Đội Cứu hộ, cứu nạn 116 Thái Bình – cứu người trên hết

Tạp chí Biển Việt Nam - Trong cuộc sống khó khăn hàng ngày, mỗi người đều phải lo toan chuyện “cơm áo gạo tiền cho cái gia đình riêng của mình. Nhưng vẫn có những con người không quản ngại gian nan, luôn quan tâm chăm lo giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có thể hy sinh tính mạng để cứu giúp người gặp hoạn nạn…

Trong cuộc sống khó khăn hàng ngày, mỗi người đều phải lo toan chuyện “cơm áo gạo tiền cho cái gia đình riêng của mình. Nhưng vẫn có những con người không quản ngại gian nan, luôn quan tâm chăm lo giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có thể hy sinh tính mạng để cứu giúp người gặp hoạn nạn…

Đó chính là trường hợp của những “hiệp sỹ” của đội Đội Cứu hộ, cứu nạn 116 Thái Bình. Đội được thành lập vào những ngày cuối năm 2020 với 8 thành viên. Nói về nguyên nhân thành lập cái đội khá đặc biệt này, anh Nhâm Quang Văn, Đội trưởng của đội chia sẻ: Sau một lần đi công tác, anh tận mắt chứng kiến một sự cố chìm xà lan và những hệ luỵ đau thương kèm theo, cạnh đó có lần đi công tác ở một vùng biển và phải chứng kiến cảnh các gia đình ở miền Trung thất lạc nhau do bị bão lũ. Anh trở về với nhiều nghĩ suy, trăn trở, sau đó đi đến quyết tâm phải thành lập một đội tình nguyện cứu người bị đuối nước. Anh bàn cùng mấy anh em cùng chí hướng, may thay tất cả mọi người ai cũng tán thành, và cuối cùng, Đội Cứu hộ, cứu nạn 116 Thái Bình đã ra đời với 8 thành viên, tuổi đời đều rất trẻ.
Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, các thành viên của đội nêu sáng kiến là vào các hội, nhóm tìm kiếm nạn nhân đuối nước trên mạng xã hội, tìm thông tin để xin các gia đình nạn nhân được tham gia hỗ trợ cứu nạn. Tuy nhiên vì đội chưa có danh tiếng gì nên nhiều người còn tỏ ra hoài nghi, không tin tưởng, thậm chí có người còn cho là lừa đảo. Tuy nhiên, các thành viên trong đội không nản lòng. Họ vẫn bắt tay vào công việc một cách hết sức nhiệt tình. Mỗi khi biết được có sự cố gặp nạn nào, anh em đều nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tham gia cứu hộ cứu nạn. Nhờ trước đó đã cùng nhau học tập, chia sẻ kiến thức về lĩnh vực này, và đều có sức khỏe, sự nhiệt tình và lòng dũng cảm, nên đội hoạt động rất hiệu quả, đã cứu hộ cứu nạn thành công nhiều vụ việc, được các nạn nhân và gia đình biết ơn và tin yêu…

Diễn tập cứu hộ trên biển (Ảnh theo VOV Giao thông)

Để hoạt động hiệu quả, đội đã phân công nhau thường xuyên túc trực, khi có hiệu lệnh là sẵn sàng tập trung cả đội và nhanh chóng lên đường. Có những ngày để tìm kiếm nạn nhân, cả đội phải sử dụng ca nô đi rà soát, tìm kiếm nạn nhân tới hàng trăm km. Có vụ việc nạn nhân trôi xa vài chục km cách với vị trí gặp nạn ban đầu, khiến việc tìm kiếm trở nên hết sức khó khăn. Có những vụ việc xảy ra ban đêm, địa hình sông nước nhiều ghềnh thác, ca nô và các phương tiện bị hỏng hóc lại càng thêm khó khăn hơn. Thậm chí có chuyến đi tìm kiếm nạn nhân đuối nước mất 3 – 4 ngày mới tìm thấy thi thể. Có thành viên trong đội tham gia chuyến cứu hộ cứu nạn đến hàng chục ngày mới về, khiến gia đình không khỏi lo lắng. Đó là chưa kể mọi phí tổn khi tham gia cứu hộ cứu nạn anh em đều tự túc, không hề huy động ở bất cứ nguồn nào…
Nói về những vụ việc đã cứu họ cứu nạn thành công và để lại ấn tượng sâu sắc, anh Phạm Ngọc Dương, thành viên của Đội Cứu hộ, cứu nạn 116 Thái Bình tâm sự: Trong một lần tham gia tìm kiếm và cứu hộ 4 nạn nhân bị đuối nước ở xã Nam Phong (thành phố Nam Định), anh em thành viên của đội đã không ngại đường xa, nhanh chóng có mặt tại hiện trường, không quản mọi sự nguy hiểm cho bản thân để triển khai tổ chức cứu hộ các nạn nhân. Cuối cùng bằng sự phối kết hợp chặt chẽ với địa phương và người dân, đã cứu được cả 4 nạn nhân, đều cùng trong một gia đình, trong đó có 3 nạn nhân là trẻ nhỏ. Được chứng kiến giây phút cả gia đình đoàn tụ, các anh đã không thể cầm được nước mắt vì xúc động. Đây chính là phần thưởng lớn nhất cho các anh, không gì có thể so sánh bằng
Còn anh Trần Bá Phúc, một thành viên khác của Đội Cứu hộ, cứu nạn 116 Thái Bình tâm sự: Nhiều chuyến tham gia cứu hộ làm cho đội thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng, nhưng các thành viên vẫn quyết không nhận tiền công cứu hộ hoặc tiền bồi dưỡng của bất kỳ gia đình nào, trong khi có nơi người ta coi đây là một nghề kiếm tiền. Cũng vì thế có người đã công kích, xuyên tạc việc làm của đội. Nhưng chúng tôi vẫn duy tri tốt hoạt động của mình…
Bên cạnh việc duy trì hoạt động của đội, đội trưởng Nhâm Quang Văn còn mở thêm lớp dạy bơi miễn phí và hướng dẫn các kỹ thuật, phương pháp cứu người đuối nước trong trường hợp khẩn cấp cho 300 em nhỏ. Với những việc làm đầy nhân văn của các anh, Đội Cứu hộ cứu nạn 116 Thái Bình ngày càng được nhân dân địa phương và các vùng lân cận tin yêu và giúp đỡ trong quá trình làm việc ý nghĩa của mình.
Theo đội trưởng Nhâm Quang Văn, tới đây Đội Cứu hộ, cứu nạn 116 Thái Bình sẽ thành lập Hiệp hội Cứu hộ giao thông ven bờ biển, đảo để giải cứu tàu ngư dân gặp nạn trên biển; thành lập nhiều đội cứu hộ ở khắp các tỉnh và dạy bơi miễn phí cho khoảng 500 học viên/năm góp phần giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ. Chắc chắn dự định này sẽ thành công tốt đẹp, mở rộng mọi hoạt động của đội để góp phần tham gia cứu giúp, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân trên địa bàn.
Nguyên Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu