Người giữ lửa cho tranh dân gian Hàng Trống

Tạp chí Biển Việt Nam - Giữa nhịp sống hiện đại, nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn cần mẫn sáng tác những những bức tranh Hàng Trống với vẻ đẹp và sức hút lạ kỳ. Ông chính là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian này.

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của đất Kinh kỳ. Xưa miền Bắc có 3 dòng tranh dân gian tiêu biểu được sản xuất theo phương pháp thủ công gồm: tranh điệp Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh đỏ Kim Hoàng (Hà Tây) và tranh Hàng Trống (Hà Nội).

Tranh Hàng Trống khác biệt bởi cách làm và chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo của vùng miền. Nó là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hàng ngày và thực sự phát triển cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Ở thời kỳ hoàng kim, tranh Hàng Trống được bán ở khắp 36 phố phường: Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống… Thế nhưng đến nay, người duy nhất còn nắm trọn vẹn những bí quyết của dòng tranh này là nghệ nhân Lê Đình Nghiên – người giữ nghề cuối cùng của tranh Hàng Trống.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã có hơn 60 năm làm tranh Hàng Trống.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã có hơn 60 năm làm tranh Hàng Trống.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã có hơn 60 năm làm tranh Hàng Trống. Ông thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng, Thường Tín, sau lập nghiệp ở phố Hàng Trống (Hà Nội).

“Tôi vẽ tranh từ hồi 11, 12 tuổi. Năm 1972, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mời tới làm việc, với yêu cầu duy nhất là phục chế tranh Hàng Trống đang lưu trữ tại Bảo tàng. Từ ngày ấy, tôi không chỉ làm tranh mà còn kiêm nghề phục chế và chuyên về dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tôi vẽ, in, sửa chữa tranh theo mẫu cũ và sáng tạo ra tranh mới”, ông Nghiên chia sẻ.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn hàng ngày lặng lẽ vẽ những bức tranh đặc biệt của mình. 
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn hàng ngày lặng lẽ vẽ những bức tranh đặc biệt của mình.

Tranh Hàng Trống được vẽ với nhiều chủ đề, từ tranh thờ, tranh chơi tết cho đến tranh của các nhân vật trong truyện, tranh thế sự… Nét độc đáo của tranh Hàng Trống so với các dòng tranh dân gian khác nằm ở kỹ thuật.

“Các nghệ nhân làm tranh Hàng Trống chỉ dùng bản khắc nét được làm bằng gỗ mềm, lồng mực hoặc gỗ thị. Công đoạn vẽ màu được thực hiện sau khi in bản nét. Chỉ với 6 màu là xanh lá cây, xanh da trời, hồng, cam, vàng, đỏ điều, đen và trắng, đã tạo nên một thế giới vừa rực rỡ, vừa tương phản, gần gũi mà cũng rất uy nghiêm. Các màu đứng cạnh nhau cũng đều có luật và nguyên tắc riêng làm sao cân bằng giữa màu nóng màu lạnh đúng theo triết lý cân bằng âm dương”, ông Nghiên tiết lộ.

Màu sắc của tranh cân bằng giữa màu nóng, lạnh đúng theo triết lý cân bằng âm dương.
Màu sắc của tranh cân bằng giữa màu nóng, lạnh đúng theo triết lý cân bằng âm dương.

Tranh Hàng Trống được ưa thích bởi yếu tố văn hóa, triết lý được truyền tải trên những nét vẽ. Chúng mang hình thức tôn thờ tín ngưỡng, nội dung cầu phúc, cầu an. Đây cũng chính là lý do sau một thời gian mai một, hiện giới trẻ bắt đầu có xu hướng mua tranh Hàng Trống để trang trí trong các quán cà phê, nội thất gia đình…

Đặc biệt là sự yêu thích và nhu cầu sưu tầm, khám phá văn hoá, tín ngưỡng của những du khách nước ngoài đang là tín hiệu vui cho việc khôi phục sức sống của một dòng tranh nổi tiếng đất Kinh kỳ.

Tranh được treo khắp nơi trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Tranh được treo khắp nơi trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Có được những kết quả đáng mừng ban đầu ấy một phần là nhờ công sức kiên trì, đằng đẵng bao năm của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Mặc dù hiện nay phải “độc hành” trên con đường gìn giữ dòng tranh quý này, nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn say sưa, tâm huyết. Hàng ngày ông vẫn vẽ những bức tranh của riêng mình.

“Những lúc sức khỏe tốt, tôi mang tranh đi khắp nơi để nói chuyện, để biểu diễn cho mọi người xem. Hiện người nước ngoài và khách trong nước tìm đến tôi để mua tranh ngày một đông hơn. Thậm chí, các bạn trẻ họ hỏi tôi nhiều về tranh Hàng Trống, rồi cảm nhận sự ấm cúng của tranh mà mang về treo trong nhà. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho dòng tranh phố thị từng bị lãng quên”, ông Nghiên chia sẻ.

Trần Xuân Diệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu