Thành phố Huế: Xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính


Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; ngày 21/03/2025, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Huế yêu cầu: Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Cá thể hóa trách nhiệm trong giải quyết TTHC: Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị mình quản lý; giải trình cụ thể với cấp trên, trước UBND thành phố về tình trạng chậm trễ, phiền hà hoặc các vi phạm xảy ra tại cơ quan, đơn vị mình; Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, người dân xử lý hồ sơ giải quyết TTHC; Tổ chức rà soát, chuẩn hóa và cải tiến quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC, đảm bảo minh bạch, đúng thời hạn, giảm tối đa thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả. Đối với việc giảm thời gian giải quyết, cần chuẩn hoá các bước giải quyết trong trình tự thực hiện TTHC để người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, theo dõi tình trạng hồ sơ cũng như việc giám sát, đánh giá quá trình thực hiện, đảm bảo không chồng chéo và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và công khai văn bản đã xử lý trên Hệ thống phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Quyết định số 59/2023/QĐ-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2023 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế). Nếu để xảy ra vi phạm trong phạm vi quản lý, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới, kể cả trong trường hợp vi phạm do cấp dưới thực hiện.
Đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC: Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ giải quyết TTHC, không để tình trạng hồ sơ giải quyết TTHC chậm, muộn hoặc không được tiếp nhận, giải quyết đúng quy định; Khi giao dịch với công dân, tổ chức phải thông báo trả lời bằng văn bản về tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC và cập nhật các mẫu phiếu trả lời trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố, không trả lời bằng miệng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC; Các hồ sơ TTHC để chậm, muộn hoặc không được tiếp nhận, giải quyết đúng quy định đều phải có báo cáo giải trình lý do với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân, doanh nghiệp; Thực hiện đúng quy định pháp luật, các quy trình và thời hạn giải quyết TTHC đã được công bố; Chịu trách nhiệm cá nhân trong từng hồ sơ, thủ tục được giao xử lý; không được tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ hoặc kéo dài thời gian giải quyết không có lý do chính đáng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bao gồm giám sát nội bộ: Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất đối với công tác giải quyết TTHC của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức, viên chức có liên quan trong việc tham mưu giải quyết hồ sơ TTHC làm ảnh hưởng đến việc trả kết quả giải quyết cho người dân, doanh nghiệp và công tác cải cách hành chính của thành phố; Thành lập các tổ kiểm tra độc lập để rà soát, đánh giá chất lượng công việc tại từng cơ quan, đơn vị. Giám sát từ phía người dân và doanh nghiệp: Khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát thông qua các kênh trực tuyến, đường dây nóng hoặc Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố, Cổng Dịch vụ công quốc gia; Công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo trên Trang Thông tin điện tử của các đơn vị để tiếp nhận phản ánh; Công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Thiết lập cơ chế phản hồi minh bạch, nhanh chóng giải quyết các phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Công khai kết quả giám sát, bao gồm danh sách các cơ quan, cá nhân có thành tích tốt hoặc vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nâng cao trách nhiệm giải trình: tăng cường giám sát, đôn đốc việc giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố; định kỳ hằng tháng cung cấp danh sách cá nhân có thành tích tốt, tập thể xuất sắc, danh sách cá nhân, đơn vị có vi phạm hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết TTHC gửi Sở Khoa học và Công nghệ để công bố, công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố, Cổng thông tin điện tử thành phố.
Cơ chế đánh giá, khen thưởng, kỷ luật: Có cơ chế khen thưởng cho cán bộ có sáng kiến cải cách hành chính, giúp giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cá nhân có thành tích tốt được khen thưởng, ưu tiên trong xét thi đua, bổ nhiệm; Tập thể, cá nhân vi phạm bị xử lý nghiêm, không xét thi đua, không bổ nhiệm; Xác định rõ trách nhiệm cá nhân: Mỗi vụ việc vi phạm, phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân bao gồm: Người đứng đầu, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện; Không để xảy ra tình trạng đổ lỗi hoặc né tránh trách nhiệm; áp dụng hình thức xử lý kỷ luật: Tùy theo mức độ vi phạm, áp dụng các hình thức xử lý: Phê bình, cảnh cáo, đình chỉ công tác, buộc thôi việc đối với công chức, viên chức; Người đứng đầu để xảy ra tình trạng chậm trễ, phiền hà, sách nhiễu trong phạm vi quản lý mà không kịp thời xử lý hoặc có dấu hiệu bao che, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, kể cả miễn nhiệm hoặc cách chức.
Sở Khoa học và Công nghệ ứng dụng hiệu quả các nền tảng số trong hoạt động kiểm tra – giám sát, gắn công nghệ thông tin là phương tiện mật thiết, xây dựng công cụ phân tích dữ liệu là cách thức thực hiện; bám sát kết quả Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình kiểm tra, giám sát. Nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt, hiệu quả (từ khâu tiếp nhận đến quá trình giải quyết TTHC); về chức năng, tính năng kỹ thuật của Hệ thống phải đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của Thông tư 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chức năng, tính năng kỹ thuật của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và các quy định khác liên quan.
Sở Nội vụ cơ quan chủ trì kiểm tra, giám sát, đánh giá và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong giải quyết TTHC, cụ thể: Tổ chức kiểm tra công vụ, kết hợp với Văn phòng UBND thành phố rà soát, đánh giá chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tham mưu UBND thành phố ban hành chế tài xử lý nghiêm minh, kiên quyết miễn nhiệm, thay thế người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, chậm trễ kéo dài trong giải quyết TTHC. Gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC với công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ: Cá nhân vi phạm bị xem xét kỷ luật, không xét thi đua, không quy hoạch vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Tham mưu UBND thành phố về cơ chế khen thưởng, kỷ luật rõ ràng: Khen thưởng cho tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao; xử lý nghiêm công chức, viên chức có tỷ lệ hồ sơ chậm trễ cao, có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, đưa kết quả thực hiện các nội dung tại Chỉ thị của các cơ quan, đơn vị, địa phương vào tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính hằng năm; không xem xét, đề xuất khen thưởng thành tích cao đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương không đạt chỉ tiêu đề ra.
Văn phòng UBND thành phố giao Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố là đầu mối chính trong kiểm soát chất lượng giải quyết TTHC trên địa bàn thành phố Huế, chịu trách nhiệm; Giám sát chặt chẽ, đôn đốc, theo dõi tiến độ giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt kiểm tra đột xuất, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực như: Đất đai, đầu tư, xây dựng, cấp phép kinh doanh…
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.