Mưu sinh với nghề bẫy tôm hùm giống

Tạp chí Biển Việt Nam - Tranh thủ những ngày đầu mùa bấc, gió chưa thổi săn mạnh, bà con ngư dân làm nghề bẫy tôm hùm con lại tất bật với công việc săn tôm hùm giống.

Mùa này biển hơi động nhưng bù lại nguồn hải sản xuất hiện nhiều, đa dạng, đem lại cho bà con ngư dân Bình Thuận nguồn thu nhập tương đối khá.

Thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) có bờ biển dài 57km. Dọc theo bờ biển Phan Thiết đã hình thành nên các làng nghề đánh bắt khai thác hải sản.

Ngư dân thả lưới đánh bắt tôm hùm giống (Ảnh: Hải Long)

Vào mùa gió bấc, bà con ngư dân Phan Thiết ra khơi bằng các tàu thuyền công suất nhỏ, thường đánh bắt tuyến lộng, gần bờ. Khai thác các nghề như: câu mực, lưới ghẹ, rập xếp, thả “bóng tôm”…

Theo quy định của UBND TP.Phan Thiết, nghề “giũ tôm hùm con” hoạt động theo vùng biển kéo dài từ Mũi Né đến Tiến Thành, với 10 điểm cấm bẫy tôm hùm con. Những vùng không thuộc phạm vi du lịch thì bà con ngư dân có thể khai thác đánh bắt hải sản. Bãi thúng ven biển thuộc phường Đức Long có đa số bà con ngư dân sống tập trung ở các khu phố 3, 4, 5 hoạt động khai thác tôm hùm con trong vụ bấc với hơn 50 chiếc thúng chai.

Tôm hùm giống con (Ảnh: Hải Long)

Tranh thủ những ngày đầu mùa bấc, gió chưa thổi săn mạnh, bà con ngư dân làm nghề bẫy tôm hùm con lại tất bật với công việc săn tôm hùm giống. Ông Trần Văn Tiến, ngư dân phường Đức Long cho biết: “Vụ bấc năm nay, gió thổi mạnh, nên tôm hùm con sẽ về dày hơn. Hôm nào may mắn, giũ được chục con coi như có hơn 1 triệu đồng. Người nào nhiều vốn, chuẩn bị được nhiều dụng cụ thì khả năng thu lợi sẽ lớn hơn. Những năm qua, nghề giũ tôm mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều hộ ngư dân vùng ven biển ở Phan Thiết. Nghề giũ tôm hay còn gọi là nghề thả đùm – thả bóng tôm, chỉ khai thác tôm hùm con, một mùa duy nhất trong năm, thường bắt đầu vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch và kết thúc vào khoảng tháng 4 âm lịch của năm sau. Xong vụ, ngư dân phải gom lưới dưới biển lên đem về cất giữ, chờ đến mùa sau mang ra thả lại”.

Dụng cụ bắt tôm hùm nhí gọi là đùm, mỗi đùm chỉ một mảnh lưới màu xanh gấp lại hai ba lần thành búi dài độ 1m. Lưới đùm khá đơn giản, chỉ cần tận dụng những tấm lưới mành cũ, rách kết gấp lại hai, ba lần thành búi dài, mắc cách nhau chừng 1m và được cột vào một sợi dây triên gắn phao xốp thả trên mặt biển.

Đùm này cách đùm kia chừng 2m và được cột vào một sợi dây dài, mỗi dây kết khoảng 50 đùm. Ngư dân chèo thúng ra cách bờ khoảng hơn 20m, thả dây đã gắn đùm xuống vùng biển gần bờ và cắm các cọc để giữ sợi dây.

Với chiều dài khoảng 5 km dọc theo bờ, phao xốp nổi lềnh bềnh, phía dưới gắn đùm lưới. Những con tôm hùm con bằng cọng tăm chui vào đùm ẩn nấp, ăn sinh vật phù du để lớn. Mỗi sáng, những ngư dân chèo thúng ra biển, tháo đùm khỏi sợi dây chung rồi giũ nhẹ, bắt tôm con rơi ra, nuôi trong thùng xốp chứa nước biển, có chạy khí oxy để bán làm tôm giống.

Trong số tôm con ấy, những tôm đực, ngư dân gọi là tôm “ma” hay tôm “tề thiên”, được bán với giá rẻ. Tôm cái được nuôi cẩn thận để bán làm nguồn giống với giá cao, mỗi con đến cả trăm nghìn đồng.

Ngư dân chuẩn bị dụng cụ để thả lưới bắt tôm hùm con (Ảnh: Hải Long)

Mùa biển động, hải sản tươi khan hiếm nên giá cả có thể tăng gấp hai, ba lần so với những mùa khác trong năm. Nhiều ngư dân ở thành phố Phan Thiết đi khai thác tôm hùm con gần bờ bằng các tàu thuyền công suất nhỏ, hay thúng chai. Bên cạnh đó, bà con ngư dân đã học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi nghề từ những phương thức đánh lưới truyền thống, dùng lưới mành làm giũ tôm để khai thác tôm hùm con. Góp phần tăng thu nhập trang trải cuộc sống trong mùa bấc kéo dài.

Miền biển quê hương Bình Thuận luôn hào sảng ban tặng cho người dân nhiều chủng loại, sản vật phong phú từ ngoài biển xa đến cả trong bờ. Đỡ đần cho đời sống ngư dân vào tất cả các mùa trong năm. Nhưng bà con ngư dân cần nâng cao ý thức, tự giác khai thác đánh bắt đi đôi với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để phát triển ổn định bền vững.

Hải Long - Phi Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu