Việt Hoàng – Người gieo mầm âm nhạc từ vết cắt của giấc mơ

Tạp chí Biển Việt Nam - Việt Hoàng không đến với âm nhạc bằng con đường trải hoa. Anh đi qua những năm tháng gập ghềnh, nơi giấc mơ từng bị dập tắt bởi định kiến, nơi tiếng đàn từng là điều cấm kỵ. Nhưng rồi, chính những khúc quanh đó lại khiến người thầy, nhạc sĩ, người gieo mầm nghệ thuật xứ Thanh – viết nên hành trình rất riêng, rất đẹp và rất đáng nhớ.

 

 

Việt Hoàng sinh ra ở thị trấn Ngọc Lặc, là một vùng núi yên bình mang trong mình hơi thở của thiên nhiên hoang sơ, nhưng gốc gác của anh lại là vùng ven biển Quảng Giao – Quảng Xương. Hai miền quê ấy, một xanh rừng, một mặn gió đã in đậm trong ký ức tuổi thơ anh, để sau này trở thành nét riêng trong âm nhạc của Việt Hoàng.

Chân dung Việt Hoàng.

Cha của anh từng tốt nghiệp khoa nhạc cụ dân tộc, Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa năm 1971. Ông phụ trách đoàn văn công đi biểu diễn phục vụ bộ đội trên khắp các chiến trường. Ông chơi đàn nguyệt, kéo nhị, gảy tam đầy đam mê. Nhưng định kiến xã hội xưa về nghề “Xướng ca…” như nhát dao cắt phăng đi giấc mơ nghệ thuật của ông. Gác đàn, bỏ ước mơ, năm 1975 ông học Đại học tài chính, rồi trở thành một viên chức mẫn cán đến khi nghỉ hưu với chức vụ Phó Giám đốc Kho bạc huyện Lang Chánh. Có lẽ vì thế, ông từng không muốn con trai dẫm vào “vết xe đổ” năm xưa.

Vì vậy mà Hoàng sớm được gửi về quê học tập. Với kỳ vọng và sự nghiêm khắc của cha, Hoàng luôn là một học sinh gương mẫu, học lớp chọn khối A của trường cấp 3, thế nhưng âm nhạc cứ len lỏi trong từng mạch máu, thớ thịt anh từng ngày âm thầm, day dứt.

Cho đến năm lớp 11 Hoàng mới nhận ra tình yêu lớn với âm nhạc, và quyết tâm đạp xe 15km từ quê ra thành phố để tìm lớp học nhạc. Cây đàn đầu tiên anh trộm mua bằng chính tiền học them khối A mà bố mẹ cho. Những buổi học nhạc giấu sau giờ học chính. Những nốt nhạc đầu tiên được ghi nhớ không chỉ bằng trí óc, mà bằng cả tình yêu và khát khao được sống với âm nhạc.

Đến khi thi đại học, Hoàng mới dám nói với bố: “Con không thi khối A.”

Sự im lặng của bố kéo dài, rồi ông nói: “Nếu học thì chỉ được học sư phạm. Học để có cái nghề ổn định.” Dù không rộng mở nhưng đó được xem là bước ngoặt lớn, trong con đường đến với âm nhạc của Việt Hoàng.

Năm 2007 Việt Hoàng tốt nghiệp ngành Sư phạm âm nhạc. Những năm tháng công tác ở miền biên viễn xứ Thanh – nơi không điện, không mạng. Kỷ niệm dạy học bằng cây đàn organ được câu điện từ bình ắc quy xe máy. Tiếng đàn, tiếng hát, hòa với nụ cười hồn nhiên của lũ học trò, vang lên giữa núi rừng vắng lặng, đã gieo vào anh niềm tin vào sức mạnh của âm nhạc. Anh luôn trăn trở mong muốn được đem âm nhạc đến với trẻ em vùng cao, đặc biệt là trẻ em nghèo. Vậy nên anh cứ miệt mài dạy hợp đồng cho đến khi biên chế đóng băng, Việt Hoàng đành gác ước mơ đứng bục giảng để về quê làm sự kiện để mưu sinh.

Năm 2020, sau bao năm trăn trở Việt Hoàng quyết định thành lập Trung tâm Nghệ thuật Sầm Sơn, nơi anh viết tiếp đam mê dạy nhạc, nơi anh được truyền cảm hứng cho hàng trăm học sinh yêu nghệ thuật mỗi năm. Một phần trong anh đã tìm được con đường để nối lại giấc mơ cũ, không chỉ của riêng mình, mà phần nào đó còn là giấc mơ dở dang của cha năm nào.

Việt Hoàng bắt đầu sáng tác từ rất lâu nhưng giữ kín, như giữ một nỗi riêng. Mãi đến năm 2022, khi viết ca khúc “Dĩa cơm trên tường”, anh mới quyết định công khai sản phẩm âm nhạc đầu tiên của mình. Ca khúc này không chỉ là sự kiện đáng nhớ trong sự nghiệp của Việt Hoàng mà còn là minh chứng cho tình yêu quê hương, cho sứ mệnh kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn đến cộng đồng. MV “Dĩa cơm trên tường” ra đời từ những cảm xúc chân thật, từ những câu chuyện có thật, phản ánh tình người giữa cuộc sống đầy thử thách. Chương trình “Dĩa cơm trên tường” sau đó vinh dự được phát sóng trên chuyên mục “Việc tử tế” của kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Trung tâm đào tạo nghệ thuật Việt Hoàng đã vun đắp, bồi dưỡng nhiều bạn trẻ có niềm đam mê âm nhạc.

“Cơ duyên đến từ Lan – người bạn học cũ hiện đang công tác tại BV Nhi Thanh Hoá – Lan ngỏ ý nhờ tôi viết một ca khúc dành riêng cho dự án thiện nguyện. Tôi nhận lời, trân trọng ý nghĩa nhân văn của chương trình, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Mãi cho đến một lần tới thăm Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, chứng kiến tận mắt những bệnh nhi đang chiến đấu từng ngày với bệnh tật, tôi đã tìm được nguồn cảm hứng mãnh liệt. Bác sĩ Hà Hoàng Minh – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, Chủ nhiệm CLB thiện nguyện “Dĩa cơm trên tường” sau khi nghe ca khúc đã rất xúc động, không giấu nổi niềm vui khi được nghe giai điệu dành riêng cho chương trình ra đời” – Việt Hoàng chia sẻ.

Từ đó anh càng thấy rõ âm nhạc không chỉ là phương tiện thể hiện cảm xúc cá nhân, mà còn có một vai trò lớn lao hơn – kết nối cộng đồng, nâng đỡ những mảnh đời khó khăn, đặc biệt là qua các chương trình thiện nguyện. Cảm xúc và trách nhiệm xã hội đã giúp anh tiếp tục sáng tác và sản xuất nhiều ca khúc đầy nhân văn, có tính giáo dục và truyền cảm hứng mạnh mẽ. Việt Hoàng không chạy theo trào lưu, không mong nổi tiếng mà viết nhạc từ chính trái tim mình, từ những trải nghiệm cuộc sống. Anh không quan tâm đến thành công ngoài mặt, mà chỉ đơn giản là muốn truyền đạt cảm xúc và những câu chuyện của mình qua từng nốt nhạc. Cũng vì thế, mỗi ca khúc của anh đều mang dấu ấn riêng, tạo xúc cảm mạnh mẽ, để lại ấn tượng khó quên với khán thính giả.

Các sáng tác tiêu biểu của anh như: “Ru quê”, “Lời mẹ ru”, “Dưới mái trường xưa”, “Bác Trọng rạng ngời nột nhân cách”…

Năm 2024, anh chính thức trở thành hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, đây là sự ghi nhận xứng đáng với những đóng góp cho âm nhạc của Việt Hoàng.

Là người giới thiệu Việt Hoàng vào Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, nhạc sĩ Hoài Nam – Trưởng ban Âm nhạc của Hội nhấn mạnh: “Việt Hoàng là chàng trai đam mê âm nhạc, được đào tạo bài bản, đó là một lợi thế lớn. Điều tôi ấn tượng ở em không chỉ là nội lực, mà còn là sự tâm huyết sâu sắc với con đường sáng tác, đặc biệt là trong lĩnh vực ca khúc. Với chúng tôi – những người đi trước, thì các bạn trẻ như Việt Hoàng mang đến một làn gió mới. Việt Hoàng không bị bó buộc vào một khuôn mẫu nào, mà rất đa dạng trong phong cách sáng tác, luôn thử nghiệm, tiếp cận nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau. Tôi đặc biệt trân trọng những nhạc sĩ có tư duy sáng tạo, biết khai thác nhịp điệu và tiết tấu của thời đại mà vẫn giữ được chiều sâu nghệ thuật, Việt Hoàng là một người như vậy”.

Không phải ai cũng cần nổi tiếng mới trở nên có ích. Có những người chọn đi bên lề của showbiz, nhưng lại âm thầm đốt lên những đốm lửa – cho học trò, cho cộng đồng, cho đời sống văn hóa quê hương. Người thầy, người nghệ sĩ, nhạc sĩ ấy chính là một đốm lửa như thế.

Việt Hoàng nói: “Làm nghệ thuật cũng như làm nông vậy, có hạt gieo xuống nở liền, có hạt phải chờ đợi. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tin vào con đường mình đã chọn, cũng như tin vào hạt giống mình đã gieo mà vun trồng, yêu và không bao giờ bỏ cuộc”. Những nốt nhạc ấy, từ những hạt giống nhỏ bé ban đầu, đã và đang vươn lên mạnh mẽ, làm phong phú thêm đời sống âm nhạc và góp phần giữ gìn và làm đẹp thêm văn hóa dân tộc.

Dưới đây mời quý độc giả thưởng thức một số ca khúc mà Việt Hoàng đã ra mắt trong năm 2024

Lời ru mẹ

Dĩa cơm trên tường

Ru quê

Bác Trọng – Rạng ngời một nhân cách

 

Ngô Khiêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM