Tọa đàm trực tuyến ‘Hoàn thiện quy định về trạm sạc, thúc đẩy phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam’
MC Việt Hà: Xin kính chào Quý vị và các bạn, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hoàn thiện quy định về trạm sạc, thúc đẩy phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam”!
Chương trình được cập nhật trực tiếp trên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) và các nền tảng mạng xã hội.
Thưa Quý vị! Hiện nay, giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu, điện khí hóa và giảm phát thải khí nhà kính là những ưu tiên hàng đầu đối với mọi quốc gia trên thế giới vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, việc chuyển dịch từ ô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện đang trở thành xu thế tất yếu.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu công cuộc điện khí hóa lĩnh vực ô tô và vấn đề quan tâm hàng đầu là phát triển hệ thống trạm sạc xe điện. Muốn thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng hướng tới Net Zero là định hướng của Chính phủ nhưng ở góc độ người tiêu dùng, nếu không có trạm sạc thì các hãng sẽ khó thuyết phục khách hàng mua xe. Tuy nhiên, ở chiều người lại nếu người mua xe điện không nhiều thì việc đầu tư trạm sạc lại là một khoản đầu tư mạo hiểm với doanh nghiệp.
Có thể nói, hệ thống trạm sạc điện là vấn đề sống còn cho công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh. Việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành; đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam là yêu cầu bức thiết.
Nhằm thảo luận sâu hơn về vấn đề này, Tạp chí Chất lượng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện quy định về trạm sạc, thúc đẩy phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam” với sự tham gia của các vị khách mời:
– Ông Trần Quý Giầu – Trưởng Ban đo lường – Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia
– TS. Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam – Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia
– Ông Nguyễn Thành Dương – Tổng Giám đốc Công ty Vgreen – Công ty Trạm sạc điện của Vingroup
Vâng, xin cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia chương trình!
Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Trần Quý Giầu. Xin ông cho biết, việc chuẩn bị các chính sách để quản lý trụ sạc điện hiện nay như thế nào?
Ông Trần Quý Giầu:Thứ nhất, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về xe điện do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, theo văn bản số 5049/BKHCN-TĐC ngày 29/12/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc báo cáo hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về xe điện trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 58 TCVN liên quan đến xe điện và hệ thống liên quan, bao gồm:
– 41 TCVN về an toàn, đo vận tốc, tiêu thụ năng lượng, phát thải, hệ thống pin/ắc quy trên xe điện;
– 04 TCVN về dây cáp sạc xe điện;
– 08 TCVN về Hệ thống sạc xe điện (quy định yêu cầu chung, tương thích điện từ, truyền thông giữa trạm sạc và xe điện, yêu cầu an toàn đối với hệ thống lắp trạm sạc, cụm đóng cắt và điều khiển hạ áp khu vực sạc xe điện);
– 05 TCVN về Thiết bị đo điện;
Các tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn tương đương tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và quy định của Ủy ban Châu Âu (EC/ECE/EU).
Thứ hai, về đo lường, ngày 15/4/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thông tư số 03/2024/TT-BKHCN đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành ngày 15/4/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024 với nội dung “Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ”.
Cụ thể là bổ sung phương tiện đo mới vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2, đó là Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện bao gồm: Thiết bị đo điện năng xoay chiều sạc pin xe đạp điện, xe máy điện; Thiết bị đo điện năng xoay chiều sạc pin xe ô tô điện; Thiết bị đo điện năng một chiều sạc pin xe ô tô điện. Trong đó, bao gồm quy định việc phê duyệt mẫu và chu kỳ kiểm định đối với phương tiện đo này.
MC Việt Hà: Thưa bà Ngô Thị Ngọc Hà, ngoài hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình đo lường đối với trụ/thiết bị sạc xe điện hiện được quy định ra sao?
Bà Ngô Thị Ngọc Hà: Thiết bị (Trạm) sạc xe điện (EVSE-Electric Vehicle Supply Equipment): là thiết bị hoặc tổ hợp thiết bị cung cấp các chức năng chuyên dụng để cấp năng lượng điện và xác định chính xác lượng điện năng sạc cho xe điện, lưu trữ kết quả, thông báo kết quả cho khách hàng và có thể truyền thông tin cho một hệ thống thanh toán.
Thiết bị sạc xe điện được phân chia theo loại đối tượng sử dụng và phương pháp sạc:
+ Phân chia theo đối tượng: Hiện có 2 loại một là xe máy, xe đạp điện; hai là ô tô điện.
+ Theo phương pháp sạc: có 2 loại một là sạc bằng điện áp Xoay chiều (AC); hai là sạc bằng điện áp Một chiều (DC);
Ngoài hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như anh Giầu đã trao đổi ở trên, để đáp ứng về mặt quản lý đo lường (theo Luật Đo lường 2011), Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cũng xây dựng 06 văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) liên quan (gồm 03 ĐLVN kiểm định và 03 ĐLVN thử nghiệm) phục vụ phê duyệt mẫu cho các Thiết bị sạc xe điện.
– ĐLVN… 2023, Thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe máy điện, xe đạp điện – Quy trình kiểm định – 2. ĐLVN …..:2023, Thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe máy điện, xe đạp điện – Quy trình thử nghiệm. Phạm vi áp dụng: Thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe máy điện, xe đạp điện (hoặc phương tiện thô sơ khác chạy bằng động cơ điện) có phạm vi công suất xoay chiều 1 pha lớn nhất đến 4,4 kW và cấp chính xác đến 0,5.
– ĐLVN…: 2023, Thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe ô tô điện – Quy trình kiểm định 4. ĐLVN…: 2023, Thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe ô tô điện – Quy trình thử nghiệm. Phạm vi áp dụng: Thiết bị sạc điện xoay chiều cho ô tô điện có phạm vi công suất xoay chiều 3 pha lớn nhất đến 24 kW và cấp chính xác đến 0,5.
– ĐLVN….: 2023, Thiết bị sạc điện một chiều cho xe ô tô điện – Quy trình kiểm định 6. ĐLVN …: 2023, Thiết bị sạc điện một chiều cho xe ô tô điện – Quy trình thử nghiệm. Phạm vi áp dụng: Thiết bị sạc điện một chiều cho ô tô điện có phạm vi công suất một chiều lớn nhất đến 275 kW và cấp chính xác đến 0,5.
Việc xây dựng hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam là một trong những biện pháp nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác quản lý nhà nước về đo lường cũng như đáp ứng về sự hài hòa với quốc tế về các văn bản kỹ thuật.
MC Việt Hà: Tại Việt Nam, VinFast là cái tên lớn nhất hiện sở hữu hệ thống trạm sạc trải khắp cả nước. VinFast cũng là đơn vị phát triển hệ thống lớn nhất với khoảng 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh, thành phố. Thưa ông, số lượng này liệu đã đủ đáp ứng yêu cầu sạc xe điện đang bùng nổ tại Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Thành Dương: Đúng là xe điện đang phát triển bùng nổ, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cụ thể trong tháng 9/2024, VinFast đã bàn giao hơn 9.300 xe ô tô điện cho khách hàng, lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu một thương hiệu xe thuần điện nội địa bán chạy hơn tất cả các thương hiệu xe xăng nước ngoài.
Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi các mẫu xe điện VinFast đang ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là mẫu xe VF 3 mới được bán ra thời gian qua đã thu hút gần 30.000 đơn đặt hàng.
Hiện tại, mạng lưới 150.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh/thành phố của V-Green vẫn đang đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng xe điện tại Việt Nam, tuy nhiên chúng tôi đang tiếp tục mở rộng hơn nữa, nhanh hơn, mạnh hơn nữa mạng lưới trạm sạc của mình theo cả hình thức nhượng quyền lẫn tự đầu tư, để đón đầu xu hướng tăng trưởng của xe điện thời gian tới và ngày càng phục vụ khách hàng tốt hơn.
MC Việt Hà: Trước sự bùng nổ của thị trường xe điện, tại sao cần phải có quy định về đo lường đối với Ttiết bị đo điện năng sạc pin xe điện?
Ông Trần Quý Giầu: Tháng 10/2022, tại Cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường Pháp định quốc tế (CIML) – Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML) đã thông báo về việc ban hành hướng dẫn OIML G 22 “Các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình thử nghiệm và kiểm soát đo lường đối với Thiết bị sạc điện cho xe điện” (OIML G 22 – Electric Vehicle Supply Equipment – EVSE) và đề nghị các nước thành viên trong đó có Việt Nam chủ động xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp với thực tế và hài hoà với hướng dẫn OIML G 22 để kiểm soát đo lường đối với phương tiện đo này khi có nhu cầu.
Tháng 8 năm 2021, Viện Đo lường quốc gia Úc (NMI) cũng có văn bản/tài liệu chính sách đo lường đối với Trạm sạc điện cho xe điện (Electric Vehicle Charging Satations – Trade Measurement Policy Consultation Paper). NMI hiện đang tiến hành đánh giá lại toàn bộ khung pháp lý về quy định đo lường của Úc để bổ sung quy định kiểm soát đo lường đối với Thiết bị sạc điện cho xe điện, trong đó có yêu cầu về việc phê duyệt mẫu và kiểm định đối với phương tiện đo này.
Đức hiện là thị trường xe điện lớn nhất ở châu Âu và đã có luật riêng về kiểm soát đo lường EVSE kể từ năm 2015. Bên cạnh đó, một số nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Indonesia cũng đã có những dự thảo yêu cầu về việc quản lý đối với Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện.
Ở Việt Nam đã xuất hiện và đưa vào sử dụng các Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện để cung cấp dịch vụ thanh toán lượng điện tiêu thụ đòi hỏi phải quản lý nhằm bảo đảm công bằng giữa người mua và người bán. Khoản 2 Điều 16 Luật Đo lường quy định phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán, thanh toán thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định.
Điểm b khoản 1 Điều 55 Luật Đo lường quy định về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ ‘‘Đề xuất các loại phương tiện đo nhóm 2, hàng đóng gói sẵn nhóm 2 và yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phép đo nhóm 2 để Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành’’.
Ngày 20/11/2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 1914/SKHCN-Ttra về việc rà soát kiến nghị sửa đổi, bổ sung các Thông tư, trong đó có đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, bổ sung phương tiện đo: Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Ngày 26/12/2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8353/BCTKHCN đề xuất bổ sung Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Như vậy, việc bổ sung Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện và cần được quản lý nhà nước về đo lường là rất cần thiết, phù hợp với quan điểm hoàn thiện cơ sở pháp lý để khuyến khích hỗ trợ việc sử dụng nhiện liệu sạch; phù hợp thông lệ quốc tế; đảm bảo công bằng giữa người mua và người bán; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
MC Việt Hà: Bộ KH&CN đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 ban hành năm 2013 quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung “thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện”. Những điểm mới trong quy định này là gì, thưa bà Ngô Thị Ngọc Hà?
Bà Ngô Thị Ngọc Hà: Có thể nói, Thiết bị sạc xe điện chính là một phương tiện đo phải tuân thủ quy định tại khoản 2 điều 16 của Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11/11/2011. Cụ thể “Phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác (gọi tắt là phương tiện đo nhóm 2) thuộc Danh mục phương tiện đo phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng”.
Tháng 10/2022, tại Cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường Pháp định quốc tế (CIML) – Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML) đã thông báo về việc ban hành OIML G 22 và đề nghị các nước thành viên trong đó có Việt Nam chủ động xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp với thực tế và hài hoà với hướng dẫn OIML G 22 để kiểm soát đo lường đối với phương tiện đo này khi có nhu cầu.
Trên thế giới, các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu đã và đang kiểm soát về đo lường đối với thiết bị này. Đặc biệt Trung Quốc đã thực hiện quản lý về đo lường đối với Thiết bị sạc từ năm 2018. Các quy định này được xây dựng dựa trên hướng dẫn OIML G 22 của Tổ chức Đo lường Thế giới (OIML) năm 2022 về quản lý đo lường cho thiết bị sạc pin xe điện.
Đối với Việt Nam, từ năm 2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nay là Ủy ban TCĐLCL Quốc gia) đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất đưa thiết bị đo điện năng sạc vào diện quản lý phương tiện đo nhóm 2, đáp ứng yêu cầu quản lý theo Luật Đo lường năm 2011 và đảm bảo tính công bằng trong giao dịch. Đây chính là điểm mới của thông tư số 03/2024/TT-BKHCN ngày 15/4/2024.
MC Việt Hà: Thưa ông, sau khi Thông tư số 03 được ban hành, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã có kế hoạch triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Trần Quý Giầu: Thứ nhất, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã phổ biến, tuyên truyền Thông tư số 03 bằng nhiều hình thức khác nhau như đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ KH&CN, Cổng thông tin điện tử Ủy ban TCĐLCL Quốc gia và gần đây nhất là ngày 20/5/2024, Ủy ban cũng phổ biến việc thi hành Thông tư 03 tới các Sở KH&CN, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, một số tổ chức, doanh nghiệp tham dự Hội thảo “Đo lường hôm nay vì ngay mai bền vững” và Kỷ niệm ngày Đo lường thế giới 20-5 được tổ chức tại thành phố Hải Phòng.
Thứ hai, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã dự thảo văn bản hợp nhất của Thông tư số 03, Thông tư số 23 và Thông tư 07 và ngày 03/7/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành văn bản số 02/VBHN-BKHCN. Văn bản hợp nhất này nhằm góp phần bảo đảm hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Thứ ba, ngày 22/8/2024, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã ký Quyết định số 162/QĐ-TĐC ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư số 03/2024/TT-BKHCN, cụ thể hóa các nội dung cần thực hiện trong thời gian tới:
– Xây dựng và hoàn thiện các quy trình kiểm định, quy trình thử nghiệm đối với Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện;
– Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo thử nghiệm, kiểm định viên đo lường đối với Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện;
– Tổ chức đào tạo kiểm định viên đo lường đối với Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện;
– Chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện, chuẩn đo lường;
– Hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của các tổ chức, cá nhân liên quan (khi có yêu cầu).
MC Việt Hà: Nhờ sự đầu tư quyết liệt của V-Green, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có lượng cổng sạc hàng đầu khu vực. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trạm sạc, theo ông/bà đâu là yếu tố đang được nhiều nước tập trung đầu tư?
Ông Nguyễn Thành Dương: Điểm chung ở các nước có hạ tầng trạm sạc phát triển là sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, ví dụ như:
Chính phủ Mỹ đã phê duyệt gói hỗ trợ 5 tỷ USD để các bang phát triển hạ tầng trạm sạc, kéo dài trong 5 năm. Chương trình này có thể hỗ trợ tới 80% phần chi phí cho triển khai hạ tầng;
Chính phủ Đức hỗ trợ 45.000 euro về chi phí mặt bằng, chi phí lắp đặt trạm sạc. Người dân được chính phủ hỗ trợ 900 euro cho việc mua và lắp đặt trụ sạc;
Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ 50% chi phí mua và lắp đặt trụ sạc công cộng;
Chính phủ Hà Lan khấu trừ tới 36% chi phí liên quan đến mua và lắp đặt trạm sạc cho các công ty và tổ chức công;
Trong khi đó tại Việt Nam, hiện chưa có chính sách cụ thể nào hỗ trợ cho người dùng sạc xe điện hay các doanh nghiệp đầu tư lắp đặt hạ tầng trạm sạc công cộng.
MC Việt Hà: Thưa ông Giầu, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới trạm sạc xe điện, cơ quan quản lý đã có những biện pháp gì để đồng hành cùng doanh nghiệp đáp ứng việc kiểm soát đo lường chất lượng trạm sạc trước khi đưa vào vận hành, sử dụng?
Ông Trần Quý Giầu: Ngay từ khi được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép bổ sung Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã phối hợp với Vinfast thực hiện khảo sát, thống kê số lượng, chủng loại Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện hiện có để từ đó có bài toán tổng thể trong việc đánh giá, đề xuất phương án thực hiện sao cho phù hợp với hiện trạng của mạng lưới trạm sạc xe điện trên cả nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia cũng phối hợp với Công ty TNHH Kinh doanh phát triển Vinfast để tiến hành thử nghiệm thực tế và thống nhất đưa ra biện pháp, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với các Thiết bị sẵn có và đáp ứng theo quy định pháp luật về đo lường.
MC Việt Hà: Ở góc độ “người trong cuộc”, doanh nghiệp đang gặp những khó khăn gì, thưa ông Nguyễn Thành Dương?
Ông Nguyễn Thành Dương: Là đơn vị tiên phong trong đầu tư, phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện tại Việt Nam, V-Green có gặp phải một số khó khăn trong giai đoạn ban đầu, khi nhận thức chung của người dân và xã hội chưa đầy đủ về xe điện và sự an toàn của trạm sạc. Hiện nay, với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chúng tôi đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, tuy nhiên vẫn còn một số điểm tồn tại như sau:
Nhà nước chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hạ tầng trạm sạc;
Quy định về giấy phép xây dựng đối với trạm sạc đang được áp dụng chưa đồng bộ tại một số địa phương, dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai và mở rộng mạng lưới;
Chưa có giá điện hỗ trợ chuyển đổi xanh cho các chủ sở hữu xe điện, do đó giá điện sạc vẫn đang được tính theo giá điện tiêu dùng…
MC Việt Hà: Vậy, doanh nghiệp có phương án gì để phát triển mạnh hệ thống trạm sạc xe điện trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thành Dương: Ban đầu, chúng tôi chủ động đầu tư rất mạnh mẽ và quyết liệt để thiết lập càng sớm càng tốt hệ thống hạ tầng trạm sạc trên toàn quốc, đảm bảo tiện ích sẵn sàng cho người dùng xe điện.
Sau khi đã có hệ thống cơ bản và phủ rộng, tháng 9/2024, chúng tôi quyết định tăng mật độ trạm sạc thông qua mô hình hoàn toàn mới: “doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Cụ thể, chúng tôi huy động người dân tham gia vào hệ thống V-Green, tận dụng mặt bằng của họ và cung cấp dịch vụ trạm sạc theo tiêu chuẩn của chúng tôi với cơ chế chia sẻ doanh thu hấp dẫn.
Đây là mô hình win-win cho cả 3 bên: V-Green – người dân địa phương – chủ sở hữu xe điện; vừa giúp nhanh chóng gia tăng mật độ trạm sạc, vừa mở ra cơ hội kinh doanh làm giàu cho người dân và đặc biệt đảm bảo hạ tầng luôn dễ tìm, dễ kiếm, “cần là có” cho người sử dụng xe điện VinFast.
MC Việt Hà: Mạng lưới trạm sạc đang phát triển mạnh mẽ, vậy quy trình thử nghiệm và kiểm nghiệm trụ xe điện diễn ra như thế nào, thưa bà Ngô Thị Ngọc Hà?
Bà Ngô Thị Ngọc Hà: Kiểm định thiết bị sạc pin xe điện đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thiết bị sạc hoạt động chính xác và an toàn. Đây là yếu tố then chốt giúp đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tạo sự minh bạch trong giao dịch mua bán.
Việt Nam hiện có 06 ĐLVN liên quan gồm 03 ĐLVN kiểm định và 03 ĐLVN thử nghiệm phục vụ phê duyệt mẫu cho các Thiết bị sạc xe điện.
– Thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe máy điện, xe đạp điện – Quy trình kiểm định – Quy trình thử nghiệm;
– Thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe ô tô điện – Quy trình kiểm định – Quy trình thử nghiệm;
– Thiết bị sạc điện một chiều cho xe ô tô điện – Quy trình kiểm – Quy trình thử nghiệm;
Việc xây dựng hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam là một trong những biện pháp nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác quản lý nhà nước về đo lường cũng như đáp ứng sự hài hòa với quốc tế về các văn bản kỹ thuật.
Tại Trung Quốc, tính đến năm 2023, toàn quốc đã có khoảng 2,73 triệu thiết bị sạc, trong đó bao gồm 1,2 triệu thiết bị sạc DC và 1,5 triệu thiết bị sạc AC. Chu kỳ kiểm định được áp dụng linh hoạt từ 1 năm đến 3 năm, tùy theo loại và tình trạng của thiết bị. Ở Việt Nam, hiện chưa có con số thống kê chính thức về số lượng thiết bị sạc (dự kiến có khoảng 40 nghìn cổng sạc các loại trên toàn quốc). Chu kỳ kiểm định thiết bị sạc từ 3 năm đến 5 năm. Điều này giúp việc kiểm định thiết bị hoàn toàn có thể đáp ứng sau khi các đơn vị được chỉ định kiểm định theo quy định.
MC Việt Hà: Câu hỏi tiếp theo xin dành cho ông Nguyễn Thành Dương! Thưa ông, doanh nghiệp có đề xuất gì với cơ quan quản lý Nhà nước xung quanh những quy định hiện hành đối với trụ/trạm sạc xe điện?
Ông Nguyễn Thành Dương: Trước tiên, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các cấp lãnh đạo cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã và đang hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng xe điện và xây dựng trạm sạc trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung chính như sau:
Quy định bố trí trạm sạc điện đối với các cơ sở hạ tầng đầu tư mới và cũ như bến xe, trạm dừng nghỉ, khu đô thị, điểm đỗ… cần có trạm sạc phục vụ người dân;
Ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho người dùng;
Hỗ trợ chi phí, nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất/kinh doanh trạm sạc điện;
Nâng cấp hạ tầng điện và ưu tiên cấp điện cho hạ tầng trạm sạc điện;
Cho phép xây dựng trạm sạc trên các khu vực đất công như công viên, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, bến xe, ga tàu, trụ sở hành chính các Cơ quan/Ban/Nghành chức năng;
Xây dựng, ban hành các quy định bắt buộc áp dụng (QCVN) liên quan trạm sạc ô tô điện dựa trên các TCVN đã được ban hành.
MC Việt Hà: Về phía cơ quan quản lý đang có phương án ra sao để đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường?
Ông Trần Quý Giầu: Các kiến nghị liên quan đến vấn đề hạ tầng, xây dựng, nguồn cung cấp điện, chúng tôi ghi nhận để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp.
Liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan quản lý trực thuộc Uỷ ban TCĐLCL Quốc gia sẽ có trách nhiệm thực hiện các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Trong thông tư quy định hiện nay thiết bị đo điện năng sạc pin có 2 yếu tố cần quan tâm: an toàn về điện, đảm bảo độ chính xác về phương tiện đo. Đối với lĩnh vực an toàn điện, hiện nay, Bộ KH&CN đã ban hành 58 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến hệ thống mạng, các trạ, trụ sạc, pin, giắc cắm. Hệ thống đo đếm đó là căn cứ cơ bản để thực hiện quản lý chất lượng
Thứ hai, về góc độ quản lý đảm bảo chính xác phương tiện đo, Bộ KH&CN đã ban hành thông tư số 03 ngày 15/04/2024 đưa thiết bị đo xe điện vào danh mục thiết bị đo mục 2, kiểm soát mặt đo lường.
Liên quan đến kiến nghị của Vinfast, Bộ KH&CN đã ban hành 58 TCVN, trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã làm việc với Bộ KH&CN để đề xuất Chính phủ xây dựng quy chuẩn quốc gia nhằm kiểm soát chất lượng đối với thiết bị sạc điện cho xe điện. Hiện nay, đang trong giai đoạn Bộ Công thương có công văn đề xuất Chính phủ và Chính phủ giao Bộ KH&CN và từ đó Bộ sẽ tiếp tục triển khai xây dựng quy chuẩn quốc gia.
Đối với việc đảm bảo chính xác thiết bị đo, chúng tôi đang thực hiện kiểm soát theo thông tư số 03. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm sao bảo đảm được giữa các yếu tố về an toàn điện và độ chính xác đo lường thiết bị điện, đảm bảo sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với các trạm, trụ sạc.
Bà Ngô Thị Ngọc Hà: Xe điện là xu thế phát triển tất yếu của xã hội hiện nay và tương lai với nhiều lợi ích như: Xe điện thân thiện với môi trường, xe điện an toàn, giảm thiểu tai nạn, xe điện cải thiện trải nghiệm người dùng, sự phát triển ngành công nghiệp xe điện tạo ra nhiều việc làm mới, sử dụng xe điện giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Không những vậy, xe điện là xu thế phát triển tất yếu của xã hội hiện nay và tương lai. Do đó cần phải đặt các nhiệm vụ như: Phát triển hạ tầng các thiết bị sạc xe điện, phát triển hạ tầng Nguồn năng lượng tương ứng, hoạt động kinh doanh bán lẻ điện kiểu mới, quản lý thiết bị sạc xe điện, thiết bị đo phục vụ hoạt động kinh doanh bán lẻ điện.
Thiết bị sạc xe điện chính là một phương tiện đo phải tuân thủ các quy định tại khoản 2 điều 16 của Luật Đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11/11/2011 về “Phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác (gọi tắt là phương tiện đo nhóm 2) thuộc Danh mục phương tiện đo phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng”. Bổ sung Thiết bị sạc xe điện vào danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Việc xây dựng hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam là một trong những biện pháp nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác quản lý nhà nước về đo lường cũng như đáp ứng về sự hài hòa với quốc tế về các văn bản kỹ thuật.
MC Việt Hà: Thưa Quý vị, có thể thấy, vấn đề trạm sạc là bài toán lớn mà các hãng sản xuất, phân phối xe điện phải tính đến đầu tiên khi bán xe điện tại Việt Nam. Những quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành sẽ là hành lang hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mạng lưới trạm sạc xe điện nhanh chóng và đảm bảo chất lượng, mang đến lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển hệ thống mạng lưới xe điện ở nước ta cùng hướng tới Net Zero theo định hướng của Chính phủ.
Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình của chúng tôi. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!