Biển Quảng Bình – tiềm năng khác biệt

Tạp chí Biển Việt Nam - Biển Quảng Bình với tổng chiều dài hơn 116 km, có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch, vận tải, khai thác thủy hải sản.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra nhiều mục tiêu, chiến lược quan trọng.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Tầm nhìn đến năm 2045 là Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp phần quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Trong bối cảnh của thế kỷ XXI, các quốc gia ven biển, các quốc gia quần đảo và các cường quốc về hàng hải trong khu vực và trên thế giới, nhất là các quốc gia đã có chiến lược biển toàn diện đã và đang đẩy mạnh tiềm lực mọi mặt trên biển đảo nhằm phục vụ cho quá trình phát triển tổng thể của mình. Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là đường bờ biển dài khoảng 3.260km; khoảng hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ, trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược rất quan trọng. Các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km(trải dài trên 28 tỉnh, thành phố ven biển).

Ngay sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW được ban hành, các tỉnh, thành phố ven biển đã có các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với nhiều bước đột phá trong phát triển kinh tế biển. Trong đó, Quảng Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về biển và đã có những chương trình, kế hoạch để phát triển, bảo vệ biển.

Nhiều lợi thế khi sở hữu đường bờ biển dài

Quảng Bình là tỉnh ven biển thuộc Bắc Trung Bộ, có 6/8 huyện, thị xã, thành phố giáp biển, có đường bờ biển dài 116.04 km với 5 cửa sông; trong đó có 2 cửa sông lớn là Nhật Lệ và cửa Gianh. Có hệ thống đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Chùa, Hòn Nồm, Hòn Cỏ. Thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2, rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền, tạo cho Quảng Bình một ngư trường rộng, trữ lượng hải sản lớn. Cùng với tiềm năng tài nguyên phi sinh vật như vận tải biển, điện gió, điện mặt trời là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh Quảng Bình phát triển các lĩnh vực kinh tế tổng hợp về biển.

Vận chuyển khoáng sản ở cảng Hòn La. (Ảnh PTSC Quảng Bình)

Ngành giao thông vận tải biển của tỉnh Quảng Bình có vai trò đặc biệt quan trọng được thể hiện qua các thời kỳ lịch sử. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong thời bình, giao thông vận tải biển của tỉnh đã góp phần không nhỏ vào những chiến công thắng lợi chung của đất nước. Thực tế, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Quảng Bình đã đóng vai trò rất quan trọng, vừa là tiền phương vừa là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam.

Trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, ngành giao thông vận tải biển của Quảng Bình đã góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hệ thống các cảng biển không ngừng được đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng cho sự phát triển của lĩnh vực vận tải biển trong bối cảnh hội nhập. Hệ thống các cảng Nhật Lệ và cảng Gianh đã được đầu tư nâng cấp cho tàu có trọng tải 5.000 DWT ra vào để vận chuyển hàng hóa. Cảng Hòn La có hệ thống cầu cảng dài 215m có thể tiếp nhận 2 tàu trọng tải 10.000 DWT cùng lúc, 2 kho hàng 5.000 m2, 88.000 m2 bãi chứa và các trang thiết bị xe cẩu có sức nâng từ 50 tấn đến 180 tấn, các trang thiết bị làm hàng chuyên dụng khác, công suất thiết kế phục vụ xếp dỡ 1,26 triệu tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm.

Với đường bờ biển dài Quảng Bình có nhiều bãi biển đẹp như Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú, Đá Nhảy, Hải Ninh, Nhân Trạch, Ngư Thủy… Bờ biển thoai thoải, có nhiều cồn cát trắng uốn lượn đẹp như tranh vẽ, nước biển trong xanh rất thuận lợi cho loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, dịch vụ thể thao biển.. Để tạo bước đột phá cho du lịch phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều đổi mới về chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện các giải pháp khai thác hiệu quả các lợi thế cạnh tranh và tiềm năng vốn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, lãnh đạo tỉnh chú trọng công tác xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch.

Bãi biển Bảo Ninh hoang sơ. (Ảnh Celina Peninsula Resort)

Vùng ven biển của Quảng Bình có nhiều loại khoáng sản quý như vàng, sắt, titan, pyrit, chì, kẽm và một số khoáng sản phi kim loại khác như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá granit. Trong đó đá vôi và cao lanh có trữ lượng lớn, đáp ứng điều kiện phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn. Bên cạnh đó, ven bờ biển và ngoài khơi Quảng Bình có tiềm năng điện gió, điện mặt trời.

Theo đó, cụm trang trại điện gió B&T là một trong số những cụm trang trại điện gió lớn nhất Việt Nam, với 60 tuabin, công suất 252 MW, tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỉ đồng hiện đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, với năng lượng bức xạ mặt trời 4-5kWh/m2 mỗi ngày thì Quảng Bình củng là địa phương thu hút về đầu tư năng lượng mặt trời. Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy do Tập đoàn Dohwa Engineering – Hàn Quốc đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng củng đã đi vào hoạt động vào tháng 4/2022.

Quảng Bình được đánh giá là vùng biển có trữ lượng lớn về thủy hải sản, vừa đa dạng và phong phú về chủng loài, ước tính có 1650 loài, trong đó có những loài quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang, sò huyết, rắn biển… Diện tích tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản trên ba mặt nước khoảng 15.000 ha, trong đó diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản mặt nước mặn và nước lợ là 4.000 ha, nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 11.000 ha. Theo số liệu điều tra và đánh giá của Tổng cục Thủy sản thì trữ lượng cá ở vùng biển Quảng Bình là khoảng 51.000 tấn.

Hiện tại, toàn tỉnh có gần 3.600 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên; một số tàu cá thực hiện cải hoán, nâng cấp đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các phương tiện đánh bắt, việc ngư dân đầu tư khai thác theo hướng đẩy mạnh đánh bắt thủy sản ở ngư trường các vùng khơi, vùng biển xa, tổ chức sản xuất theo tổ biển xa, tổ hợp tác, đoàn kết đảm bảo an toàn trên biển, nâng cao hiệu quả và sản lượng khai thác, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Chuyển thiết bị thi công điện gió qua cảng Hòn La.

Trải qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, biển đảo của tỉnh Quảng Bình luôn góp phần giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng đất nước. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hùng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo: “Sự phát triển của tỉnh Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung trong thế kỷ XXI không thể thành công nếu như chúng ta thất bại trong việc phát triển kinh tế biển. Kinh tế biển đã, đang và sẽ đóng vai trò hạt nhân, là đầu tàu và là động lực của sự thịnh vượng của quốc gia. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng để phát triển bền vững, an ninh và an toàn, Quảng Bình cần quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, gắn liền việc phát triển kinh tế với việc bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Trong những năm qua, phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường biển củng được tỉnh quan tâm sâu sắc. Các cấp lãnh đạo, chính quyền của tỉnh Quảng Bình đã ban hành các văn bản chỉ đạo và hành động trong việc thực hiện phòng chống ô nhiễm môi trường biển trong đó đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa.

Anh Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu