Tập thơ “Vị thế Việt Nam” – khúc tráng ca thời đại

Tạp chí Biển Việt Nam - Trong bối cảnh đời sống văn học – nghệ thuật đang chuyển mình tìm lại chỗ đứng trong tâm hồn công chúng hiện đại, buổi ra mắt tập thơ Vị Thế Việt Nam của nhà thơ Huyền Vũ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, tối 15/6/2025 vừa qua, đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt. Diễn ra trong không gian nghệ thuật trang trọng và sâu lắng, sự kiện đã thu hút sự tham dự của hàng trăm khách mời văn chương, nghệ thuật cùng đông đảo độc giả yêu thơ Việt Nam.
Nhà thơ Huyền Vũ và vợ bà Lê Ngọc Diệp trong lễ ra mắt tập thơ Vị Thế Việt Nam.

Giữa lòng đô thị sôi động, nơi những bước chân hiện đại hòa cùng nhịp sống công nghiệp, đêm thơ đặc biệt này đã thắp lên ánh sáng của cảm xúc và chiều sâu văn hóa. Đó là một tiếng nói thơ đầy bản lĩnh, đằm sâu và mang khí chất thời đại.

Không Gian Giao Lưu Nghệ Thuật Sâu Lắng.

Không khí đêm ra mắt mở ra với âm thanh du dương của nhạc cụ dân tộc, tiếng ngâm thơ trầm ấm, sáng trong và ánh sáng vàng dịu phủ khắp không gian. Trên nền bản đồ Việt Nam in nổi bật là hình ảnh một cánh chim hạc đang vươn mình vào không trung – một biểu tượng mạnh mẽ cho khát vọng vươn mình trong thi ca và bản sắc dân tộc.

Tác giả tập thơ: Nhà thơ – doanh nhân Huyền Vũ chia sẻ: “Kinh doanh và thơ ca hòa quyện trong tôi như hai mạch máu. Tôi làm thơ để giữ lại điều gì đó thật đẹp cho thời đại mình, cho đất nước mình. Nếu ai đó đọc và xúc động, thì thơ đã hoàn thành sứ mệnh.”

Không chỉ đơn thuần là buổi giới thiệu tập thơ, Vị Thế Việt Nam còn là một đêm thơ, một không gian nghệ thuật đích thực và độc đáo. Xen giữa những chia sẻ đầy cảm xúc của chính tác giả và những bạn thơ là những tiết mục âm nhạc, múa đương đại và trình chiếu thị giác minh họa thơ. Nhiều khách mời đã ngẫu hứng đọc thơ của chính mình để hòa cùng không khí đã tạo nên một buổi tối giao thoa giữa nghệ thuật ngôn từ và âm nhạc, giữa suy tưởng và xúc cảm…

Xuyên suốt chương trình đêm thơ là lời du ca và dẫn dắt người nghe vào một hành trình thi ca – nơi quá khứ, hiện tại và tương lai hòa quyện, đồng thời mở ra không gian cảm xúc cho một tập thơ. Đó cũng chính là biểu tượng cho hành trình tìm về bản sắc dân tộc và khẳng định giá trị Việt qua thi ca.

Tổng Hoà Của Tự Sự Và Sứ Mệnh

Là cái tên không còn xa lạ trong giới thi ca hiện đại, tác giả Huyền Vũ đã từng ra mắt các tập thơ “Tình Yêu và Biển Cả” vào năm 2023 gây được tiếng vang lớn trong làng văn học Việt Nam. Nếu nói “Tình Yêu và Biển Cả’ là sự cất giọng trang trọng của tiếng thơ Huyền Vũ thì với tập “Vị Thế Việt Nam” lần này, ông đã bước sang một chặng đường mới – đầy suy tư về đất nước, con người, và đặc biệt là vị trí tinh thần của dân tộc Việt trong dòng chảy toàn cầu hóa.

Mặc khác, “Vị Thế Việt Nam” không đơn thuần là một tập thơ – đó là hành trình chiêm nghiệm, vượt lên trên những định kiến về tuổi tác, thân phận hay ranh giới giữa đời – thơ.

Theo tác giả, “Vị Thế Việt Nam” không cố giành lại một vị trí đã qua cho thơ Việt, mà là một sự tự khẳng định mình bằng những cảm xúc chân thật. Trong thời đại mạng xã hội và dữ liệu, thi ca vẫn còn chỗ đứng nếu biết chạm vào nỗi niềm của con người. Sự kiện đêm thơ “Vị Thế Việt Nam” như một lời xác tín rằng: thơ vẫn sống, nếu người viết còn tin, và người đọc còn cảm…

Nhà thơ Huyền Vũ chia sẻ chân tình: “Tôi không làm thơ để trở nên nổi tiếng. Tôi không đi tìm sự chinh phục, tôi tìm sự đồng cảm và sẻ chia… 

Nhà thơ Huyền Vũ có nhiều bài thơ hay với nhiều đề tài đa dạng, nhưng lĩnh vực nào cũng đầy cảm xúc mới lạ và độc đáo. Có thể nói, đề tài thành công nhất trong cuộc đời sáng tác thi ca của ông chính là đề tài về biển, quê hương và Tổ quốc.

Tại sự kiện, nhà thơ  Trần Minh Hân  – Chủ tịch Câu lạc bộ thơ Việt Nam – chia sẻ: “Giữa thời đại thơ không còn giữ vị thế trung tâm của đời sống văn hóa, những người viết thơ và yêu thơ bằng cả tâm hồn như Huyền Vũ là vô cùng quý. Thơ ông là thơ không từ bỏ lý tưởng. Đó là tiếng nói hào sảng nhưng vẫn rất đỗi trữ tình…”

Quả thật như vậy, tập thơ Vị Thế Việt Nam của Huyền Vũ thật sự giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh. Huyền Vũ không chủ trương cách tân thơ, thậm chí thơ anh còn nghiêng nhiều về phía cổ điển. Thế nhưng đọc thơ anh luôn cảm nhận được sự mới mẻ nào đó, sự mới mẻ trong thơ của một người thợ không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình và không ngừng suy tưởng về những phương trời viễn mộng.

PGS.TS lại Vĩnh Cẩm, Nhà báo Hoàng Thị Huệ Tổng biên tập Tạp chí Biển Việt Nam chúc mừng gia đình Nhà thơ Huyền Vũ

Cảm nhận về tác phẩm này, nhà thơ Lâm Bình viết: “Qua những vần thơ chân thật viết theo lối tư duy sự kiện, nhà thơ Huyền Vũ đã góp phần khắc hoạ nên hình ảnh một tâm thế Việt Nam khí chất của hồn thiêng sông núi cùng bề dày lịch sử ngàn năm…” 

Tập thơ “Vị Thế Việt Nam” hội tụ 35 thi phẩm được tác giả sáng tác gần đây. Mỗi tác phẩm dường như đã đạt tới sự hài hoà cần thiết của lý tính sáng tạo và cảm tính sáng tác. Đọc thơ Huyền Vũ là bước vào miền tâm tưởng nơi lịch sử, hiện thực và dự cảm tương lai hòa quyện. Những bài thơ trong tập thơ này như: Khúc biến tấu giữa truyền thống và hiện đại, Thư Bác Hồ gửi nước Mỹ, Vị thế Việt Nam hay như Hiền tài, Vinh Hoa…  đã lay động người đọc bởi chất cảm xúc lặng thầm, đi vào tận sâu tiềm thức.

Trong đó, bài thơ tiêu đề Vị Thế Việt Nam mở đầu bằng hình ảnh mang tính biểu tượng:

“Long chầu hổ phục Văn Miếu ghi

Tinh hoa Việt, trọng nghĩa khinh tải…

Một hình ảnh thơ không cầu kỳ, nhưng gợi mở một không gian văn hóa đặc thù – nơi quá khứ và hiện tại nối kết bằng những chi tiết bình dị. Thơ của Huyền Vũ không đi tìm vẻ đẹp kiêu sa mà lắng đọng trong tinh thần phụng sự.

Quả thật như vậy, với tập thơ “Vị Thế Việt Nam” – Huyền Vũ thật sự giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh. Huyền Vũ không chủ trương cách tân thơ, thậm chí thơ của ông còn nghiêng nhiều về phía cổ điển, thế nhưng đọc thơ anh luôn cảm nhận được sự mới mẻ nào đó, sự mới mẻ trong thơ của một người thợ không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình và không ngừng suy tưởng về những phương trời viễn mộng. 

Huyền Vũ – Một Đời Lênh Đênh, Một Kiếp Yêu Thơ 

Nhà thơ Huyền Vũ, tên thật là Vũ Xuân Huyền, sinh năm 1948 tại xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông là Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Biển Việt Nam và là một doanh nhân thành đạt. Ông ghi đậm dấu ấn trong hành trình phát triển ngành vận tải biển khi đưa Tập đoàn vân tải Bình An trở thành lá cờ đầu trên lĩnh vực hàng hải nước ta.

Tuy thành công trong kinh doanh và nhiều hoạt động xã hội là vậy, nhưng doanh nhân Vũ Xuân Huyền, vẫn không bao giờ từ bỏ thơ ca – niềm đam mê gắn bó từ thuở thiếu thời. Ông chia sẻ, ông đang viết cho chính mình, cho những xúc cảm thường ngày và tự mình chiêm nghiệm chúng. Và, cũng chính nhờ những sự chiêm nghiệm đó, những cảm xúc rất thực trải qua tháng ngày đó mà đến này chúng ta có được một nhà thơ Huyền Vũ cùng những trang thơ sâu lắng, da diết, giàu xúc cảm và cũng không kém phần hùng tráng. 

Tôi dành thời gian cho sáng tác vì tôi thấy mình đã đủ đầy về tất cả mọi thứ và cũng đã đến lúc nhường lại cho con cháu để mình vui thú với sở thích thơ ca. Tôi muốn dành tất cả cơ nghiệp này cho thế hệ sau này. – ông chia sẻ.

Nhà thơ Huyền Vũ cùng vợ và những nhà thơ, những người bạn thân thiết.

Từ những trang nhật ký hải trình ở tuổi 17 cho đến những trải nghiệm quý giá của cuộc đời người doanh nhân yêu biển cả, yêu Tổ quốc đó, đã giúp ông kết tinh và thăng hoa trên từng con chữ. Ông sống với biển, viết cho biển và mang nỗi nhớ đất liền hòa quyện trong từng trang viết, và theo ông, thơ đến với ông như một phản xạ tự nhiên của tâm hồn. Từ “Tình Yêu và Biển Cả” được yêu thích và đón nhận nồng nhiệt cho đến “Vị Thế Việt Nam” hôm nay, ông đã thực sự bước vào thời kỳ “thăng hoa thi ca” – nơi tâm tư cá nhân gặp gỡ với vận mệnh dân tộc.

Nhà thơ Huyền Vũ tâm sự về hành trình thơ của mình:50 năm ăn sóng nói gió cùng biển cả, cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ đến những hành trình sóng nước ấy, trong tôi lại ùa về với những cảm xúc chứa chan… Tôi bắt đầu viết Vị Thế Việt Nam bằng trực giác của một người công dân nước Việt, với sứ mệnh rạng danh non sông. Tôi muốn lắng nghe tiếng nói bên trong dân tộc mình, giữa muôn vàn tiếng ồn thời đại.” 

Tập thơ “Vị Thế Việt Nam” chính là sự thăng hoa của nhà thơ Huyền Vũ. Nhưng sự thăng hoa đó được đúc kết của cả một quá trình sống, đi, học, đọc, chép rồi thai nghén, trăn trở, tích lũy từng câu, từng ý, để rồi khi cảm xúc dâng trào sẽ đẻ ra đứa con tinh thần mà ông tâm huyết. Và sau tất cả, Huyền Vũ vẫn là một nhà thơ nhiều suy tư, gắn bó với con người, cuộc sống. Trong rất nhiều nhà thơ có những vần thơ hay về vị thế quốc gia, dân tộc, nhà thơ Huyền Vũ đã đóng góp vào “gia tài” thơ của đất nước một giọng thơ rất riêng và hào sảng như đại dương bao la.

“Vị Thế Việt Nam” là lời nhắn gửi của một người từng đi xa rất lâu, rất sâu, nay trở về để nói điều giản dị nhưng thiết tha: “Hãy yêu lấy quê hương bằng trái tim nóng và đôi mắt tinh tường.” Đó không chỉ là lời của một nhà thơ, mà còn là tâm niệm của một người con đất Việt – đã sống, cống hiến và yêu đến tận cùng.

Thành Luân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM