Thắp lại sức sống ”hồi sinh” mạch chảy Thủ đô

Tạp chí Biển Việt Nam - Chiều ngày 22/8/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra Toạ đàm Làm “sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch - Kim Ngưu - Lừ - Sét. Toạ đàm do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức.
Tọa đàm có sự tham gia của ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; TS Lê Xuân Rao- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến- Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường Hà Nội; PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng; GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội; TS. Nguyễn Phương Quý, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền, cùng các phóng viên, nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí truyền thông.
TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và GS.TS Trần Đức Hạ, Ủy viên BTV Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm.
tm-img-alt
TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và GS.TS Trần Đức Hạ, Ủy viên BTV Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm
Việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm thành phố Hà Nội: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét là một trong những nhiệm vụ của Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 về xử lý vấn đề môi trường được UBND Thành phố phê duyệt từ tháng 12/2021.
Công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô của Thủ đô đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Một số dự án đã, đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm các con sông này, trong đó có Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, tầm nhìn đến 2030” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng năm 2022.
tm-img-alt
Toàn cảnh Toạ đàm. 
Toạ đàm lần này được tổ chức để làm rõ hơn tính khả thi của các giải pháp được đề cập trong dự thảo đề án nói trên. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hà Nội lắng nghe, tập hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị liên quan để gửi đơn vị lập Đề án (Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội) hoàn thiện trình UBND Thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt, triển khai đề án.
Tại toạ đàm, PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Chủ trì tư vấn lập Đề án đã trình bày dự thảo Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, tầm nhìn đến 2030”.
tm-img-alt
PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ trì tư vấn lập Đề án trình bày dự thảo Đề án
Theo Dự thảo đề án, bên cạnh những chức năng yếu tố địa lý cơ bản để hình thành thị cổ Hà Nội  những dải đất tự nhiên ven sông cũng chính là không gian xanh quan trọng trong hệ sinh thái của đô thị góp phần tạo dựng đô thị xanh, những giá trị bền vững.
Nhiều giải pháp cải tạo các dòng sông đã được thực hiện trong suốt quá trình hình thành và phát triển, bao gồm xây đê, kè bờ, xây đập và cống ngăn, thậm chí cả lấp bớt một phần sông (trường hợp sông Tô Lịch). Quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hoá, đặc biệt là sức ép dân số cơ học trên địa bàn Thành phố Hà Nội ngày càng tăng dẫn đến các vấn đề và thách thức trong việc quản lý hệ thống sông nội đô.
Thời gian qua, dù Thành phố có rất nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả thoát nước và cải thiện chất lượng nước 4 con sông nội đô, quá trình thực thi, tổ chức điều hành các chương trình, dự án còn thiếu tính chủ động,chưa đáp ứng kịp thời so với thực tiễn phát triển của thành phố; nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông nội đô chưa toàn diện và  bền vững. Để thực hiện các mục tiêu: Ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo chất lượng môi trường nước trên hệ thống sông nội đô đáp ứng các quy chuẩn về môi trường; Đóng góp vào việc đáp ứng các tiêu chí đặt ra để được “Thành phố xanh-thông minh-sáng tạo”, tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường; Khôi phục các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của dòng sông, gắn với hệ sinh thái nhân văn các khu định cư truyền thống và khu phát triển mới dọc sông. Đề án đã đưa ra những giải pháp thực hiện từ cơ chế, chính sách đến khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp tài chính và nhiều giải pháp hỗ trợ trong tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường.
tm-img-alt
Các đại biểu tham dự Toạ đàm
Tại toạ đàm, các nhà quản lý, nhà khoa học đã đưa ra nhiều góp ý cho dự thảo đề án. Toạ đàm cũng nhận được nhiều câu hỏi trao đổi của các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và Hà Nội về các vấn đề làm sao để cải thiện chất lượng nước và cảnh quan của các con sông nội đô một cách hiệu quả.
Minh Anh - Hoàng Loan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu