Tây Ninh: Phát huy vai trò hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới

Tạp chí Biển Việt Nam - Với diện tích trồng lúa hơn 3.900 ha lúa, sản lượng 23.796 tấn/năm, xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) là địa phương có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp.
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, trước đây do tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc nhiều vào thương lái…, nên việc sản xuất của nông dân luôn trong tình trạng bấp bênh, không ổn định. Để khắc phục tình trạng này, cùng với phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã Phước Chỉ đã chỉ đạo thành lập các hợp tác xã, liên kết nhiều nông dân tham gia sản xuất với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản.

Hợp tác xã (HTX) Phước Bình được thành lập từ năm 2018 nhằm tập hợp nhiều hộ nông dân trên địa bàn cùng tham gia sản xuất các loại giống lúa xác nhận, lúa thương phẩm; cung ứng vật tư nông nghiệp và đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho hạt lúa. Thời gian đầu, HTX có sự tham gia của 30 thành viên, với khoảng 60 ha chuyên sản xuất lúa chất lượng cao. Đến nay, tổng số thành viên của HTX đã tăng lên gấp đôi với tổng diện tích đất sản xuất hơn 274 ha. Ông Lê Văn Em (ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ) chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có khoảng 2,5 ha lúa giống ST25. Được HTX đứng ra ký hợp đồng với công ty thu mua. Chúng tôi chỉ việc lo chăm sóc lúa theo hướng dẫn, đến khi thu hoạch thì toàn bộ lúa được thu mua nên không còn phải lo chuyện lúa giống kém chất lượng, vật tư nông nghiệp giả hay phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi bán lúa như trước đây”.

Cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh tham quan một mô hình nuôi cá rô trong ruộng lúa ở xã Phước Chỉ.

PVĐược biết, từ năm 2019 đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình đã thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với tổng diện tích sản xuất mỗi vụ khoảng hơn 270 ha các giống lúa chất lượng cao như IR5451, ST25 OM18… với giá bán sau thu hoạch được cam kết ngay từ đầu vụ. Bên cạnh đó, HTX còn đứng ra thành lập đại lý phân phối lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng đến tận tay các thành viên. Trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất, Ban quản trị HTX sẽ liên hệ và làm việc với các đơn vị liên kết để biết nhu cầu từng loại lúa và thoả thuận giá sàn sau khi thu hoạch để triển khai cho các thành viên. Sau đó, HTX đứng ra làm đầu mối nhận giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để phân phối cho các thành viên với giá bằng hoặc rẻ hơn thị trường từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/sản phẩm, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận sản xuất.

Cùng trên địa bàn xã Phước Chỉ, HTX dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phước Chỉ là nơi tập hợp của hơn 30 thành viên, với hơn 90 ha tại khu vực biên giới ấp Phước Hưng, chuyên sản xuất nếp giống (IR 4625). Ngoài ra, HTX khuyến khích các thành viên phát triển chăn nuôi với tổng đàn trên 60 con bò, nhằm tận dụng nguồn cỏ trên bờ ruộng, tránh sử dụng thuốc diệt cỏ ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng lúa, nếp của HTX. HTX đã ký kết hợp đồng liên kết với các nhà máy ở Long An, theo đó, khi bắt đầu vụ sản xuất mới, các thành viên của HTX được nhà máy phân phối giống và hỗ trợ sản xuất mỗi héc-ta là 5 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, toàn bộ nếp của HTX được tập hợp về một điểm để nhà máy đến thu mua với giá bán bảo đảm bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá nếp của HTX luôn duy trì ở mức từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư và tiền hỗ trợ từ đầu vụ, mỗi héc-ta nếp người trồng lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ.

Thực tế cho thấy vai trò của HTX trong dẫn dắt người nông dân phát triển nông sản theo hướng hàng hóa đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là tiền đề quan trọng để người nông dân làm giàu chính đáng trên đồng đất quê mình, góp phần xây dựng nông thôn mới.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu