Nam Định: “Vươn cánh” bên bờ biển Đông

Tạp chí Biển Việt Nam - Vùng ven biển của tỉnh Nam Định gồm 3 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu) với 80 xã, thị trấn (trong đó 19 xã, thị trấn giáp biển). Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 724km2, bằng 43% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 600 nghìn người chiếm khoảng 34% dân số toàn tỉnh. Vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn góp phần đưa Nam Định vươn cánh bên bờ biển Đông.
Vẻ đẹp thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy (Nam Định) nơi dừng chân của chim mỏ thìa mặt đen và các loài chim vào mùa di cư.

Thiên nhiên ưu đãi

Tỉnh Nam Định nằm ở cực Nam châu thổ sông Hồng, phía Tây Bắc giáp Hà Nam, phía Đông Bắc giáp Thái Bình, phía Tây Nam giáp Ninh Bình, phía Đông Nam giáp biển Đông. Tỉnh Nam Định có bờ biển dài 72Km, có 4 sông chính là sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ và sông Sò cùng đổ ra biển Đông theo bốn cửa sông gồm Ba Lạt, cửa Đáy, cửa Ninh Cơ và cửa sông Hà Lạn. Địa hình khu vực ven biển và tuyến mặt nước tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình khoảng 1m. Ngoài biển phía Đông Bắc có các cồn cát như cồn Ngạn, cồn Lu, cồn Mờ dài trên 20km.
Tháng 12/2004 UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng, đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ ba của Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng có tổng diện tích là 105.557 ha phân thành ba phân khu với chức năng vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Trong đó tỉnh Nam Định có vườn quốc gia Xuân Thủy với tổng diện tích 15.100 ha gồm 7.100 ha vùng lõi và 8.000 ha nằm trong vùng đệm.
Cấu trúc địa lý đặc biệt đã đưa Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ trở thành một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Nhờ có hệ sinh thái độc đáo nên Vườn quốc gia Xuân Thủy là điểm dừng chân của nhiều loài chim biển, trong đó thường xuyên xuất hiện những loài có tên trong sách đỏ quốc tế như: rẽ mỏ thìa, cò thìa, choắt mỏ thìa, mòng biển mỏ ngắn, bồ nông, choắt chân màng lớn, cò lạo Ấn Độ, choắt mỏ vàng, cò trắng Trung Quốc.
Theo thống kê của các nhà khoa học, ở khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy có 219 loài chim thuộc 41 họ 13 bộ. Hàng năm vào tháng 11, tháng 12, đàn chim từ phương Bắc di cư xuống phía Nam tránh rét đã chọn Vườn quốc gia Xuân Thủy làm điểm dừng chân, nghỉ ngơi, kiếm ăn để tiếp tục tích lũy năng lượng cho hành trình dài hàng ngàn cây số của mình. Vào lúc cao điểm, Vườn quốc gia Xuân Thủy được ví như một “ga” chim quốc tế với gần 40 ngàn loài.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Giao Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Tập trung phát triển kinh tế biển trên cơ sở đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực, là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh. Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương, nhất là các xã, thị trấn ven biển, bám sát Kế hoạch số 561/KH-UBND ngày 12/4/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Chỉ đạo các xã, thị trấn ven biển tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của từng xã, thị trấn (nhất là 5 xã thuộc vùng đệm VQG Xuân Thủy là: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải) và sự liên kết trong vùng nhằm phát triển nhanh, bền vững với các lĩnh vực mũi nhọn và đột phá, đó là: nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch biển.
Cầu vượt sông Hồng nối tuyến đường bộ ven biển Nam Định đi Thái Bình do nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh xây dựng – “Niềm ước mơ bao đời của người dân nơi đây”.

Phát triển bền vững kinh tế biển

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành kế hoạch và tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết đến đội ngũ báo cáo viên từ cấp tỉnh đến cơ sở; chỉ đạo Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là khu vực ven biển đã xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 36- NQ/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, tạo được sự đồng thuận cao và huy động được sức mạnh nhân dân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đã đề ra.
Trong thực hiên mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển thì Nam Định phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển. Tỉnh Nam Định có gần 91 km đê biển, qua 3 huyện: Hải Hậu (33,179 km), Nghĩa Hưng (26,325 km), Giao Thuỷ (31,161 km). Phần lớn bờ biển Nam Định thuộc vùng biển lấn, bãi thoái nghiêm trọng, trong số 90,665 km đê biển có khoảng trên 50 km đê đi qua khu vực nền cát, đất đắp đê là cát và cát pha. Khoảng 45 km đê trực diện với biển, phía trong đồng là thùng đào; đê thường xuyên chịu tác động gây hại của sóng do triều cường, gió mạnh, áp thấp nhiệt đới và bão. Đến nay, đã cứng hoá được 88,17 km chống được bão cấp 10, triều trung bình, còn lại chống được bão cấp 9.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai một số dự án giao thông trọng điểm: Dự án “Xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định”; Dự án “Xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình”; Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) trên địa bàn tỉnh Nam Định, trong đó có công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang và cụm công trình kênh đào nối sông Đáy và Ninh Cơ; đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh. Ngày 24/12/2022 khởi công xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển giảm tải cho QL21, QL21B và QL37…; xây dựng mới cầu Ninh Cường kết nối thông suốt QL 37B, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường thủy.
Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước là công cụ quản lý trên các tỉnh trên các lĩnh vực, tỉnh Nam Định đang tích cực đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp các lĩnh vực. Các đồ án quy hoạch nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế ven biển đã có quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu – Giao Thủy, Nghĩa Hưng – Ý Yên, Nam Trực – Trực Ninh quy hoạch các đô thị ven biển, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành các trung tâm kinh tế biển như quy hoạch chung các đô thị: Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông, khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông, khu vực bãi bồi huyện Nghĩa Hưng, thị trấn Liễu Đề, Ngô Đồng, Cồn, Yên Định; quy hoạch 01 cảng biển chuyên dùng có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 300.000 DWT. Các đồ án quy hoạch được lập theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, địa hình tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định, lãnh đạo Tập đoàn Xuân Thiện cùng các đại biểu tại Lễ khởi công dự án nhà máy bê tông đúc sẵn thuộc tổ hợp dự án nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nam Định.

Đất lành Chim đậu

Quán triệt các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định việc tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển; sớm hình thành đô thị Rạng Đông, Thịnh Long và khu kinh tế ven biển Nghĩa Hưng thành trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang lớn của miền Bắc.
Giai đoạn 2018 – 2021, khu vực ven biển của tỉnh đã thu hút được 75 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó, có 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn), với tổng vốn đăng ký khoảng 101.822,9 tỷ đồng và 339,4 triệu USD. Đến nay, một số dự án quy mô lớn đã hoàn thành, đưa vào hoạt động như: Dự án Xây dựng xưởng sản xuất đồ chơi, trò chơi, linh kiện điện tử, đồ điện dân dụng, cấu kiện kim loại, với tổng vốn đầu tư 67,5 tỷ đồng; Dự án Xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho hàng hóa và dịch vụ đóng gói các sản phẩm nội thất, với tổng vốn đầu tư 42,4 tỷ đồng; Dự án Xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây dược liệu với tổng vốn đầu tư 28,21 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất giày xuất khẩu Golden Victory với tổng vốn đầu tư là 32,0 triệu USD; Dự án Xây dựng nhà máy Nice Power với tổng vốn đầu tư là 21,9 triệu USD. Một số dự án đang được triển khai thực hiện: Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định, với tổng vốn đầu tư là 88.000 tỷ đồng; Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, với tổng vốn đầu tư là 10.000 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định với tổng vốn đầu tư là 900 tỷ đồng; Dự án Công ty TNHH Top Textiles tại KCN Dệt may Rạng Đông với tổng vốn đăng ký đầu tư là 203 triệu USD.
Kết quả đầu tư của các dự án đã góp phần gia tăng năng lực sản xuất cho các ngành, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội và tăng thu ngân sách, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo của người dân ven biển.

“Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Tỉnh ủy Nam Định đã xác định thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của vùng ven biển đối với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 là xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tậm là phát triển công nghiệp, đô thị. Thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản.
Đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Mạnh Tùng - Thanh Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu