Thị trường thủ công mỹ nghệ hướng đến con số 2394 tỷ USD vào năm 2032
Thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu được định giá 1007 tỷ USD vào năm 2023, hướng đến con số 1107 tỷ USD vào năm 2024 và 2394 tỷ USD vào năm 2032. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhờ sự đa dạng ngành nghề và giàu tài nguyên. Trên thị trường xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam với rất nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao, biên độ lợi nhuận lớn hơn so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trường vào khoảng 8,70% trong giai đoạn 2024 – 2032.
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5400 làng nghề và làng nghề truyền thống, trong đó riêng Hà Nội hội tụ hơn 1350 làng nghề và làng có nghề với nhiều mô hình sản phẩm khác nhau. Mỗi làng nghề có một bản sắc riêng, từ đó tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với sự đa dạng chủng loại. Trong số đó có những sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, được người tiêu dùng ưa thích như: gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, khảm trai Chuôn Ngọ, lụa Vạn Phúc…
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh thế giới, ngành TCMN sẽ phải đối diện với những cạnh tranh ngày càng cao, cùng với sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng về chất lượng, thẩm mỹ, an toàn và thân thiện môi trường, đảm bảo quy chuẩn thị trường xuất khẩu yêu cầu, thường xuyên cập nhật xu thế mẫu mới… Bên cạnh đó là những thách thức của cách mạng công nghệ 4.0, trong đó yêu cầu các nghệ nhân, người thợ cần phải không ngừng chủ động sáng tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ mới, đặc biệt là xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI), khai thác công nghệ thực tế ảo, công nghệ thông tin, để tiếp cận với marketing hiện đại nhằm hỗ trợ ngành hàng TCMN phát triển bền vững./.