Tây Ninh: Hội nghị “Yến sào Tây Ninh-hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững”

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngày 29/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị “Yến sào Tây Ninh-hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững”. Đồng thời, tiến hành báo cáo thực trạng phát triển và quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.

Đến tham dự Hội nghị, về phía địa phương có ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh; ông Trương Tuấn Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh; ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh; bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh; cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp, các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và người quan tâm đến lĩnh vực chăn nuôi chim yến trên địa bàn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Về phía Trung ương, có ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ – Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam Bộ NN&PTNT; ông Hồ Mông Hải, Phó Phòng đại diện Văn phòng phía Nam Cục Chăn nuôi. Về phía Hiệp hội, có ông Trần Quốc Dũng, Chánh Văn phòng Kiêm tổng thư ký Hiệp hội Yến sào Việt Nam; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên thường vụ, Trưởng Ban truyền thông Hiệp hội Yến sào Việt Nam.

Báo cáo tại chương trình, bà Nguyễn Thị Hồng Loan cho biết, địa phương có lợi thế tự nhiên về đất đai, địa hình đồng bằng kết hợp sông nước (sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng và hệ thống các kênh tưới), các khu rừng tự nhiên, tán lá rừng tầng cao, trung và thấp, cánh đồng ruộng lúa có nhiều côn trùng trú ngụ, trở thành nguồn thức ăn phong phú, dồi dào cho đàn chim yến phát triển. Hiệu quả kinh tế từ ngành chăn nuôi chim yến luôn ổn định ở mức cao, bình quân 30 – 35 triệu đồng/kg tổ yến thành phẩm. Những điều này giúp số lượng nhà yến liên tục phát triển, tăng nhanh trong những năm gần đây.
Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, năm 2019 toàn tỉnh có 190 nhà yến, năm 2020 có 486 nhà yến, năm 2021 có 607 nhà yến, năm 2022 có 683 nhà yến đang hoạt động. Đến tháng 9/2023, tỉnh Tây Ninh đã có hơn 1.000 nhà yến với khoảng 800 nhà yến đang hoạt động và 200 nhà yến đang xây dựng hoặc có vị trí phù hợp nhưng chưa xây dựng (tăng 610 nhà yến so với năm 2019), xếp thứ 9/42 tỉnh về số lượng nhà yến và xếp thứ 4/6 tỉnh miền Đông Nam bộ.
Về sản lượng tổ yến, năm 2022 ước tính đạt 4.600 kg, tăng xấp xỉ 1,5 lần so với năm 2021 là 3.075 kg. Sản lượng tổ yến trong năm 2023, ước đạt 13.080kg; sản lượng tổ yến thu hoạch trung bình của 800 nhà yến: 40% thu hoạch 25kg/năm (8.000kg); 50% thu hoạch 5-10kg/năm (3.000kg); 2.0% thu hoạch 130kg/năm (2.080kg) và 8.0% chưa thu hoạch.

Các đại biểu trao đổi trong hội nghị
Cũng theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 cơ sở sơ chế/chế biến tổ yến (05 doanh nghiệp, 06 hộ kinh doanh cá thể). Trong đó, Sở đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 04 doanh nghiệp; Tổ chức ISOCERT cấp chứng nhận HACCP cho 01 doanh nghiệp; UBND cấp huyện cấp cho 06 hộ kinh doanh; sản lượng yến thô sơ chế trung bình trong tỉnh khoảng 107,5 kg/tháng. Với năng lực sơ chế khoảng 77 kg/tháng (với doanh nghiệp) và 30,5 kg/tháng (với hộ kinh doanh). Hiện nay, một số doanh nghiệp đều đang trong giai đoạn chuẩn bị các bước cần thiết để tham gia xuất khẩu sản phẩm yến, các doanh nghiệp nhỏ, chủ cơ sở nuôi chim yến liên kết với doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh để liên kết tham gia xuất khẩu.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, nghề chăn nuôi yến tại địa phương vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn liên quan đến việc thiếu tính liên kết của ngành hàng, tổ yến chưa bảo đảm về chất lượng và an toàn thực phẩm, chưa truy xuất được nguồn gốc, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; công tác kiểm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập, còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khỏe con người.
Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã cùng các đại biểu, doanh nghiệp tham gia Hội nghị bàn luận một số giải pháp, phương hướng giải quyết bất cập trước mắt, giúp ngành Nông nghiệp nói chung cũng như nuôi chim yến nói riêng tháo gỡ khó khăn, như xây dựng liên kết giữa các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học; thành lập tổ chức liên kết giữa các Hội, Chi hội, Hợp tác xã và khuyến khích xây dựng nhà yến chuyên dụng, tập hợp lại thành làng nghề nuôi chim yến trên cơ sở quy định vùng nuôi chim yến của tỉnh; hình thành chuỗi liên kết sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm từ tổ yến, tạo sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tuấn Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu