- Dù trong năm 2023 còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do những yếu tố bất lợi từ tình hình thế giới và trong nước, song tỉnh Thanh Hoá đã từng bước phấn đấu tạo sự ổn định, vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đời sống - xã hội.
Trong năm 2023, Cũng như nhiều địa phương khác, Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, do những yếu tố bất lợi từ tình hình thế giới, trong khu vực và trong nước. Đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xây dựng và đời sống của nhân dân. Song, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực, năng động và linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, cộng đồng các doanh nghiệp cùng toàn thể các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết, phấn đấu, từng bước vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Cầu Hàm Rồng dẫn vào thành phố Thanh Hóa – một địa danh lịch sử nổi tiếng (Ảnh tư liệu)
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2023 tỉnh Thanh Hóa có 19/25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%, đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Gần 42 nghìn tỷ đồng là tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa năm 2023, đạt 118,6% dự toán và tiếp tục dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 4,16% so với năm 2022. Công nghiệp tăng 8,67%. Các hoạt động văn hóa – xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; ổn định đời sống của nhân dân; quốc phòng – an ninh được giữ vững, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tại Hội nghị toàn tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2024 được tổ chức vào những ngày cuối năm 2023, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo đà bứt phá để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là: “Trách nhiệm, nỗ lực, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả; tạo chuyển biến thực sự rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn; phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024”.
Một góc Thành phố Thanh Hóa (Ảnh tư liệu)
Mục tiêu tổng quát năm 2024 của Thanh Hóa là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển 04 trung tâm kinh tế động lực, 03 trụ cột tăng trưởng, 06 hành lang kinh tế, 08 chương trình trọng tâm, 03 khâu đột phá. Tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo an toàn xã hội.
Thanh Hóa cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3% trở lên; công nghiệp – xây dựng tăng 14% trở lên. Dịch vụ tăng 9,2% trở lên, giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD. GRDP bình quân đầu người đạt 3.540 USD trở lên. Thu ngân sách nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng trở l, ên. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên.
Để dạt mục tiêu trên, Thanh Hóa đã xây dựng các nhóm giải pháp, gồm: Tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống thể chế, chính sách, quy hoạch; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế; thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Thành Nhà Hồ, một thắng cảnh lịch sử – văn hóa – du lịch nổi tiếng Xứ Thanh. (Ảnh tư liệu)
Theo đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Thanh Hóa xác định năm 2024 là năm then chốt đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025. Với chủ đề “Kỷ cương – Trách nhiệm – Hành động – Sáng tạo – Phát triển” đã được xác định trong toàn hệ thống chính trị, UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các địa phương cần phải tập trung phân tích, dự báo sát đúng tình hình thế giới, khu vực, trong nước để xây dựng các phương án, kịch bản, kế hoạch hàng tháng, hàng quý và cả năm cho phù hợp, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh quyết nghị, tạo đà bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37 của Quốc hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM