Xây dựng Học viện Hải quân “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Học viện Hải quân (26/4/1955 – 26/4/2025), Tạp chí Biển Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan – Chính ủy Học viện.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của Học viện Hải quân.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan:
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Để bảo vệ chủ quyền, quản lý bờ biển và vùng biển miền Bắc rộng lớn, Tổng Quân ủy chủ trương thành lập Cục phòng thủ bờ biển, tiền thân của Quân chủng Hải quân. Nhằm gấp rút đào tạo cán bộ, thủy thủ xây dựng nền móng cho các lực lượng Hải quân, ngày 26 tháng 4 năm 1955, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1125/QĐ/TTL thành lập Trường Huấn luyện bờ bể, đứng chân tại Thành phố Hải Phòng.
Khi mới thành lập, với 15 cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng và chiến đấu của Quân chủng và Quân đội trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày 18/8/1955, khóa học đầu tiên hoàn thành với 372 học viên tốt nghiệp và trực tiếp nhận 20 thuyền máy, ca nô để thành lập 2 thủy đội “Sông Lô” và “Bạch Đằng” thực hiện nhiệm vụ tuần tra ven biển, bảo vệ nhân dân, đồng thời tích cực tham gia phòng, chống bọn phản động cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam. Ngày 25/9/1955, cán bộ, chiến sĩ Nhà trường đã dũng cảm vật lộn với sóng gió trong cơn bão lớn đổ bộ vào vùng biển Hải Phòng, cứu được bốn thuyền đánh cá và 9 người dân. Với những thành tích đó, Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng ba. Đây là tấm Huân chương đầu tiên của Nhà trường chỉ sau 4 tháng được thành lập.
Tháng 01/1959, Cục Hải quân được thành lập thay cho Cục phòng thủ bờ biển, Trường huấn luyện bờ bể được đổi tên thành Trường huấn luyện Hải quân. Nhà trường được tăng cường thêm cán bộ, giáo viên, trong đó nhiều đồng chí vừa được đào tạo ở nước ngoài trở về. Ngày 31/3/1959, Nhà trường vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Bác đã căn dặn:“Giáo viên, học viên nhà trường phải thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng trong tiếp thu kỹ thuật tàu thuyền…Dù ở cương vị nào cũng phải rèn luyện toàn diện, học tập và phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng Hải quân mau chóng trưởng thành”.
Tháng 7/1960, Nhà trường chuyển về tỉnh Quảng Ninh và tháng 01/1961 được đổi tên thành Trường Hải quân Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới của Nhà trường. Từ năm 1964, khi các đơn vị Hải quân chuyển vào trạng thái thời chiến, với phương châm “Khi cần là có, học viên ra trường hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Nhà trường đã đào tạo và cung cấp kịp thời cán bộ, chiến sĩ cho các đơn vị Hải quân, góp phần làm nên chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày 02 và 05/8/1964. Năm 1965, Trường Hải quân Việt Nam phát triển thành Trường sĩ quan Hải quân. Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc, với phương châm: “Bám tàu, bám biển, bám mục tiêu đào tạo”, Nhà trường đã huấn luyện, bổ sung hàng nghìn cán bộ và nhân viên kỹ thuật cho các đơn vị, đặc biệt đã đào tạo hơn 2 nghìn cán bộ, chiến sỹ cho Đoàn tàu Không số và Đoàn Đặc công nước.
Tháng 9/1975, Trường Sĩ quan Hải quân tách thành Trường Sĩ quan Hải quân 1 và Sĩ quan Hải quân 2. Trường Sĩ quan Hải quân 1 ở lại Quảng Yên có nhiệm vụ đào tạo và bổ túc cán bộ trung cấp chỉ huy tham mưu và chuẩn bị điều kiện thành lập Học viện Hải quân sau này. Trường Sĩ quan Hải quân 2 hành quân chuyển vào Nha Trang với nhiệm vụ đào tạo cán bộ Hải quân bậc sơ cấp.
Tháng 7/1979, Trường Sĩ quan Hải quân 1 và Trường Sĩ quan Hải quân 2 được sáp nhập thành Trường Sĩ quan Hải quân Việt Nam và đóng tại Nha Trang. Nhà trường vừa tiến hành nhiệm vụ đào tạo, vừa tham gia chiến đấu ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Ngày 23/10/1980 Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 610/QĐQP xác định tên gọi và chức năng hệ thống nhà trường trong Quân đội. Theo đó, Nhà trường được đổi tên thành Trường sĩ quan Chỉ huy – Kỹ thuật Hải quân, có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan Hải quân; đồng thời đào tạo cán bộ chỉ huy tàu sông cho nước bạn Lào và đào tạo cán bộ Hải quân cho nước bạn Cam-pu-chia.
Từ năm 1980 đến 1992 là giai đoạn Nhà trường phát triển trên nhiều lĩnh vực, đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về số lượng, chất lượng; phương pháp điều hành huấn luyện và chương trình nội dung đào tạo ngày càng ổn định và phát triển; phương thức đào tạo được chính quy hóa.
Tháng 4/1993, Nhà trường được nâng cấp thành Học viện Hải quân. Bên cạnh phát triển đội ngũ giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, Nhà trường đã nhanh chóng xây dựng và điều chỉnh hệ thống chương trình đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội bậc đại học với 11 chuyên ngành, xây dựng mới chương trình đào tạo cao học, hoàn thiện chương trình trung cao, chuyển loại cán bộ chính trị, sĩ quan dự bị, dự bị đại học… Cùng với đó là đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng. Học viện đã triển khai thực hiện thành công nhiều đề tài và dự án nghiên cứu khoa học công nghệtừ cấp cơ sở đến cấp BQP, cấp Nhà nước, nhiều đề tài được áp dụng ở các đơn vị trong toàn Quân chủng.
Đến nay, Nhà trường tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế trong hệ thống các nhà trường Quân đội và hệ thống giáo dục quốc gia, với nhiệm vụ đào tạo các bậc đại học, thạc sỹ, tiến sĩ nghệ thuật quân sự,… 100% giảng viên Học viện có trình độ đại học, trong đó hơn 87% có trình độ sau đại học, 20% tiến sĩ (trong đó có 1 Giáo sư và 8 Phó Giáo sư). Năm 2024 Học viện đã thành lập Hội đồng Giáo sự cơ sở. Nhiều học viên, nghiên cứu sinh chủ động đăng ký và bảo vệ thành công khóa luận, luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ bằng ngoại ngữ. Đây là một trong bước tiến quan trọng trong công tác đào tạo của Học viện.

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về những giá trị cốt lõi đã làm nên vị thế, uy tín của Học viện?
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan:
Chặng đường 70 năm qua, từ Trường Huấn luyện bờ bể đến Học viện Hải quân ngày nay, là một chặng đường nhiều khó khăn, gian khổ nhưng hết sức vẻ vang. Dưới mái trường này, hàng vạn cán bộ, sỹ quan đã học tập, rèn luyện và trưởng thành, nhiều đồng chí đã phát triển trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong Quân chủng, Quân đội, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn giá trị cốt lõi làm nên vị thế, uy tín của Học viện, đó là: “Tích cực, chủ động; Khắc phục khó khăn; Đoàn kết, kỷ luật; Dạy tốt, học tốt”.
“Tích cực, chủ động” là nét truyền thống tiêu biểu của Học viện, thể hiện ở tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy; của cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong thực hiện chức trách nhiệm vụ. Chủ động tham mưu, đề xuất với trên về các chủ trương, biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT, NCKH. Quán triệt sâu sắc và tích cực triển khai các chỉ thị, mệnh lệnh của trên, các kế hoạch công tác của đơn vị. Cũng nhờ tính tích cực, chủ động mà trong bất cứ hoàn cảnh nào Học viện cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Khắc phục khó khăn” là giá trị cốt lõi thể hiện ý chí kiên cường làm nên chiến thắng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử phát triển của Học viện. Những ngày đầu thành lập, Học viện đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, thầy và trò đã nỗ lực vượt qua mọi thử thách, tận dụng tối đa nguồn lực để đào tạo ra những lớp cán bộ, nhân viên kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn giỏi, tác phong chỉ huy mẫu mực. Dù phải di chuyển địa điểm nhiều lần, lực lượng bị phân tán, Học viện vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học. Truyền thống “Khắc phục khó khăn” đã giúp các thế hệ hôm nay tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng Học viện cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại.
Xác định, “Đoàn kết, kỷ luật” là cội nguồn sức mạnh, Nhà trường luôn lấy “Đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm” làm phương châm hành động. Đó là truyền thống tôn sư trọng đạo, trên dưới một lòng, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Đó là luôn đề cao tinh thần kỷ luật quân đội, thể hiện qua việc chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì, hy sinh vì độc lập, tự do để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tinh thần đoàn kết, kỷ luật còn được thể hiện trong tình yêu thương đồng chí, đồng đội, sự gắn bó keo sơn giữa cán bộ, giảng viên, học viên. Đồng thời luôn giữ gìn mối quan hệ máu thịt với nhân dân, tích cực làm tốt công tác dân vận, xây dựng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sỹ Hải quân” gắn bó, gần gũi với nhân dân.
Truyền thống “Dạy tốt, học tốt” không chỉ là một phong trào thi đua mà đã trở thành giá trị cốt lõi, là sứ mệnh của Học viện Hải quân trong suốt 70 năm qua, đồng thời là yêu cầu tất yếu để Học viện phát triển bền vững. Với các phong trào như “Học giỏi, rèn nghiêm, công tác tốt”, mô hình Giảng đường “2 không, 3 nhất” (“2 không”: Không hút thuốc; Không vi phạm quy chế, quy định. “3 Nhất”: Chính quy nhất; Quan hệ thầy – trò mẫu mực nhất; Cảnh quan môi trường sạch – đẹp nhất), Học viện đã tạo ra môi trường học tập chuyên nghiệp. Nhiều giảng viên, học viên đã đạt thành tích xuất sắc, trở thành Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, cán bộ cấp cao của Quân đội, Quân chủng và các đơn vị. Tinh thần dạy tốt, học tốt còn được thể hiện qua sự chủ động trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật quân sự, góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, quản lý bộ đội.

PV: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Học viện sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa Đồng chí Chuẩn Đô đốc?
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan:
Đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang 80 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống anh hùng 70 năm của Quân chủng và Học viện, Học viện sẽ không ngừng phấn đấu, đổi mới toàn diện, đồng bộ, có chiều sâu trên tất cả các mặt công tác, tiếp tục xây dựng Học viện “cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”.
Đặc biệt, trước tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông đang tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, thách thức, khó khăn, Học viện xác định cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của các cấp ủy đảng, trọng tâm là Nghị quyết BCHTW Đảng Khóa XIII, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Hải quân lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tập trung xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, Học viện vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của BCHTW Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân chủng, Đảng ủy Học viện về đổi mới giáo dục – đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xây dựng xã hội học tập… Học viện luôn bám sát phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Học viện là trường đại học định hướng ứng dụng theo mô hình “Nhà trường thông minh”, mô hình quản trị tiên tiến, hạ tầng khuôn viên và cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm nhiệm vụ. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, Quân chủng.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đề án“Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, hợp tác, sáng tạo của người học. Nội dung, chương trình phải theo mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra và phù hợp với hoạt động thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào nâng cao chất lượng, tính khách quan, chính xác trong đánh giá kết quả học tập của học viên.
Bốn là, thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội”; đẩy mạnh hợp tác đào tạo trong và ngoài nước; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, truyền thụ kinh nghiệm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cử cán bộ đi thực tế ở đơn vị; thực hiện hiệu quả quy trình trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh học hàm, học vị và các danh hiệu nhà giáo. Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Năm là, tăng cường kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh nghiên cứu khai thác làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại của Quân chủng, hiện đại hóa công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực quân sự quốc phòng. Phát huy sáng kiến, sáng chế của đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ vào nâng cao chất lượng GD&ĐT. Tích cực, chủ động phối hợp, liên kết nghiên cứu khoa học với các học viện, nhà trường trong và ngoài nước.

Sáu là, không ngừng chuẩn hóa, hiện đại hóa và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác GD&ĐT, NCKH. Tập trung khai thác hiệu quả những phương tiện hiện có, đồng thời ưu tiên nguồn lực mua sắm, đổi mới trang bị trên cơ sở định hướng phát triển tổng thể. Tiếp tục đầu tư nâng cấp trung tâm điều hành; hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin; trung tâm học liệu, hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hệ thống giảng đường, thao trường, phòng học thực hành, phòng học chuyên dùng, trung tâm mô phỏng. Hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin; đầu tư mới các phần mềm hỗ trợ cho giảng dạy các môn học…
PV: Xin cảm ơn đồng chí Chuẩn Đô đốc!
NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ MÀ HỌC VIỆN ĐÓN NHẬN:
+ Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (2005)
+ 01 Huân chương Quân công hạng Nhất (1984)
+ 02 Huân chương Quân công hạng Ba (1971, 1983)
+ 01 Huân chương Độc lập hạng Ba (2015)
+ 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2020)
+ 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2010)
+ 01 Huân chương Chiến công hạng Nhất (1989)
+ 02 Huân chương Chiến công hạng Ba (1955, 1962)