40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022):

Gieo chữ nơi đảo tiền tiêu: Ươm mầm từ phong ba

Tạp chí Biển Việt Nam - Lời tòa soạn: Tạp chí Biển Việt Nam khởi đăng loạt bài viết những tấm gương, hình ảnh, câu chuyện lay động về tinh thần vượt khó vươn lên, đạt kết quả tốt trên hành trình gieo chữ, trồng người tại các đảo xa. Từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo Tổ quốc của thế hệ trẻ cũng như người dân địa phương; tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc ở tiền tiêu.

Từ cảng Cửa Việt, tàu vận chuyển cao tốc đưa đoàn khách “thập cẩm” đến với đảo Cồn Cỏ – cũng chính là huyện đảo được thành lập vào năm 2004 – của tỉnh Quảng Trị.

Theo tài liệu của huyện đảo mà chúng tôi đọc trước khi lên đường thì Cồn Cỏ là hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam và có vị trí đặc biệt: là điểm phân chia Vịnh Bắc Bộ – cửa ngõ phía nam của Vịnh Bắc Bộ. Đảo nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, cách đất liền từ 13 đến 17 hải lý, với tổng diện tích tự nhiên 230 ha.

Một góc huyện đảo Cồn Cỏ (Ảnh: T.L)

Từ thế kỷ thứ XVII – XVIII, cư dân Đại Việt đã coi Cồn Cỏ là một điểm dừng trên con đường giao thương. Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Cồn Cỏ có vị trí quan trọng về quân sự; là vọng gác tiền tiêu, con mắt thần án ngữ Biển Đông.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của giáo dục của Đất nước. Người chỉ rõ, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục; dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức.

Với thời tiết đặc trưng ở Trung Bộ chia 2 mùa mưa nắng rõ rệt, đất tự nhiên ít, dân số ít, nên Cồn Cỏ đang sở hữu những nét rất riêng.

Mà giáo dục là một trong những câu chuyện đặc biệt ấy. Bởi cả huyện đảo chỉ có 1 lớp học mầm non. Lại là lớp ghép cho độ tuổi từ 1 đến 6. Tổng sĩ số vỏn vẹn 12 cháu. Huyện cũng chưa có Phòng Giáo dục và Đào tạo, nên trường lớp trực thuộc Phòng Kinh tế – Xã hội.

Tình nguyện ra đảo

Tàu cập bến đảo, chúng tôi đến Trường mầm non – tiểu học Hoa Phong Ba. Ngôi trường kiên cố đầu tiên tại huyện đảo được xây dựng cách đây mấy năm từ sự hỗ trợ, kết nối, đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng công ty cổ phần khoan và dịch vụ khoan dầu khí.

Trường có chức năng đào tạo cả bậc tiểu học nữa, nhưng vì không đủ học sinh nên chỉ dạy học mầm non. Học sinh quá tuổi sẽ vào đất liền ở với ông bà, cô dì chú bác để theo học tiểu học.

Và bao năm qua, từ ngôi trường 1 lớp học này, nhiều câu chuyện cổ tích được những người con đất lửa Quảng Trị ươm mầm bền bỉ.

Một trong những người đang viết tiếp câu chuyện ấy là cô giáo Nguyễn Thị Bé (SN 1990, quê xã Trung Nam, H.Vĩnh Linh).

Lấy cảm hứng từ việc cha đẻ là bộ đội chiến đấu bảo vệ đảo trước đây nên năm 2017, khi biết huyện đảo thiếu giáo viên, Bé đã viết đơn tình nguyện xin ra đảo và được chấp nhận.

Cô giáo Bé cùng học trò của mình trong ngày vui tết Thiếu nhi (Ảnh: T.L)

Lần đầu tiên cô giáo trẻ đơn thân đặt chân lên đảo với bao bỡ ngỡ. Đó là những ngày tháng khó khăn. Điện sáng chưa có 24/24, cả đảo phải dùng nước mưa nên rất tằn tiện. Mùa hè thiếu nước thì trung tâm dịch vụ sẽ bơm nước mưa dự trữ hoặc bơm nước lợ cho dùng. Đôi khi nước lọc được gửi từ đất liền ra nhưng không được nhiều.

Đảo xa vắng vẻ, thiếu thốn. Vào mùa mưa, có lúc khiến cho con người buồn đến nao lòng. Buổi ngày, cô giáo Bé có lớp học, có các cháu nhỏ làm điểm tựa; nhưng khi đêm về, nỗi trằn trọc, day dứt cứ xâm lấn. Không ít lần, người con gái trẻ tựa bậu cửa, nhìn xa xăm ra biển cả mênh mông. Loáng thoáng trong tâm trí cô ước mong có 1 con đường, chỉ để chạy ùa về quê nhà với bố mẹ thân thương.

Riết rồi cũng quen, gia đình động viên và sự hồn nhiên tíu tít của lũ trẻ mặn mòi đã gieo vào hơi thở Bé theo từng nhịp đập xứ đảo.

Sự chân tình của các cô giáo đã chiếm được tình cảm của người dân và học trò (Ảnh: T.L)

“Đảo nhỏ, dân ít nên chị em, phụ huynh sống tình cảm lắm. Cô xem trò như con cái mình vậy. Phụ huynh, các cháu đều mến cô. Ngày ở lớp với cô, tối quanh quanh đó nên cũng gặp cô. Quen rồi thấy bình yên”, Bé bày tỏ.

Tình cảm đong đầy của cư dân khiến cô giáo như bén rễ, muốn gắn bó với đảo. Đặc biệt khi mối tình của cô với anh chàng bộ đội công tác tại Trạm ra đa hải quân 540 Trần Hoàng Nam kết duyên vào năm 2019, thì mong muốn ổn định lâu dài tại đảo của cô giáo lớn hơn bao giờ hết.

Cả hai đều từ đất liền ra đảo công tác, họ gặp nhau qua những lần tham gia các hoạt động Đoàn. Nay hai người đã có với nhau 1 cháu trai gần 3 tuổi và Bé cũng đang mang thai người con thứ. Gia đình nhỏ của cô đang sống nhờ trong 1 ngôi nhà của huyện ở khu dân cư thanh niên.

Hai vợ chồng cô giáo Bé và bộ đội Trần Hoàng Nam đang cùng nhau xây tổ ấm trên đảo (Ảnh: T.L)

Gặp Bé khi cô đang trên tàu từ đất liền trở ra lại đảo. Những cơn sóng tròng trành chao đảo khiến cô thấm mệt. Chẳng thể đếm nổi Bé đã theo tàu này bao nhiêu lần, qua bao nhiêu bận say sóng. Nhưng tình yêu với Cồn Cỏ ngày càng lớn lên trong cô giáo, để đến nỗi, vào đất liền vài ba ngày lại nôn nao nhớ đảo nhỏ.

Cô giáo cũng có một điều lo lắng là nhỡ mai này chồng phải chuyển đơn vị thì gia đình sẽ gặp khó khăn vì lâm vào tình cảnh vợ chồng con cái mỗi người mỗi nơi. Vì đứa đầu cũng phải vào đất liền học lớp 1.

Dựng xây tương lai

Tuy nhiên, đó không phải là những trăn trở lớn nhất đối với cô giáo Bé; mà những khó khăn cách trở, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các cháu nhỏ mới chính điều cô đau đáu.

Cô giáo Bé chia sẻ: “Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất cũng được quan tâm nhưng vì xa đất liền nên nhiều cái cần cũng khó có thể mua ngay được trong quá trình giảng dạy, mà phải đợi tàu bè có đã. Tàu thì 1 tuần sẽ có 2 chuyến nhưng phụ thuộc vào thời tiết. Mùa đông có tuần không có chuyến nào, nếu biển động kéo dài. Mùa hè tàu thuyền nhiều, việc gửi thức ăn để cho các con ăn bán trú dễ hơn, nhưng mùa đông các cô phải tăng gia thêm và phải mua thức ăn dự trữ. Vì có lúc biển động nửa tháng trời sẽ không có thức ăn để phục vụ ăn bán trú cho các con”.

Dù khó khăn nhưng các giáo viên và học sinh nhỏ Cồn Cỏ vẫn miệt mài dạy học, ươm mầm tương lai (Ảnh: C.L)

Thêm vào đó, vì lớp ghép nên soạn 1 giáo án cho các độ tuổi. Từ đó việc dạy học cũng gặp khó khăn. Vừa phải dạy các bạn lớp lớn, song song với việc chăm sóc các bạn nhỏ 1 – 2 tuổi.

“Các hộ dân ra sinh sống lập nghiệp ở đảo chủ yếu làm nghề biển. Nên chúng em cũng tạo điều kiện nhận trẻ độ 1 tuổi để bà con đi làm nghề, yên tâm bám biển sản xuất. Qua công tác giảng dạy, em thấy trẻ ở đảo cũng chậm hơn các bạn cùng trang lứa ở đất liền. Các cháu ngày ở trường, tối về với ba mẹ, không có khu vui chơi, không có môi trường tiếp xúc như bác bạn ở đất liền. Môi trường tiếp xúc của trẻ còn hạn chế nên việc hiểu biết của trẻ cũng kém hơn”, cô giáo Bé tâm sự.

Ông Võ Viết Cường, Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ: “Do điều kiện tự nhiên nên mặc dù được quan tâm, đầu tư nhưng công tác dạy học ở huyện đảo Cồn Cỏ vẫn còn nhiều gian khó. Các cô giáo mầm non thực sự là tấm gương sáng, có nhiều đóng góp lớn trong giáo dục và kinh tế – xã hội của địa phương”.

Ý chí quyết tâm của các thế hệ giáo viên ở Cồn Cỏ nó mạnh mẽ, trường tồn như loài hoa Phong Ba trên đảo, như chính tên gọi của ngôi trường (Ảnh: C.L)

Ai đó nói rằng, có sức người sỏi đá cũng thành cơm! Vì thế, trên gương mặt của các cô giáo như Nguyễn Thị Bé, Võ Thị Vân Oanh luôn rạng rỡ nụ cười, niềm lạc quan phía trước. Khó khăn thì cùng nhau vượt, rồi cũng sẽ qua.

Như việc các cô cố gắng học hỏi thêm và tập cho các cháu lớn viết chữ, thuộc chữ cái, số, tính toán cộng trừ cơ bản… Chuẩn bị hành trang cơ bản cho các cháu vào đất liền học lớp 1, nơi phải xa ba mẹ và môi trường lạ lẫm.

Sẽ không quá khi nói rằng, thế hệ tương lai bám giữ, dựng xây Cồn Cỏ đang được ươm mầm từ những bàn tay cô giáo trẻ. Mai này, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Cồn Cỏ, sẽ giàu nghị lực, mạnh mẽ, vững chãi, trường tồn trước mưa bão miền Trung như loài hoa Phong Ba. Hai người con của vợ chồng cô giáo Bé cũng vậy, chúng sẽ tự hào bởi được ươm mầm từ đảo nhỏ tiền tiêu! (còn tiếp)

Cao Lãng


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu