Nghị lực vươn lên của một cựu chiến binh Trường Sa
Đến thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), ngoài những bãi biển xanh, cát trắng thu hút tâm hồn mơ mộng của lữ khách, chúng tôi còn được người dân địa phương truyền tải về cái tên Nguyễn Văn Dũng, một cựu chiến binh Trường Sa – người làm dịch vụ du lịch đã và đang góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Cựu binh Nguyễn Văn Dũng (SN 1966) từng là bộ đội thông tin thuộc Phòng Tham mưu C5, Lữ đoàn 146. Trong chiến dịch bảo vệ Quần đảo Trường Sa (CQ 88), ông bị thương nặng phải trở về địa phương trong tình trạng sức khỏe chỉ còn 61%. Sau khi quay về đất liền, ông phải luyện tập không ngừng để hồi phục sức khỏe. Sau đó ông cũng mở nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống mang tên Lữ quán Thiên Phước nhằm kiếm thêm thu nhập, làm hành trang đi tìm và giúp đỡ đồng đội, con em, gia đình thân nhân các thương binh liệt sĩ.
Trò chuyện cùng ông, mặc dù chỉ qua những cuộc hội thoại ngắn nhưng vẫn thấy được phần nào lý tưởng sống, tinh thần kiên định và nghị lực phi thường, sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh của một người từng vào sinh ra tử nơi chiến trường bom đạn khói lửa.
Sau khi trở về đất liền, người cựu chiến binh phải đối mặt trước rất nhiều khó khăn. Trình độ chưa có, kinh nghiệm cũng chưa, vốn liếng càng không, gần như ông phải bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Ông chia sẻ: “Thời điểm đó đang chuyển từ bao cấp sang cơ cấu thị trường, mình phải hiểu rằng khó khăn không của riêng ai, chính bản thân từ đó cần có thái độ chủ động phấn đấu và khắc phục”.
Tâm niệm như vậy nên ông sớm rèn luyện cho bản thân thói quen sống lành mạnh, thường xuyên rèn luyện sức khỏe, cập nhật tin tức để tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức.
Từ một người lính đến người làm kinh doanh vốn là hai phạm trù khác nhau. Ông Dũng phải trải qua quá trình học tập, nghiên cứu không ngừng, tiếp thu kiến thức mới để bắt kịp nhịp sống mới, đồng thời phân tích, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu và khai thác một số tiềm năng phát triển tại địa phương mình.
Nhận thấy thành phố Nha Trang có thiên nhiên trù phú, nhiều bãi tắm đẹp thuận lợi phát triển du lịch, ông bắt đầu tích góp vốn liếng mở nhà hàng Lữ quán Thiên Phước. Đến nay, ông Dũng cũng là giám đốc của Công ty TNHH dịch vụ du lịch sinh Thái Thiên Phước.
Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, yêu cầu mở cửa hội nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế luôn là mục tiêu được chính quyền các cấp ưu tiên hàng đầu. Ngay từ thời điểm giải ngũ trở về địa phương, tuy được nhiều cơ quan, ban ngành và đoàn thể tích cực hỗ trợ, song chính bản thân người cựu binh vẫn có suy nghĩ vô cùng cấp tiến, đi đôi với nhiều hành động thiết thực, ý thức tự góp sức vào công cuộc đổi mới quê hương.
Ông tâm niệm: “Tôi thường nhắc nhở bản thân rằng, mình là người may mắn còn sống, được cái ăn cái mặc đầy đủ thì cần nghĩ đến những người đã hy sinh, kém may mắn”. Vì vậy ông Dũng thường xuyên tổ chức những buổi tri ân, hỗ trợ vốn luyến và đào tạo con em của đồng đội, thân nhân, gia đình thương binh liệt sĩ. Tạo việc làm cho họ.
Với địa phương, ông cũng tích cực tham gia hoạt động từ thiện, giúp đỡ nhiều gia đình cơ nhỡ, liên hệ với các cơ sở giáo dục và khuyến khích, động viên những tấm gương khuyến học.
Từ năm 2016 đến nay, ông đã trao tặng khoảng 1.100 ấn phẩm và sổ tay cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình phụ và phụng dưỡng mẹ liệt sĩ có con hy sinh tại đảo Gạc Ma; tặng quà cho các gia đình thương Binh, liệt sĩ, gia đình truyền thống cách mạng. Xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo neo đơn, người nhiễm chất độc màu da cam, ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài các hội đoàn thể,…
Ở người đàn ông này, có điều gì đó rất hoài niệm, thân thuộc. Chất giọng trầm, mạnh mẽ, từng trải, thứ được hun đúc nhờ sự kỷ luật, cầu tiến, ý chí phấn đấu vươn lên vượt qua nghịch cảnh. Một tinh thần tràn đầy sức sống và chuẩn mực, đem lại nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ.