Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây: Điểm tựa của ngư dân bám biển

Tạp chí Biển Việt Nam - Hoạt động dưới sự quản lý và vận hành của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác Hải sản Biển Đông trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, Trung tâm Dịch vụ hậu cần (DVHC) nghề cá đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa, Tỉnh Khánh Hoà) đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ và huy động ngư dân ra khai thác ở khu vực Trường Sa – DK1 và các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, thực hiện sự có mặt dân sự thường xuyên của Việt Nam ở các vùng biển này, góp phần bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền vùng biển và các hải đảo của Tổ quốc; đồng thời phát triển kinh tế biển.
Toàn cảnh đảo Đá Tây A.

Trong chuyến công tác các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa vừa qua, chúng tôi được chứng kiến cảnh tàu thuyền ngư dân tấp nập ra vào Trung tâm DVHC nghề cá đảo Đá Tây để tiếp nhiên liệu, mua lương thực thực phẩm… tiếp tục cho chuyến đánh bắt dài ngày trên ngư trường cách xa đất liền hàng trăm kilômét này.

Được biết, trong những năm qua, Trung tâm đã cung cấp hàng ngàn mét khối nước ngọt miễn phí, hàng trăm ngàn lít dầu DO và nhớt máy, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm cho ngư dân, trở thành địa chỉ quen thuộc, hậu phương an toàn và tin cậy cho hàng ngàn tàu thuyền của bà con ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung khai thác, đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa – DK1.

Một góc âu tàu Đá Tây – nơi an toàn cho tàu thuyền ngư dân vào neo đậu tránh trú bão.

Tàu ra khai thác hải sản trên khu vực chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Âu tàu tại Trung tâm DVHC nghề cá đảo Đá Tây có sức chứa khoảng 200 tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão. Các bến cập cho tàu có công suất 200 CV, 400 CV và 1 nghìn tấn vào tiếp nhận hàng hóa và bốc xếp hải sản. Nguồn lực tham gia hoạt động công ích trên biển của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác Hải sản Biển Đông gồm: Đội tàu công ích gồm 10 tàu,  sà lan không tự hành chứa nhiên liệu và nước ngọt Đá Tây 04 có tổng dung tích 70 m3. Tại Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây có 6 bể chứa nước ngọt, dung tích 900 m3; kho hàng hóa và xưởng cơ khí sửa chữa để phục vụ dịch vụ hậu cần cho các tàu thuyền; xưởng sản xuất và cung ứng nước đá cây loại 50 kg/cây; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt công suất 50 m3 ngày đêm, dùng phục vụ nước đá cây và sinh hoạt; có kho lạnh và kho cấp đông bảo quản hải sản; hệ thống máy phát điện; nhà nghỉ cho ngư dân…

Với nguồn nhân lực thường trực khoảng 40 người, Trung tâm DVHC nghề các đảo Đá Tây đang thực hiện cung ứng cho ngư dân bao gồm: Nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bằng giá niêm yết của Nhà nước tại đất liền; cấp nước ngọt miễn phí; sản xuất và cung ứng nước đá loại 50kg/cây bằng giá tại cảng cá Cát Lở, Vũng Tàu. Những dịch vụ trên đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đến từng con tàu làm giảm chi phí nhiên liệu đi về, kéo dài thời gian chuyến biển, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho từng con tàu, góp phần tăng thêm thu nhập cho ngư dân đi biển. Bên cạnh đó, Trung tâm còn hỗ trợ sửa chữa tàu thuyền miễn phí tiền công; miễn phí các dịch vụ cầu cảng, neo đậu; bố trí chỗ ăn, nghỉ cho ngư dân vào tránh trú bão; hỗ trợ, chăm sóc, cấp phát thuốc miễn phí; thu mua và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác và nuôi trồng về đất liền cho ngư dân theo giá thỏa thuận; ngư dân vào đảo được hưởng các dịch vụ văn hóa tinh thần do đơn vị tổ chức…

Ông Nguyễn Búp, ngư dân từ Quảng Ngãi cho biết: “Thường thì tàu tôi đi biển khoảng 2 tháng, trước kia hễ hết nhiên liệu lại phải chạy về bờ. Nhưng giờ đây, mỗi khi hết nhiên liệu, tôi có thể ghé đảo Đá Tây để tiếp, nhờ vậy giúp tiết kiệm thời gian và chi phí”.

Anh Trần Lê Cương, thuyền trưởng một tàu cá từ Bình định ghé vào Đá Tây lấy nước đá để bảo quản thủy sản, tâm sự: “Trước kia, mỗi khi ra khơi gặp bão tàu ngư dân chạy từ khu vực đánh bắt về nơi tránh trú phải mất 3 ngày, nhưng giờ chạy về âu tàu đảo Đá Tây chỉ mất 1 ngày. Từ khi có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây, tàu chúng tôi chỉ tập trung lo khai thác, đánh bắt thủy sản thôi. Thủy sản đánh bắt được, chúng tôi bố trí tàu vận chuyển về đất liền. Tàu khai thác, đánh bắt cứ hết dầu, nước ngọt, nước đá, lương thực, thực phẩm, chúng tôi lại ghé vào đảo. Có âu tàu trên đảo Đá Tây, chúng tôi thực sự yên tâm và vững lòng hơn khi đánh bắt dài ngày trên biển”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chỉ tính riêng lượng nước đá dùng để bảo quản thủy sản, mỗi tàu ngư dân cần khoảng 1.500-1.600 cây nước đá/chuyến. Nếu tàu về bờ lấy nhiên liệu, nước đá rồi mới quay ra đánh bắt tiếp thì chi phí rất tốn kém, có khi bị lỗ nặng. Có đá, nước ngọt, dầu cung cấp ngay tại đảo Đá Tây này, tàu cá của ngư dân có thể tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến biển.

Để đảm bảo hoạt động của Trung tâm DVHC nghề cá đảo Đá Tây, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác Hải sản Biển Đông đã điều động đội tàu vận chuyển nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước ngọt đến các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Núi Le, Tốc Tan, Đá Lớn… để cung ứng cho ngư dân. Có dịch vụ cung ứng sẽ duy trì sự có mặt thường xuyên của lực lượng tàu dân sự hoạt động trên vùng biển Trường Sa; khai thác tốt nguồn tài nguyên xa bờ, giảm mật độ khai thác gần bờ, tạo điều kiện cho việc tái tạo môi trường sinh vật biển, tăng sản lượng khai thác hải sản, tăng sản phẩm xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động góp phần phát triển kinh tế biển theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.

Hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây có ý nghĩa về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trên biển. Cùng với các đảo trên huyện đảo Trường Sa của Việt Nam, đảo Đá Tây từ lâu đã trở thành điểm tựa vừa giúp ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác, đánh bắt thủy sản, vừa góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc./.

 

Hoàng Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu