Tổng Bí thư Lê Hồng Phong: Người chiến sỹ trung kiên của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạp chí Biển Việt Nam - Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An, người chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), một vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, quê hương của nhiều văn thân, sỹ phu yêu nước nổi tiếng. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ bởi ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân. Chứng kiến những cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào ta bị kẻ thù đàn áp đẫm máu, Lê Hồng Phong sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng cứu nước, cứu dân. Sau khi học hết bậc Sơ học yếu lược, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không thể tiếp tục đi học, Lê Hồng Phong rời quê ra thành phố Vinh, làm công nhân tại nhà máy Diêm Bến Thuỷ. Trong thân phận người làm thuê và được tận mắt chứng kiến cuộc sống lầm than của những người lao động, Lê Hồng Phong đã vận động công nhân đứng lên đấu tranh. Sau sự kiện này, Lê Hồng Phong bị đuổi việc. Từ đây, đồng chí bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân ở Thái Lan, Trung Quốc, Liên Xô. Đồng chí tham gia tổ chức Tâm Tâm xã (một tổ chức cách mạng do Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn thành lập) và hăng hái tham gia hoạt động, phát triển Tâm Tâm Xã thành một tổ chức hạt nhân cách mạng.

Đồng chí Lê Hồng Phong (6/9/1902 – 6/9/1942).

Ở nước ngoài, đồng chí Lê Hồng Phong đã được dự lớp chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc phụ trách, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Bên cạnh đó, đồng chí Lê Hồng Phong còn tìm cách gây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng; mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, gây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới phía Bắc.

Ở trong nước, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) thất bại, địch khủng bố dã man, đẩy phong trào cách mạng Việt Nam vào giai đoạn vô cùng khó khăn. Hàng ngàn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ yêu nước bị bắn giết hoặc bị tù đầy. Các cơ sở đảng từ Trung ương đến địa phương bị tan vỡ. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng đã bị bắt hoặc bị sát hại. Trong bối cảnh đó, cuối năm 1931, đồng chí Lê Hồng Phong nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản trở về nước chỉ đạo việc tổ chức khôi phục và phát triển các cơ sở đảng, tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên. Để giải quyết vấn đề thiếu cán bộ, việc đầu tiên Lê Hồng Phong làm là mở lớp đào tạo cán bộ như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã làm trước đây. Lê Hồng Phong quyết định chuyển về Long Châu (một thị trấn nhỏ sát biên giới Việt – Trung) và liên tục mở các lớp huấn luyện cho cán bộ từ trong nước sang học tập. Sau khi đào tạo, ngay lập tức, họ được đưa về nước hoạt động, nhờ thế mà các tổ chức đảng trong nước được khôi phục, nhất là các đảng bộ của các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn và các đảng bộ của các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội…

Đối với tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương của Việt Kiều tại Xiêm và Lào, tình hình có những vấn đề phức tạp. Nhân danh phái viên của Quốc tế Cộng sản uỷ nhiệm, đồng chí Lê Hồng Phong cải tổ lại cơ cấu tổ chức của Đảng ở những nơi này. Đồng chí cho rằng tổ chức đảng ở Xiêm (trong đó có cả các đảng viên người Hoa), tự đứng ra lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời (gồm 5 người) là một sáng kiến nhưng không đúng tổ chức của Đảng. Thay mặt Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong chỉ đạo cải tổ lại thành các đảng bộ của Việt kiều trực thuộc Trung ương sẽ được thành lập lại nay mai. Khoảng thời gian cuối năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong còn chỉ đạo thành lập một ban lãnh đạo lâm thời của Đảng. Ban lãnh đạo thống nhất chủ trương tuyên truyền, học tập và hành động theo nội dung của bản kế hoạch: “Chương trình hành động của Đảng” do đồng chí Lê Hồng Phong tham gia soạn thảo đã được Quốc tế Cộng sản thông qua. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi trong lúc cách mạng Việt Nam bị khủng bố trắng, giữa lúc Đảng đang gặp thoái trào, những tư tưởng dao động, cơ hội đang thừa cơ trỗi dậy. Chương trình hành động của Đảng như một luồng gió mới tiếp sức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng giữ được niềm tin vững chắc và tiền đồ cách mạng, đẩy lùi tư tưởng cầu an, hoang mang giao động, tạo điều kiện cho việc khôi phục nhanh chóng hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng.

Như vậy, cho đến cuối năm 1933, bằng năng lực, trí tuệ và quyết tâm phi thường, đồng chí Lê Hồng Phong đã bước đầu hoàn thành trọng trách mà Quốc tế Cộng sản giao cho, xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước, khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng với Đảng, với cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, các tổ chức đảng trong nước dần dần hoạt động trở lại và ngày càng lớn mạnh, phong trào cách mạng được hồi sinh.

Tháng 3-1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài) được chính thức thành lập tại Ma Cao (Trung Quốc). Ban chỉ huy ở ngoài có chức năng như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư. Ban lãnh đạo của Đảng đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ trong nước tới họp ở Ma Cao (Trung Quốc), để nhận định tình hình, đề ra chủ trương mới nhằm củng cố Đảng. Đầu năm 1935, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng đi Mát-xcơ-va dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. Cũng tại Đại hội này, Đảng ta được công nhận là chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong (với bí danh Hải An), được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Khi đó, Đại hội Toàn quốc lần thứ I của Đảng đã thành công, đồng chí Lê Hồng Phong (được bầu vắng mặt) làm Tổng Bí thư của Đảng.

Cùng với việc khôi phục hệ thống cơ sở, tổ chức đảng trong nước, vấn đề khôi phục bộ chỉ huy, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ở nước ngoài cũng được đồng chí Lê Hồng Phong hết sức chú trọng. Đồng chí Lê Hồng Phong quyết định thành lập Ban Lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban chỉ huy ở ngoài). Tháng 3-1934, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, hội nghị thành lập Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng được tiến hành. Đặc biệt hội nghị bàn bạc và thông qua các bản điều lệ của công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Nông hội đỏ… Sau một thời gian ngắn nhận nhiệm vụ trở về nước, mặc dù mạng lưới mật thám lùng sục gắt gao, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn kiên định mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, tìm bắt liên lạc được với cơ sở đảng trong nước, từ đó móc nối, khôi phục tổ chức, đào tạo cán bộ, bổ sung cho đội ngũ cán bộ đã bị bắt, bị giết trong thời kỳ khủng bố trắng, dần dần khôi phục lại hệ thống cơ sở đảng trong toàn quốc. Các tổ chức đảng ở nước ngoài như Đảng bộ Việt kiều ở Xiêm, Lào cũng được chỉnh đốn, củng cố, góp phần đưa phong trào cách mạng phát triển lên một bước mới.

Với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong cùng với Trung ương Đảng đã triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng (tháng 7-1936) tại Thượng Hải. Hội nghị đã quyết định chuyển hướng mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, xác định rõ mục tiêu trực tiếp là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đế quốc, đòi dân chủ, dân sinh và hoà bình. Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai. Theo đề nghị của đồng chí Lê Hồng Phong, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương, đặt tiền đề cơ sở cho cao trào đấu tranh dân chủ diễn ra trong cả nước thời gian sau đó. Việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài (vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời) đã có tác động hết sức to lớn đối với phong trào cách mạng trong nước, trước hết là duy trì niềm tin của quần chúng đối với Đảng, đồng thời khẳng định sức sống mãnh liệt và vị trí lãnh đạo của Đảng, không một thế lực nào có thể dập tắt được. Với sự hoạt động tích cực của Ban Chỉ huy ở ngoài, trong đó phải kẻ đến những cống hiến to lớn, hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần quan trọng đưa Đảng ta trở lại vai trò lãnh đạo cách mạng, hệ thống tổ chức của Đảng từ cơ sở tới Trung ương đã dần dần được khôi phục tạo tiền đề quan trọng cho các bước phát triển của cao trào cách mạng cả nước ở giai đoạn sau.

Là thế hệ cán bộ đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo, đồng chí Lê Hồng Phong đã được nghe những bài giảng đầu tiên về lịch sử, phong trào cách mạng quốc tế và cách mạng giải phóng dân tộc, về những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lênin… Những bài học đó đã dẫn dắt và nâng tầm nhận thức của đồng chí Lê Hồng Phong, từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, dám xả thân vì sự cứu nước, cứu dân, trở thành người công sản và là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ khi được dự khoá huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (1925), đồng chí Lê Hồng Phong đã bộc lộ tư chất, tài năng của người cán bộ cách mạng và được đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát hiện. Chính vì thế, Người đã gửi đồng chí vào những cơ sở đào tạo cán bộ cao cấp của chính phủ Trung Hoa và trường đào tạo lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô.

Trong suốt thời gian đồng chí Lê Hồng Phong đi đào tạo ở Liên Xô, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn thường xuyên liên lạc thông qua đường dây của Quốc tế Cộng sản. Điều đó thể hiện sự theo dõi, quan tâm đặc biệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với đồng chí Lê Hồng Phong. Không phụ lòng của người thầy dẫn dắt – lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Lê Hồng Phong đã từng bước trưởng thành cả về nhận thức, lý luận và năng lực lãnh đạo. Với những đóng góp to lớn đối với việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng Việt Nam trong những năm 1932-1935, đồng chí được mời tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu làm uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản; được Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương 1936-1939, với vai trò Uỷ viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Hồng Phong đã có rất nhiều đóng góp vào việc hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Đồng chí Lê Hồng Phong đã thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: Sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phục của nhân dân. Đồng chí xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phần trưng bày về đồng chí Lê Hồng Phong tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò năm 2018. (Nguồn: hoalo.vn).

Ngày 22-6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Biết đồng chí là một cán bộ cao cấp của Đảng, bọn mật thám dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man; dụ dỗ, lừa phỉnh, nhưng chúng không thể lay chuyển được tinh thần và ý chí của người chiến sỹ cộng sản kiên cường. Không đủ chứng cớ để buộc tội, toà án của đế quốc Pháp đành kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc ở Nghệ An. Mặc dầu bị quản thúc, theo dõi chặt chẽ, đồng chí vẫn dành thời gian viết báo, bí mật gửi cho các tờ báo của Đảng như tờ Dân chúng, Đông Phương tạp chí… thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người chiến sỹ cách mạng kiên trung.

Thực dân Pháp rất sợ người lãnh tụ cộng sản mà chúng gọi là “tên phiến loạn nguy hiểm” nên khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, dù đang trong thời gian quản thúc tại quê, nhưng mật thám Nam Kỳ vẫn ra Nghệ An bắt Lê Hồng Phong và áp giải vào giam giữ tại Sài Gòn. Gần một năm trời bị tra tấn, hành hạ, kẻ địch tìm mọi cách để khép đồng chí vào tội tử hình nhưng không đủ chứng cứ. Chúng dở đủ mọi thủ đoạn, kể cả dùng đòn tâm lý hòng lung lạc tinh thần của đồng chí. Biết đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là vợ chồng, có con nhỏ Hồng Minh mới được mấy tháng, chúng đưa Nguyễn Thị Minh Khai đến gặp Lê Hồng Phong, hy vọng hai người sẽ nhận nhau, qua đó chúng có cớ khép tội đồng chí dính líu tới “âm mưu lật đổ chính phủ Nam Kỳ”. Dù lâu ngày không được gặp nhau, nay gặp lại trong cảnh tù đày, sống chết chia ly, không biết thế nào, lòng đầy thương cảm, nhưng đồng chí vẫn kìm nén tình cảm riêng, kiên quyết phủ nhận mọi chứng cứ của kẻ thù đưa ra làm thất bại âm mưu của chúng. Mặc dù vậy, thực dân Pháp vẫn buộc tội đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần” cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc đày ra Côn Đảo.

Trong những ngày bị biệt giam trong hầm đá, hoặc trong Banh II, nơi giam giữ tù cộng sản, kẻ thù luôn tìm cách đánh, hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man đồng chí Lê Hồng Phong, làm nhụt tinh thần, ý chí của người lãnh đạo công sản. Có lần đồng chí vừa bưng bát cơm lên ăn, thì bọn cai ngục xông vào đánh túi bụi. Bát cơm của đồng chí bị nhuộm đỏ do máu chảy ra từ đầu, từ mặt rớt vào, nhưng đồng chí vẫn thản nhiên, tiếp tục ngồi ăn “bát cơm chan máu”, với quyết tâm phải sống để “còn sống còn chiến đấu”. Những trận đòn thù tàn ác, dã man, liên tục đã làm Lê Hồng Phong dần dần kiệt sức, đồng chí đã vĩnh biệt anh em, đồng chí vào trưa ngày 6-9-1942.

Đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh khi mới 40 tuổi đời, trong đó có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng. Trước lúc đi xa, đồng chí Lê Hồng Phong còn căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Đó là lời chào của người cộng sản bất tử Lê Hồng Phong với anh em, đồng chí trước khi về cõi vĩnh hằng. Cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất. Đồng chí là người chiến sỹ cộng sản tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Macau (Trung Quốc) – nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất của Đảng (27-31/3/1935). Tại Đại hội này, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Ngày nay, tên của đồng chí Lê Hồng Phong được đặt cho nhiều đường phố trên cả nước. Nhiều ngôi trường phổ thông trung học, phổ thông cơ sở trong cả nước có thành tích tốt trong học tập cũng mang tên Lê Hồng Phong… Đặc biệt Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội vinh dự mang tên Bác. Nơi chúng tôi những cán bộ, công chức, viên chức đang hằng ngày phát huy vai trò trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp cho thành phố; nhằm không ngừng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã đề ra. Vì vậy, cán bộ, giảng viên của trường vẫn đang không ngừng học tập công tác phát huy tinh thần của đồng chí Lê Hồng Phong trong học tập, công tác giảng dạy cán bộ nhằm tuyên truyền ý chí khí phách người chiến sỹ cộng sản trung kiên của Đảng Cộng sản Việt Nam;  hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ cán bộ Nhà trường và người Việt Nam hôm nay và mai sau.

ThS Nguyễn Danh Phú Giảng viên chính, Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu