Xây dựng môi trường văn hoá ở Lữ đoàn 162
Một góc quang cảnh Lữ đoàn 162.
Xây dựng môi trường văn hóa ở Lữ đoàn tàu chiến đấu 162 bao gồm tổng thể các hoạt động có mục đích, có kế hoạch của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị, các tổ chức, các lực lượng và hoạt động tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của cán bộ, chiến sỹ nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng, niềm tin, ý chí, hành vi, nuôi dưỡng và hoàn thiện những phẩm chất văn hóa của quân nhân cách mạng, người chiến sĩ Hải quân, được thể hiện cụ thể ở sự giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lòng yêu nước nồng nàn “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và được đơn giản hóa ở câu nói: Tàu là nhà, biển cả là quê hương.
Xây dựng môi trường văn hóa ở Lữ đoàn tàu chiến đấu 162 có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi vì, sức mạnh chiến đấu là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng xét đến cùng, con người là yếu tố quyết định, mà việc xây dựng, hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng lại do môi trường văn hóa quyết định. Trong nhân tố con người thì yếu tố chính trị – tinh thần có một vai trò đặc biệt.
CBCS Lữ đoàn 162 thả đèn hoa đăng tri ân các AHLS.
Quán triệt và thực hiện Chỉ thị 143/CT, ngày 12/5/1992, của Tổng cục Chính trị, Về thực hiện cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội, trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển, Lữ đoàn 162 luôn coi trọng, xem việc xây dựng môi trường văn hóa, trở thành nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Lữ đoàn vững mạnh về chính trị, tạo sức mạnh tổng hợp và động lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tổ chức quán triệt đến bộ đội ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, là yếu tố quan trọng để xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sỹ, góp phần trực tiếp xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Lữ đoàn vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh. Phòng Chính trị đã phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn về nội dung, hình thức, phương pháp triển khai tổ chức thực hiện; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, động viên cán bộ, chiến sỹ đề cao ý thức trách nhiệm, phát huy tinh thần tự lực, tự cường tiến hành các hoạt động văn hóa cụ thể, thiết thực gắn liền với quá trình học tập, công tác, rèn luyện xây dựng đơn vị. Đồng thời, Lữ đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương trên địa bàn, tổ chức thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đoàn viên thanh niên Lữ đoàn 162 trưng bày các sản phẩm trong Đại hội Đoàn.
Kết quả nổi bật là, Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng môi trường văn hóa đi vào nền nếp, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cụ thể: Duy trì, phát triển phong trào tập thể Quân nhân phấn đấu, rèn luyện xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sỹ Hải quân” thời kỳ mới. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, nội dung bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 gắn với việc kiểm điểm và đề ra chương trình hành động của cấp ủy. Trên cơ sở các tiêu chuẩn xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội và 6 đặc trưng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ- Người chiến sỹ Hải quân”, cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt sâu sắc các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị…; Lữ đoàn có đời sống văn hoá tinh thần tốt đẹp, lành mạnh, phong phú, đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội được cải thiện rõ nét. Hoạt động phòng Hồ Chí Minh thường xuyên duy trì có nền nếp; môi trường sinh thái, môi trường cảnh quan doanh trại đơn vị xanh, sạch, đẹp, nền nếp chính quy; Chủ động đấu tranh chống ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa văn nghệ xấu độc, các tệ nạn xã hội thâm nhập vào đơn vị, cổ vũ, biểu dương cái tốt, cái đẹp, phê phán và lên án cái xấu, cái ác, cái lạc hậu. Qua đó, đã tạo được môi trường văn hóa lành mạnh, giàu tính giáo dục, cán bộ chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tận trung với nước, với Đảng, với chế độ XHCN, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc…; Xây dựng và thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết quân dân, hy sinh quên mình vì nhân dân, là niềm tin, chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế, xã hội trên các vùng biển, đảo. Đặc biệt là thông qua các chương trình: Tuyên truyền biển, đảo, tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực ở tỉnh Lâm Đồng và các địa phương, đơn vị kết nghĩa; Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” tại tỉnh Bình Định… không những góp phần tăng cường mối quan hệ quân – dân mà còn lan tỏa, thấm sâu và làm ngời sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
CBCS Lữ đoàn 162 tặng cờ tổ quốc cho ngư dân Bình Định.
Với cách làm rất sáng tạo, Cuộc Vận động được triển khai bằng nhiều hình thức, tổ chức, phương pháp hoạt động phong phú, đa dạng. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã lồng ghép việc xây dựng môi trường văn hóa với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, nhất là trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: “Phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ huấn luyện”, “Huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao”,… Thực tiễn qua các cuộc diễn tập, bắn đạn thật đều đạt khá giỏi, đặc biệt trong tham gia Hội thao quân sự quốc tế 2021 tại Liên bang Nga, đội tuyển “Cúp biển” của Lữ đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đứng thứ 2 toàn đoàn. Trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại Quốc phòng, Lữ đoàn tổ chức biên soạn cẩm nang những quy định về công tác đối ngoại để bộ đội hiểu sâu sắc hơn về đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; văn hóa, truyền thống của nước bạn, những quy định đối ngoại…; một số nội dung cơ bản về chủ quyền biển đảo của Việt Nam (bằng tiếng Trung và tiếng Anh) sẵn sàng tuyên truyền cho bạn hiểu về cơ sở lịch sử, pháp lý chủ quyền biển đảo của ta. Qua đó góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị của Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ quốc tế, nhất là với các nước láng giềng, cùng nhau xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị.v.v…
Kiểm tra đội ngũ sỹ quan thường kỳ.
Những năm tới, đất nước tiếp tục hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, trong khi đó, mặt trái cơ chế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống; Các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, chống phá ta quyết liệt dưới nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi; Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp; Nhiệm vụ xây dựng Lữ đoàn cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại tiếp tục đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn, do đó, việc tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây cũng là yêu cầu cốt lõi của xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội, gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đảng ủy Lữ đoàn xác định: Tập trung đưa Cuộc Vận động đi vào chiều sâu, làm chuyển biến căn bản đời sống văn hoá, tinh thần của bộ đội. Tập trung xây dựng con người trong các cơ quan, đơn vị; không ngừng bồi đắp phẩm chất cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ – Người chiến sỹ Hải quân” cho cán bộ, chiến sỹ; 100% cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị, niềm tin, ý chí quyết tâm, nêu cao lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; không có trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Để đạt mục tiêu, yêu cầu trên, Lữ đoàn tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội.
Đoàn viên thanh niên Lữ đoàn 162 tham gia hoạt động thể thao.
Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy phải phấn đấu thực hiện, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng văn hóa của Đảng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sỹ, không ngừng bồi đắp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sỹ Hải quân” trong tình hình mới. Nội dung tuyên truyền tập trung vào quan điểm của Đảng về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, các chỉ thị, quy định và quy chế về “xây dựng môi trường văn hóa”, “tiêu chuẩn đơn vị có môi trường văn hóa”, những giá trị và truyền thống văn hóa tiêu biểu của dân tộc, quân đội, Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, tinh thần yêu nước, yêu biển, đảo, lòng thương người, chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo
Hai là, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy, phát huy vai trò của cơ quan chính trị trong xây dựng môi trường văn hóa.
Hằng năm, cấp ủy các cấp cần xác định rõ mục tiêu, chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xây dựng chương trình hành động sát đặc điểm, tình hình của từng Hải đội, tàu. Trong đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng môi trường văn hóa với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sỹ Hải quân”; Nghị quyết 847-NQ/QUTW về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân”, đồng thời, gắn kết với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương để tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã xác định.
Trong triển khai, các đơn vị cần coi trọng gắn kết giữa thực hiện các tiêu chí xây dựng “Đơn vị văn hóa” với đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”; giữa bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị với xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật ở đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những đơn vị làm tốt, mô hình hiệu quả để phát huy và nhân rộng; chấn chỉnh kịp thời những nơi làm chưa tốt, những biểu hiện hình thức, hiệu quả thấp; đồng thời, phê phán nhận thức lệch lạc, thiếu trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa.
Ba là, Xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó phát huy dân chủ trong từng đơn vị.
ĐVTN Lữ đoàn 162 hăng hái trong ngày thứ 7 tình nguyện.
Mối quan hệ giữa cán bộ, chiến sỹ có tốt đẹp thì mới tạo nên môi trường văn hóa tốt đẹp. Một tập thể có mối quan hệ thuận hòa, với những tình cảm tích cực, dựa trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ chung sẽ góp phần tăng cường đoàn kết trong đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhân cách, năng lực của cán bộ, chiến sỹ. Do đó, cần hướng mọi người xây dựng mối quan hệ, tình đồng chí đoàn kết, gắn bó, nhân văn, giúp nhau cùng tiến bộ. Trong quá trình này. Cần phát huy tính dân chủ trong các hoạt động của đơn vị, mọi người đều được bày tỏ ý kiến; tôn trọng và bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Đó là tình thương yêu đồng chí, đồng đội, là kỷ luật nghiêm minh và tự giác, tác phong chính quy.
Bốn là, Tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hoạt động văn hóa, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các thiết chế văn hóa trong xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú.
Trong tổ chức thực hiện, cần phát huy vai trò của tổ chức quần chúng, nhất là đoàn viên, thanh niên, lấy chi đoàn làm nòng cốt để xây dựng các mô hình cho phù hợp với thực tiễn hoạt động. Tổ chức tốt các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa theo kế hoạch đã được xác định; đa dạng hóa các mô hình hoạt động trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, nhất là hai ngày nghỉ cuối tuần như hoạt động: văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí; khắc phục biểu hiện hình thức, đối phó, đường mòn, lối cũ. Thường xuyên kiện toàn, củng cố các thiết chế văn hóa, như phòng Hồ Chí Minh, phòng sinh hoạt chung, thư viện, phòng truyền thống.