[TRỰC TIẾP] Tọa đàm trực tuyến: “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị”

Tạp chí Biển Việt Nam - Chiều nay, ngày 26/5/2022, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị” tại Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng, tìm ra nguyên nhân, phân tích các bất cập trong công tác quản lý nhà nước và trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các giải pháp tổng thể trong phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các vụ cháy trong khu dân cư, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn về người và tài sản, đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường từ những sự cố cháy nổ.

Chủ trì: Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống

Khách mời tham dự buổi tọa đàm:

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Trung tá Lê Minh Hải – Trưởng phòng, Phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Bộ Công an

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng phòng, Phòng Phương tiện bảo vệ cá nhân – Trung tâm An toàn Lao động, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động

Buổi tọa đàm còn có mặt của các PV, BTV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống và các PV của các báo đài đến dự và đưa tin.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn và tại fanpage của Tạp chí điện tử trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn trên mạng xã hội Facebook (https://www.facebook.com/moitruongvacuocsong)

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống chia sẻ, thời gian vừa qua, tại một số đô thị lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… vấn đề cháy nổ diễn ra hết sức phức tạp, liên tiếp các vụ cháy nổ xảy ra tại chung cư cao tầng đến nhà tập thể, cơ sở sản xuất đã gây thiệt hại về người và tài sản, trong đó các vụ cháy đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân xung quanh. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã xảy ra hàng chục vụ cháy nghiêm trọng.

Theo báo cáo, hiện nay tại TP. Hà Nội có hơn 1.500 chung cư, tập thể cũ không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Năm 2020, thành phố cũng đã công bố danh tính 79 chung cư mới được xây dựng vi phạm quy định về PCCC. Tại Tp. HCM, Công an thành phố cũng vừa điểm tên 315 doanh nghiệp, sơ sở, công trình chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng. Trong đó không chỉ công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất vi phạm quy định về PCCC mà Trường mầm non cũng vi phạm.

Ngoài ra tại các đô thị lớn vẫn còn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, do vậy mỗi khi có cháy nổ xảy ra là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và môi trường sống của người dân. Những sự cố cháy, nổ đều gây ảnh hưởng đến môi trường do các chất độc hại khuếch tán vào không khí hoặc nguồn nước, sau đó thẩm thấu vào đất, gây nguy hại tới sinh vật và con người trực tiếp hoặc lâu dài.

Theo các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ là do công tác phòng cháy, chữa cháy tại các công trình cao tầng, đặc biệt là các tòa chung cư hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập. Trong đó nổi bật là tình trạng công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu…

Các cơ sở sản xuất trong khu vực đô thị thì chật hẹp, nằm trong ngõ sâu, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu, hệ thống thiết bị điện, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ nên không đảm bảo về điều kiện giao thông khoảng cách, an toàn cháy nổ và nguồn nước phòng cháy, chữa cháy.

Nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng, tìm ra nguyên nhân, phân tích các bất cập trong công tác quản lý nhà nước và trong thực tiễn về công tác PCCC. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các giải pháp tổng thể trong phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các vụ cháy trong khu dân cư, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn về người và tài sản, đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường từ những sự cố cháy nổ, hôm nay Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị”.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng

Thảm họa cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ ở thời điểm nào, bất cứ nơi nào và thiệt hại do nó gây ra là khôn lường. Một lý do dễ hiểu là hiện nay tại các địa phương tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng với quy mô lớn ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ cao, “bài toán” an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư, nhất là khu dân cư có chen lẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh, đang trở nên khó giải hơn bao giờ hết.

Trung tá Lê Minh Hải – Trưởng phòng, Phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Bộ Công an

Đánh giá thực trạng công tác PCCC – CNCH nói chung, cháy nổ tại khu vực đô thị nói riêng trong thời gian qua Trung tá Hải cho biết: Tại các khu đô thị tốc độ phát triển kinh tế – xã hội tăng nhanh, kéo theo đó các dự án công trình, các cơ sở mọc lên nhiều, nổi bật là các tòa nhà dịch vụ thương mại cao tần và trong các khu dân cư có các đối tượng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh diễn ra phổ biến. Trong công tác kiểm tra nắm bắt tình hình thì các hộ gia đình, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh cơ bản đáp ứng yêu cầu về PCCC, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, còn một số tồn tại bằng những lý do khách quan và chủ quan.

Thứ nhất là, còn tồn tại nhiều khu dân cư hiện hữu, mật độ dân cư rất lớn thường chưa đáp ứng về yêu cầu đường giao thông, nguồn nước chữa cháy và khoảnh cách an toàn giữa các nhà. Đặc biệt trong khu phố cổ thường ngõ nhỏ, phố nhỏ.

Thứ hai, nhiều cơ sở hoạt động trong thời gian rất dài, hoạt động trước luật PCCC, các cơ sở chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng không đảm bảo quy định về an toàn PCCC.

Thứ ba, nhà ở hộ gia đình, nhà ở sản xuất kinh doanh, cơ sở hoạt động trong các khu dân cư chư đảm bảo các quy định về an toàn PCCC.

Còn một nội dung nữa đó là về lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC tuyến cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động  chưa đáp ứng được yêu cầu về “4 tại chỗ”, đặc biệt là người dân chưa tích cực tham gia các hoạt động về PCCC chưa nắm được các kiến thức kỹ năng về PCCC. Dẫn đến khi mà xảy ra sự cố cháy nổ rất lúng túng. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong khi có cháy nổ xảy ra

Trong 1 năm qua Bộ Công an chỉ đạo triển khai chuyên đề tuyên truyền, kiểm tra,  hướng dẫn về an toàn PCCCđối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, qua một năm tổng kết cơ bản đã đát được một số kết quả nhất định, trong đó số vụ cháy đã giảm, trong 12 tháng  15/4/ 2021-15/4/2022 số vụ cháy trong khu dân cư giảm 227 vụ, giảm 24,6%, khu vực sản xuất kinh doanh dịch vụ văn phòng giảm 119 vụ giảm 21 %, trước tình hình xã hội phát triển thì nguy cơ cháy nổ phức tạp vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân và cơ quan quản lý trong công tác quản lý giảm các vụ cháy nổ.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Đánh giá về công tác phòng chống cháy nổ hiện nay, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho biết: Trong việc kiểm soát và giám sát hoạt động bảo vệ môi trường ở các đơn vị, bao giờ đơn vị quản lý về môi trường cũng đều quan tâm đến các phương tiện phòng cháy chữa cháy ở trong đơn vị. Khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đều phải có chương trình phòng chống ứng phó sự cố trước khi cháy nổ đều phải được thông qua và có dự thảo chương trình này và phải được cơ quan PCCC thông qua. Như vậy, rất nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy đều co dự thảo về chương trình phòng chống và ứng cứu sự cố cháy nổ được cơ quan có trách nhiệm về PCCC phê duyệt. Sau này khi kiểm tra để cấp giấy phép môi trường hoặc cấp các xác nhận bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng thường thấy các phương tiện phòng chống chữa cháy, các biện pháp đã được đưa ra tương đối đầy đủ – đó là ưu điểm. Bên cạnh đó vẫn không phải tất cả các đơn vị làm được. Có rất nhiều nhà máy, công xưởng, khu chung cư, khu đô thị cũng làm chương trình dự thảo, chương trình PCCC trình lên để phê duyệt nhưng khi đưa vào thực tế không được như bậy. khi xảy ra sự cố cháy nổ, chúng ta không đủ phương tiện như kế hoạch đã được xây dựng và được cơ quan PCCC phê duyệt.

Trong công tác PCCC, tôi rât quan tâm đến việc phòng ngừa, ứng cứu các ự cố gây nên ô nhiễm môi trường do hoạt động do cháy nổ. Nhiều cơ sở sản xuất, nhà chung cư, nhà cao tầng không quan tâm đến hậu quả của hỏa hoạn dẫn đến suy giảm chất lượng môi trường về mặt không khí, nước, đất đai, cây trồng, vật nuôi cũng như sức khỏe của cộng đồng. Như vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông , lúc đầu chúng ta rất lúng túng trước việc xử lý hậu quả của cháy phòng hóa chất. Không chỉ có vậy, hậu quả của cháy nổ đều gây ô nhiễm môi trường, chúng ta cần có biện pháp quan tâm hơn đến việc này.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Theo quy định tại Thông tư 23/2012 của Bộ Công an, khu dân cư là khu vực tập trung người dân, các hộ gia đình sinh sống. Trong đô thị, khu dân cư được hiểu là các tổ dân phố, tức là một cụm dân cư, quy mô nhỏ hơn cấp phường. Tuy nhiên, nếu tham khảo quy định về khu dân cư tại các văn bản pháp luật khác, chúng ta thấy vẫn còn nhiều sự không thống nhất. Ví dụ trong Luật Xây dựng chủ yếu đề cập đến đơn vị ở hay cụm gia đình, những khái niệm mang tính quy phạm như vậy. Mà đơn vị ở có thể lên đến 20.000 người, có nghĩa là tương đương hoặc lớn hpn chúng ta hiểu rất nhiều. Trong Luật Bảo vệ môi trường, cụm dân cư, cụm dân cư tập trung là những khái niệm không trùng lặp với khái niệm cụm dân cư trong thông tư 23. Cụm dân cư tập trung có thể hiểu là cả một đô thị hay nội khu của một đô thị nơi tập trung số lượng dân cư sinh sống đông, với mật độ cao

Hiện nay, trong các khu dân cư của chúng ta, khu dân cư có rất nhiều loại hình, khu dân cư được hình thành từ mấy chục năm nay tức là các khu dân cư rất cũ và có những khu dân cư mới được xây dựng gần đây.

Các quy định về xây dựng và PCCC, trong các khu dân cư hiện nay, người dân tuân thủ theo mức độ tự giác khác nhau, đặc biệt ở các khu dân cư cũ hay khu liền kề, tức là người dân tự xây dựng sau khi được chia lô bán nền thì nhà cửa xây dựng không đảm bảo các yêu cầu về PCCC theo Luật PCCC trong nội tại hộ gia đình nhà mình, thậm trí còn không đảm bảo quy định liên quan đến khoảng cách an toàn về PCCC giữa nhà mình và hàng xóm xung quanh.

Trong những năm vừa qua xảy ra nhiều vụ cháy nổ ở các khu dân cư để lại hậu quả lớn. Nguyên nhân tại đâu, trong từng trường hợp cụ thể thì có những nguyên nhân khác nhau, nhưng tựu chung có 2 nguyên nhân chính đó là ý thức và sự chủ quan của người dân; Công tác quản lý ở một số cụm dân cư, qua kiểm tra rà soát, chúng ta cũng thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng các quy định pháp luật về PCCC, bảo vệ môi trường chưa được tuân thủ nghiêm chỉnh.

Hiện nay, theo Luật Bảo vệ môi trường mới, các quy định về khoảng cách an toàn về môi trường, an toàn về phòng chống cháy nổ đã được quy định cụ thể hơn. Luật quy định chính quyền, UBND các địa phương phải rà soát và xây dựng lộ trình để tiến hành triển khai thực hiện các quy định của luật là phải đảm bảo được khoảng cách an toàn giữa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đối với các khu dân cư.

Tiếp tục trao đổi tại buổi Tọa đàm, Trung tá Lê Minh Hải cho hay: Hiện nay, tại Nghị định 136 năm 2020 của Chính phủ ban hành, liên quan đến công tác quản lý PCCC tại khu dân cư, xác định khu dân cư tương đương theo địa bàn thuộc tổ dân phố, thôn, ấp, bản, tại đấy tổ trưởng tổ dân phố, người đứng đầu thực hiện các công tác về PCCC.

Để triển khai thực hiện các điều kiện về an toàn PCCC đối với khu dân cư, đây là trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã là phải thực hiện đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC đã quy định rõ trong Nghị định 136.

Tại khu dân cư về trang bị thiết bị PCCC đảm bảo các yêu cầu thì phải thành lập các lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC tại chỗ để thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền và trực PCCC. Qua thống kê các lực lượng này tại một số địa phương hoạt động rất hiệu quả, phát hiện kịp thời và tổ chức chữa cháy khi lực lượng cảnh sát PCCC chưa đến, cứu được rất nhiều người, đạt hiệu quả trong khu dân cư. Tuy nhiên thực tế một số nơi thực hiện chưa tốt. Ngoài ra, liên quan đến các cơ sở, đối với cơ sở từ khi đầu tư xây dựng thì phải có thẩm định và nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước và Chủ đầu tư tự thực hiện đáp ứng đầy đủ quy chuẩn tiêu chuẩn, trong quá trình hoạt động cơ sở đó phải thực hiện đủ các điều kiện an toàn PCCC theo điều 5 nghị định 136, trong đó đảm bảo trạng bị các phương tiện thiết bị duy trì quy định an toàn PCCC, trong quá trình đó xây dựng các phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ của cơ sở và người đứng đầu cơ sở phải chịu trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy đó cho cán bộ công nhân viên. 1 năm thực tập tối thiểu 1 lần, đối với phương án cứu nạn cứu hộ là 2 năm, để cán bộ công nhân viên nắm được kiến thức về PCCC. Đánh giá về vấn đề này, thấy rằng nhiều cơ sở thực hiện nghiêm túc, một số nới thực hiện chưa nghiêm túc, đã kiểm tra và xử lý tương đối nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng phòng, Phòng Phương tiện bảo vệ cá nhân – Trung tâm An toàn Lao động, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động

Nói về công tác phòng ngừa tai nạn và cháy nổ cho người lao động tại các cơ sở doanh nghiệp hiện nay, bà Thủy cho biết: Công tác PCCC ở tòa nhà chung cư, cao tầng, còn một số vấn đề khác trong cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là tòa nhà kết hợp giữa kinh doanh và nhà ở hay các cơ sở sản xuất kinh doanh nổi cộm lên vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng như phòng chống cháy nổ. Công tác phòng chống cháy nổ ở một số cơ sở kinh doanh nhìn chung khá là tốt, đặc biệt là các cơ sở lớn, có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt là trên địa bàn Hà Nội cũng có một số cơ sở mà chúng tôi đi kiểm tra đánh giá rủi ro ở các cơ sở này thấy vấn đề tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, công tác cháy nổ vẫn còn là vấn đề lớn. Đánh giá về vấn đề này chúng tôi nhận định việc đầu tiên kể đến phải là vấn đề tuân thủ pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động cũng như an toàn về phòng chống cháy nổ dẫn đến việc cháy nổ ở các cơ sở kinh doanh. Những quy định ở văn bản pháp luật tương đối rõ ràng, đầy đủ tuy nhiên đến người lao động thực hiện vấn đề đó còn là câu hỏi đáng được quan tâm. Bên cạnh đó là ý thức người lao động, ý thức người dân sống ở các tòa nhà đó, qua buổi tọa đàm này tôi mong rằng chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà quản lý hãy quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động cũng như an toàn cháy nổ. Năm 2015 Quốc Hội đưa ra luật an toàn vệ sinh lao động. Đối với các doanh nghiệp phải xây dựng cán bộ an toàn vệ sinh lao động như là cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách. Cơ sở kinh doanh quy mô dưới 50 người phải có 1 cán bộ bán chuyên trách, cơ sở sản xuất quy mô 50 đến 300 người phải có cán bộ chuyên trách. Cơ sở quy mô từ 300 đến 1000 người phải có 2 cán bộ chuyên trách về an toàn vệ sinh lao động. Thành lập hội đồng an toàn vệ sinh lao động tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp, làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động thì công tác an toàn cháy nổ nhẹ hơn rất nhiều. An toàn vệ sinh lao động ở cơ sở phải thực hiện đồng bộ và toàn diện, phải nhận diện nguy cơ, đánh giá rủi ro.

Công tác an toàn vệ sinh lao động gắn liền công tác cháy nổ ở cơ sở, bên cạnh đó nâng cao ý thức của người lao động và người dân sống ở các tòa nhà, để tránh các sự vụ đáng tiếc xảy ra.

Thực tế hiện nay, có nhiều tòa nhà cao tầng trên 40 tầng, trong khi đó lực lượng cảnh sát PCCC được trang bị loại xe thang với chiều cao có hạn, cao nhất mới chỉ 72m, còn chủ yếu là 32m và 52m. Đây cũng là trở ngại lớn nhất trong công tác PCCC tại Việt Nam. Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Lê Minh Hải chia sẻ: Theo quy định của phát luật tất cả các tòa nhà, công trình từ khi thiết kế, xây dựng hoạt động đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC.

Đặc biệt đối với nhà siêu cao tầng đối với trường hợp này phải đảm bảo phòng cháy rất khắt khe, có thể lấy ví dụ thực hiện ngăn cháy lan trên các tầng, yêu cầu về hành lang thoát nạn của từng tầng đảm bảo yêu cầu chống cháy lan chống tụ khói.

Tòa nhà cao trên 100m yêu cầu thực hiện đầy đủ về cứ cách khoảng 15 – 20 tầng có gian lánh nạn, đảm bảo sức khỏe thời gian lánh nạn và đảm bảo trong quá trình di chuyển, ngoài các yêu cầu đó các trang thiết bị các hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động.

Về xe thang chữa cháy là phương tiện hỗ trợ hoạt động bên ngoài, Chỉ hoạt động hiệu quả từ tầng 10 – tầng 15 hạ tầng, xe hoạt động đô thị hiệu quả. Tuy nhiên đối với hệ thống hạ tầng đô thị của nước ta hiện nay nhiều khu vực di chuyển sẽ khó.

Đối với nhà siêu cao tầng phải thực hiện hiệu quả công tác PCCC nội tại trong cơ sở. Ngoài ra, người dân sinh sống nắm được kiến thức, nội quy quy định về PCCC của tòa nhà.

Đặc biệt hiện nay, đã đưa tất cả các nội dung khuyến cáo, hướng dẫn về an toàn PCCC kỹ năng chữa cháy trên website và trên zalo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, vừa rồi triển khai ứng dụng báo cháy 114 để tìm hiểu kiến thức về PCCC, dùng ngay ứng dụng để báo cháy, thực hiện triển khai đồng bộ các công tác PCCC.

Bất cập trong công tác PCCC và những ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường

Thực tế, tình trạng mất an toàn cháy nổ, nhất là tại các nhà dân, chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất đã được cảnh báo không ít lần nhưng sau đó, những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản, gây tác động đến môi trường. Vậy, cháy nổ có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và đâu là bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu vực đô thị hiện nay?

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, khi xảy ra hỏa hoạn, chúng ta nói nhiều đến ảnh hưởng về tài sản, của cải, người dân nhưng chúng ta không nghĩ đến tác động môi trường xung quanh như thế nào. Nhà chung cư cao tầng, đường thoát hiểm chứa đầy đồ dùng, vật dụng, khoảng cách giữa 2 nhà chung cư ở Việt Nam rất gần, nên khi có cháy nổ xảy ra thiếu điều kiện cung cấp oxy, thành phần khí tạo thành là khí rất độc như khí CO, kèm theo đó là bụi mịn ở dạng khói đen, sẽ lan truyền không chỉ trong từng căn hộ mà còn len lỏi sang khu vực lân cận vì khoảng cách giữa các chung cư rất gần. Môi trường không chỉ khu vực xảy ra vụ cháy mà môi trường khu vực lân cận 200m-300m hay đường kính 500m theo luồng gió tản ra sẽ bị ô nhiễm, nên môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bột bụi mịn đen trong làn khói cực độc vì kích thước nhỏ có thể đi vào sâu trong cơ thể qua đường hô hấp. Các loại khí độc làm con người thiếu oxy và thậm chí là nhiều người tử vong do ngạt chứ không chỉ do bị cháy. Nghĩa là khi xảy ra sự cố cháy nổ, ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, chất lượng môi trường thay đổi.

Vấn đề nữa là chúng ta phải sử dụng nước để dập cháy, nước thải sinh ra trong quá trình dập cháy sẽ hòa tan một số bụi, thành phần khí, kim loại và nước này trở thành nước ô nhiễm, sẽ vào các nguồn tiếp nhận như ao hồ vùng lân cận hoặc đi qua khu vực có đất sẽ đọng lại, nước gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh vật sống tại hồ. Thêm nữa là các loại bùn thải, chất rắn sinh ra trong quá trình cháy trở thành chất thải rắn, thậm chí chất thải rắn nguy hại, nếu thu gom không cẩn thận sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi.

Tùy theo mức độ, quy mô vụ cháy làm cho mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh. Và tùy theo đối tượng bị cháy như kho nhiên liệu, hóa chất, vật liệu cháy có chất nhựa thì thành phần chất ô nhiễm nguy hại và tác động xấu đến môi trường sau khi cháy rất lâu chứ không chỉ lúc xảy ra vụ cháy

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Các vụ cháy, nổ hoặc sự cố rò rỉ hóa chất đều gây ô nhiễm môi trường cấp, cục bộ hoặc lâu dài; ở mức độ nghiêm trọng có thể trở thành sự cố môi trường hoặc thảm họa môi trường. Trao đổi về vấn đề này, ông Đồng cho biết: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn khả năng cháy nổ cao cùng một số yếu tố khác theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được xếp vào nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trong các siêu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng khối lượng lớn nhiên liệu như xăng dầu dễ cháy, nhiều hóa chất độc hại dễ cháy nổ. Khi quản lý không tốt thì tại các cơ sở sản xuất kinh doanh mà để xảy ra sự cố sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn, trong nhiều trường hợp có thể đạt đến mức thảm họa.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bổ sung nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh đặc biệt trong các khu đô thị. Các cơ sở sản xuất kinh doanh được chia làm 4 nhóm khác nhau.

Nhóm số 1 là nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao là các cơ sở sản xuất kinh doanh tiềm ẩn khả năng cháy nổ cao cộng với sử dụng nguyên nhiên liệu độc hại khác.

Để ngăn chặn hậu quả về môi trường, nếu để xảy ra cháy nổ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 làm rõ nhiều nội dung như về khoảng cách an toàn về môi trường, từ khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ đến khu dân cư, căn cứ vào quy mô, công suất, tính chất của dự án khác nhau phải được xem xét, tính toán và phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho phép, phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng và Luật PCCC trong khi lập đề án đầu tư bất cứ dự án nào.

Đối với góc độ bảo vệ môi trường, một dự án bao giờ cũng phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thẩm định phê duyệt. Trong đó, một nội dung bắt buộc phải có là xem xét các khả năng xảy ra sự cố môi trường mà cháy nổ là khả năng sự cố môi trường số một cần được báo cáo, trong đó phải mootar rõ công đoạn nào, hoạt động nào của nhà máy tiềm ẩn khả năng gây cháy nổ, nếu cháy nổ, phạm vi tác động ra sao, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phòng chống, ngăn chặn tác hại của sự cố môi trường cháy nổ.

Nói về việc quản lý nhà nước về PCCC nói chung và đối với các tòa chung cư và cơ sở kinh doanh hiện nay được thực hiện như thế nào, Trung tá Lê Minh Hải cho hay: Theo quy định tại Nghị định 136 đã phân công trách nhiệm rất rõ, của cơ quan công an trong quản lý Nhà nước về PCCC, trách nhiệm của UBND các cấp.

Phân cấp thì các cấp cơ sở phụ lục 3 do cơ quan công an quản lý, những cơ sở thuộc phụ lục 4 của nghị định số 136 thuộc UBND cấp xã quản lý. Trong đó, điều 52 của Nghị định quy định UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, kiểm tra đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và những nhiệm vụ cụ thể theo quy định của pháp luật.

Công tác tập huấn, hướng dẫn người dân hiểu về các biện pháp PCCC ở chung cư cao tầng hiện nay có những bất cập gì?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Tập huấn hướng dẫn người dân ở chung cư cao tầng theo nghị định 136 năm 2020 của Chính phủ, với đối tượng PCCC tại chỗ, dân phòng, tập huấn các đối tượng này, mặc dù có quy định nhưng tiến hành các khóa tập huấn thực hiện đến đâu vẫn là câu hỏi lớn cho chung cư cao tầng và doanh nghiệp. Công tác triển khai cần quan tâm. Nâng cao nhận thức của con người đã nhắc đến nhiều, phải chăng cần thay đổi phương pháp tập huấn để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện, để đi vào từng hộ gia đình, từng người dân, từng doanh nghiệp. VD: Việc hỏi người dân ở các khu chung cư cao tầng tiêu lệnh chữa cháy, phương tiện chữa cháy đều không biết, người dân, người lao động thụ động khi tiếp nhận thông tin. Luật về cháy nổ đã có nhưng thực hiện đến đâu, thực hiện như nào để người dân nâng cao ý thức mới là vấn đề đáng quan tâm.

Về phía mình, Trung tá Lê Minh Hải cho biết: Tổ chức tập huấn bồi dưỡng trong chung cư, cơ sở. Trách nhiệm về chủ cơ sở tổ chức tập huấn định kỳ bồi dưỡng, đặc biệt những người làm việc trong môi trường nguy hiểm về cháy nổ và khi thực hiện xong lớp tập huấn sẽ được cấp giấy thực hiện nhiệm vụ được cơ qua công an cấp, Tuy nhiên phải chú trọng thường xuyên được tập huấn, để thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức PCCC.

Về công tác tuyên truyền, cơ quan Cảnh sát PCCC thường xuyên nghiên cứu đổi mới hình thức phù hợp với từng đối tượng. Như tuyên truyền trên truyền hình, phát tờ rơi, treo banner ở thang máy các tòa nhà,… đặc biệt đang triển khai lồng ghép chương trinh đưa vào cấp học, trong thời gian gần đấy đã tổ chức trải nghiệm “1 ngày làm lính cứu hỏa” cho học sinh, người dân để nâng cao ý thức về PCCC.

Về vấn đề này, quan trọng là ý thức của người tham gia các chương trình đó để hiệu quả trong công tác PCCC, hiện nay chú trọng tăng cường công tác PCCC đến người dân để đạt hiệu quả cao.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường là đánh giá các hậu quả môi trường (tích cực lẫn tiêu cực) của một kế hoạch, chính sách, chương trình, hoặc các dự án thực tế trước khi quyết định tiến hành thực hiện hay không. Và việc đánh giá sự cố cháy nổ là 1 phần không thể thiếu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên công tác thực hiện trong thực tế hiện nay vẫn còn nhiều bấp cập như các đơn vị không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ dẫn tới những sự cố cháy nổ không muốn gây ảnh hưởng lớn tới môi trường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Đồng cho biết: Nếu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường trước khi có quết định đầu tư mỗi nhà đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó phải mô tả rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, mô tả rõ điạ điểm mình đặt dự án, mô tả rõ đối tượng lân cận khả năng nếu xảy ra sự cố môi trường thì bị tác động ra sao, nhận định được vấn đề môi trường chính, tác nhân gây ô nhiễm môi chính mà trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình có thể sinh ra và phải đánh giá được tác động của nó và đề ra giải pháp để ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Luật quy định rất cụ thể, nhà nước, cơ quan quản lý có thẩm quyền cho dự án hoạt động khi công trình đánh giá tác động môi trường hoàn thành và chạy thử nghiệm. Không ít doanh nghiệp trốn tránh thực hiện về trách nhiệm môi trường để tăng lợi nhuận, giảm chi phí cho môi trường, chi phí cho xử lý.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua nhà nước ban hành, bổ sung nhiều quy định về xử phạt, thanh tra, kiểm tra về môi trường. Với việc kiểm tra chặt chẽ của các tổ chức và đơn vị quản lý môi trường, cảnh sát môi trường thì các hiện tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường theo số liệu đánh giá thì đã giảm. Tôi hy vọng trong thời gian tới với quy định mới của luật bảo vệ môi trường, quy định chặt chẽ hơn, quy định của người đứng đầu thì quy định của pháp luật sẽ được thực thi nghiêm túc hơn.

Chất cháy tồn tại chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, trang trí nội thất trong từng căn hộ., các loại vật liệu nội thất như bàn, ghế, giường, tủ làm bằng gỗ, vật liệu nhựa tổng hợp, vải… Bên cạnh đó, dưới tầng hầm là xe máy, ô tô là vật liệu xăng, dầu. Các loại vật liệu nói trên khi cháy trong phòng các căn hộ của tòa chung cư, sự trao đổi khí bị hạn chế nên tạo nhiều khói, khí độc như CO, HCI… Vậy những ảnh của cháy nổ nói chung và tại các tòa chung cư, cư cở sản xuất nói riêng đối với môi trường như thế nào?

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho biết:  Tác động tới môi trường khác nhau khi nguồn cháy khác nhau, ví dụ vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông và vấn đề thủy ngân đáng quan tâm. Cháy ở chung cư là đồ dùng gia đình,  có nhiều vật liệu là gỗ, giấy, nhựa khi xảy ra cháy nổ rất nguy hiểm, sinh ra khí độc nếu trong vật liệu bị cháy có chất hữu cơ. Các nhà gần nhau, khi xảy ra cháy nổ gây thiếu khí nên khả năng thoát khí rất kém. Không khí vào khó, mà con người cũng khó thoát ra. Qúa trình thiếu khí gây ra các loại khí thiếu oxy như CO có thể gây tử vong nhanh, bụi làm tắc nghẽn phổi.

Nước để dập cháy: Nhiều khi chung cư không đủ nước để dập cháy làm chậm quá trình dập đám cháy, điều này sinh ra khí độc. nước để dập cháy hòa tan nhiều thành phần nguy hại theo đường nước chảy sẽ sang khu vực lân cận gây ô nhiễm nước cho vùng tiếp nhận nguồn nước ô nhiễm đó.

Tiếp theo là sự xuất hiện nhiều chất thải rắn, sản phẩm của quá trình cháy có thể là chất thải nguy hại, nếu không được kiểm soát, lưu giữ, thu gom theo yêu cầu sẽ gây tác động trở lại với người dân xung quanh, người dân khu vực xảy ra vụ cháy. Khói, bụi của đám cháy lan khắp nơi gây ô nhiễm, ngộ độc cho chính những người tò mò xem vụ cháy

Việc sử dụng đồ bảo hộ lao động cá nhân, điều kiện môi trường tại nơi làm việc, hiện nay còn nhiều bất cập, trong khi tình hình cháy nổ dẫn đến thương vong là nỗi lo thường trực trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Ở các doanh nghiệp hàng năm phải quan trắc môi trường, biết được thông số trong đó ở mức độ nào. Đánh giá rủi ro như thế nào, cao thấp, trùng bình ra sao. Đánh giá tác động môi trường sau các vụ cháy.

Hiện nay, do không tuân thủ quy tắc an toàn vệ sinh lao động, nguyên tắc 5S, nguyên vật liệu để lẫn khi sản xuất, bụi lâu ngày không được làm sạch, tích điện, hở đường dây điện dẫn đến cháy nổ. Đồng thời, ý thức của con người, bất cẩn, bố trí bàn thờ thắp hương ko hợp lý, sự cố kỹ thuật trong cơ sở sản xuất. Vi phạm quy tắc an toàn về cháy nổ, bố trí bình chữa cháy bị che khuất, vì vậy, cần nâng cao ý thức của người dân.

Ngoài ra, một lý do nữa đó là trang thiết bị PCCC hàng năm có được được bảo dưỡng không, bảo dưỡng ra sao, có đảm bảo ko, mũ, quần áo, găng tay… PCCC cho lính cứu hỏa. thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp có dc đảm bảo không. Dùng bao lâu thì cần thay đổi hộp lọc ở phương tiện bảo vệ cá nhân.

Giải pháp nào cho công tác PCCC đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường

Hiểm họa cháy nổ là nguy cơ tiềm ẩn ở tất cả mọi nơi, đặc biệt khi công trình xây dựng cao tầng là xu thế tất yếu tại các đô thị lớn. Vậy giải pháp nào cho vấn đề trên để hạn chế các vụ cháy trong khu dân cư, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn về người và tài sản, đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường từ những sự cố cháy nổ.

Mặc dù Luật Phòng cháy chữa cháy đã ban hành nhưng trên thực tế, các văn bản hướng dẫn vẫn còn thiếu. Bên cạnh đó, công tác tập trung đầu tư cho các phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ PCCC còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng được nhu cầu. Lực lượng cơ sở, chuyên nghiệp PCCC còn mỏng, thiếu. Vậy để đạt hiệu quả và tạo tính răn đe trong công tác PCCC và CNCH chúng ta cần làm gì?

Theo Trung tá Lê Minh Hải, Chính sách, pháp luật về PCCC tương đối đầy đủ và được cập nhật thường xuyên phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì có một số quy định tiêu chuẩn PCCC đối với hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh chưa có quy định cụ thể dẫn đến người dân xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu về PCCC.

Bộ Công an yêu cầu công an địa phương tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành các quy định về PCCC. Hiện nay cũng phối hợp Bộ Xây dựng để xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn PCCC đối với nhà ở.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm chỉ đạo đã ban hành những nghị quyết văn bản chỉ đạo về PCCC, như Nghị quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC trước luật, các công trình chưa được nghiệm thu đã đi vào hoạt động.

Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, đã chủ động tuyên truyền hướng dẫn người dân trong công tác PCCC, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm nghiêm trọng tạm đình chỉ, hay đình chỉ hoạt động và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Công tác tuyên truyền được ưu tiên, tập trung hướng dẫn các lực lượng tại chỗ, như lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy cơ sở, từ đó có phương án cho chủ cơ sở, và đôn đốc kiểm tra xử lý vi phạm, hướng dẫn chủ cơ sở tự kiểm tra tự thực hiện trách nhiệm công tác PCCC. Đặc biệt, đối với các cơ sở kinh doanh có hóa chất nguy hiểm, trong quá trình quản lý kiểm tra, tập trung giám sát chặt chẽ khu vực có cơ sở kinh doanh có liên quan đến hóa chất và hướng dẫn, đưa ra các phương án hướng dẫn cơ sở để có biện pháp phòng ngừa, chữa cháy. Đồng thời, trong phương an phòng cháy của cơ quan công an xây dựng những tình huống cụ thể, thực tập tình huống các đó để nhuần nhuyễn hơn đối với các vụ cháy có hóa chất nguy hiểm, đưa ra các chiến thuật chữa cháy khoa học, giảm thiểu tác động của cháy nổ đối với môi trường.

Còn theo ông Nguyễn Thế Đồng, song hành với quá trình phát triển đô thị thì nguy cơ cháy nổ và tác động môi trường tăng lên rất nhiều. Về mặt quản lý nhà nước đã có bộ luật về PCCC, quy định trong Luật Xây dựng, quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế cho thấy các vụ cháy nổ vẫn xảy ra, thiệt hại lớn, còn nguyên nhân nằm ở đâu đó, có lỗ hổng trong pháp luật hay trong quá trình thực thi pháp luật, thực tế tất cả đô thị, một phần không nhỏ nó là khu dân cư hình thành rất lâu trước khi có Luật PCCC, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng. Những khu này, nhà xưởng họ xây dựng rất không ổn, nhưng nó là tồn tại lịch sử nên tôi nghĩ bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật đối với đô thị mới, thì đối với đô thị hình thành lâu rồi phải có giải pháp đặc thù, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến 4 cấp các loại dự án, trong đó có cấp dự án rất nhỏ có thể hộ gia đình thậm chí không phải báo cáo đánh giá tác động môi trường, không phải đăng ký xả thải, phải đăng ký môi trường nó là cam kết môi trường trước đây, yếu tố đặc biệt quan trọng là ý thức nội tại và quy định nội tại của chủ căn hộ, chủ cơ sở đó.

Luật có rồi, để gây cháy nổ trách nhiệm đầu tiên là người chủ quản lý cơ sở đó, đối với sự vụ xảy ra vừa qua đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, hoặc cố tình vi phạm. Không thể ngay lập tức thay đổi hiện trạng, vẫn phải giáo dục, vẫn phải tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm pháp luật về PCCC và pháp luật về bảo vệ môi trường, nhận thức thay đổi, người ta tự giác hơn thì tình hình sẽ tốt hơn.

Công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và việc ban hành, thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn PCCC, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cơ bản được ban hành. Tuy nhiên, việc chấp hành của các chủ đầu tư và  các cơ sở sản xuất chưa thực sự nghiêm túc, đôi khi còn thực hiện theo kiểu chống đối. Vậy cần có những chế tài như thế nào để việc chấp hành các quy định về PCCC đạt hiệu quả cao?

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Lê Minh Hải cho hay, Triển khai biện pháp PCCC cần quyết liệt đi sâu hơn nữa, nâng xử lý vi phạm PCCC, các cơ quan qly nn cần phối hợp chặt chẽ. Chúng ta cần làm rõ nghiệm thu pccc, nghiệm thu về xây dựng, điều kiện dể công trình được đưa vào sử dụng. Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền phối hợp với các cơ quan truyền thông và trang web của cục PCCC. Phương tiện tại chỗ (phương tiện chữa cháy ở hộ gia đình), chỉ huy tại chỗ (người trong hộ gia đình). Đối với người dân mua nhà chung cư, khi nhận nhà chủ đầu tư phải đảm bảo nghiệm thu PCCC, Người dân chủ động kiến thức của mình về bảo đảm PCCC.

Theo Trung tá Lê Minh Hải, cần triển khai các biện pháp tăng cường quản lý về PCCC ngoài tuyên truyền, trong Nghị định 136 và Nghị định số 144 có quy định xử phạt đưa công trình chưa được nghiệm thu, xử lý vị phạm chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ để kiểm tra, xử lý.

Cục PCCC và CNCH đã có văn bản gửi công an địa phương đẩy mạnh tăng cường quản lý chặt chẽ an toàn về PCCC. Phát huy phương châm 4 tại chỗ, con người, phương tiện, chỉ huy tại chỗ, để đạt hiệu quả trong công tác chữa cháy hiệu quả nhanh nhất.

Đối với người dân mua nhà chung cư đã có hướng dẫn khi nhận nhà yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các quy định về đảm bảo về PCCC, kiên quyết không nhận nhà khi chưa đảm bảo và báo cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Để xử lý môi trường sau các vụ cháy nổ, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho biết:  Hậu quả cháy nổ phụ thuộc vào biện pháp phòng ngừa, ứng cứu. Sau khi dập tắt đám cháy, tôi mong muốn đơn vị quản lý môi trường phải đến ngay khu vực xảy ra sự cố cháy nổ tìm hiểu mức độ cháy, vật liệu cháy, hóa chất cháy, hướng phát tán khói thải ra các khu vực lân cận bị ảnh hưởng thế nào, xem xét nguồn tiếp nhận nước thải và các hiện trạng sinh thái tại khu vực chịu ảnh hưởng của cháy nổ, đặc tính của các loại chất thải rắn – sản phẩm phát sinh của quá trình cháy như thế nào, để dự báo có khả năng thành phần ô nhiễm nào sẽ phát sinh ra sau quá trình cháy đi vào môi trường không khí, đất, nước và các loại chất thải. Tùy mức độ và quy mô khu vực cháy, khả năng lan truyền chất ô nhiễm phải lấy mẫu quan trắc hiện trạng môi trường để khẳng định thành phần, mức độ ô nhiễm với môi trường khí nước, chất thải.

Phải di dời người già, trẻ nhỏ, người ốm ra khói khu vực bị cháy trong khoảng thời gian nhất định, tránh không sử dụng bồn chứa nước, nơi tiếp nhận nước thải đã dập cháy, tránh sử dụng các loại rau quả, vật nuôi bị nhiễm bụi, khí độc trong khu vực chịu tác động của vụ cháy.

Điều nữa là chúng ta không thể thu gom lại khí để xử lý vì lúc đó đã lan truyền tất cả các nơi, phải có thời gian cho thông thoáng khí ở khu vực cháy và khu vực lân cận vì có quá trình pha loãng với các nơi khác và làm giảm thành phần độc hại có trong thành phần khí tới tiêu chuẩn an toàn về mặt môi trường.

Phải xử lý nước thải sinh ra gây ô nhiễm bằng cách thu gom nước thải về cơ sở xử lý nước thải để đạt được yêu cầu xả thải an toàn môi trường. Phải có kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt là sản phẩm của quá trình cháy theo đúng quy định thu gom vận chuyển và xử lý các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại.

Cần có thêm việc kiểm tra sức khỏe của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng bởi cháy nổ để kịp thời phát hiện các hiện tượng ngộ độc, tác động xấu đối với con người do hậu quả sinh ra trong quá trình cháy. Đồng thời cảnh báo cho khu dân cư có biện pháp tự bảo vệ mình trước tác động ô nhiễm này để giảm thiểu tác động xấu của môi trường bị ô nhiễm đối với cá nhân họ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, việc trang bị mặt lạ phòng độc rất tốt nhưng lưu ý thời gian sử dụng của bộ lọc. Nếu đã quá thời gian sử dụng cần thay thế. Nếu không có mặt nạ có thể dùng khẩu trang.

Và theo Trung tá Lê Minh Hải, tại chung cư điều kiện an toàn PCCC được duy trì, khi xảy ra cháy tránh khói độc có thể lấy khăn dấp nước thoát ra ngoài, về vấn đề trang bị mặt nạ phòng độc sẽ khuyến khích, nên biết cách sử dụng để hiệu quả. Về thang dây, theo chiều cao của toà nhà có nên sử dụng hay không, cần phù hợp với độ cao của tòa nhà.

Nguy cơ cháy, nổ tại chung cư cao tầng ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Khu vực dễ xảy ra cháy và đám cháy lây lan nhanh nhất, gây hậu quả lớn nhất là tầng hầm chung cư, nơi tập trung nhiều phương tiện, vật liệu dễ cháy như xe máy, ô-tô và các tầng đế – nơi có hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí. Các căn hộ cũng là khu vực dễ xảy ra cháy, chủ yếu do chập điện, bất cẩn khi đun nấu,… Bên cạnh đó, nguy cơ cháy, nổ tại các chung cư mi-ni, chợ truyền thống rất lớn, do những quy định về an toàn PCCC còn sơ hở.

Mỗi vụ cháy xảy ra, để lại hậu quả vô cùng to lớn về vật chất, con người và tác động đén môi trường. Vì thế, để công tác phòng chống “giặc lửa” thực sự hiệu quả, cùng với việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy ngày càng hiện đại, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về phòng cháy, chữa cháy bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và có tính khả thi cao, thì việc nâng cao ý thức của con người đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Hoàng Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu