Hà Vân: Đối với gia đình tôi, khoảng cách địa lý là một trở ngại lớn, nhưng điều đó không làm ngăn cách tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Khi bố xa nhà, mẹ, tôi hay em trai đều hiểu rằng đó là nhiệm vụ, là trọng trách cao cả mà đất nước, Quân đội đã tin tưởng giao phó cho những người lính Hải quân anh hùng. Mẹ dặn chúng tôi phải luôn giữ trong mình niềm tự hào khi có bố là một “người lính biển” và cố gắng vững tin vào công việc, nhiệm vụ của bố.

Còn bố tôi, trong thời gian công tác, ông vẫn luôn hướng về gia đình. Bố ở trong quân ngũ lâu ngày nên tính cách đôi khi có phần khô khan, nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận được tình yêu thương của bố dành cho chúng tôi nhiều đến nhường nào. Một vài câu chuyện về món vải khô chị em tôi yêu thích, hay những bức thư tay mẹ mong muốn nhận được từ bố nơi phương xa, bố tôi âm thầm lưu giữ rất lâu. Rồi những lần tranh thủ về nhà vài ngày, sau gần 3 – 4 tháng xa nhà, bố cẩn thận mang về những bịch vải khô thơm ngon cho các con, và một túi đựng đầy những bức thư tay không thể gửi về nhà cho vợ. Tôi lại càng thấy yêu và trân quý tình cảm mà bố dành cho gia đình. Những điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là sợi dây gắn kết quan trọng, gắn kết gia đình chúng tôi cho dù khoảng cách địa lý xa xôi.

PV: Nghề nghiệp của bố chắc có ảnh hưởng nhiều tới định hướng tương lai của Hà Vân?

Hà Vân: Từ những câu chuyện của bố và những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam, sống và chiến đấu để bảo vệ biển đảo quê hương, chính là nguồn cảm hứng để tôi không ngừng cố gắng và quyết tâm học tập tốt, để xây dựng quê hương. Tôi đã chọn theo học chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao. Việc học tập dưới mái trường Ngoại giao giúp tôi có dịp tìm hiểu sâu sắc về lịch sử đất nước, con người Việt Nam và tinh thần bất khuất của dân tộc trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận ngoại giao.

Bảo vệ Tổ quốc cần nhìn từ hướng biển, xây dựng và bảo vệ đất nước phải “từ sớm, từ xa”. Do đó, công tác đối ngoại, hoạt động ngoại giao có vai trò tiên phong, quan trọng hàng đầu. Học ngành Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao sẽ giúp tôi tiếp nối truyền thống và đền đáp những cống hiến mà bố tôi và đồng đội đang làm.

Với tình yêu thương và chỉ bảo của bố, cộng thêm đặc thù chuyên ngành mang đậm tính chính trị mà bản thân đang theo học, tôi có điều kiện tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về các vấn đề của đất nước, đồng thời trau dồi tri thức và bản lĩnh chính trị để sau này có thể đóng góp một phần nhỏ xây dựng quê hương. Đó chính là động lực hướng tới tương lai của tôi!

Người lính biển luôn đồng hành cùng ngư dân trong những chuyến vươn khơi.

PV: Theo Hà Vân, người trẻ cần làm gì để bồi dưỡng tình yêu đối với biển đảo quê hương và tri ân những người lính biển ngày đêm thầm lặng cống hiến, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc?

Hà Vân: Hiện nay, các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, hay nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước, nhất là các trường đại học đã tổ chức rất nhiều hoạt động gắn kết tình quân – dân biển đảo, như cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam; cuộc thi ảnh “Trường Sa – Không xa”; cuộc thi sáng tác thơ, ca khúc “Trường Sa – Cảm xúc niềm tin”; Tổ quốc bên bờ sóng… Việc người trẻ tham gia những cuộc thi, sự kiện như vậy cũng là một cách hay, ý nghĩa để thể hiện tìm cảm, sự quan tâm tới biển đảo quê hương.

PV: Xin cảm ơn những lời chia sẻ của Hà Vân!

Hoàng Loan - Anh Thư - Mai Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu