Phú Quý-Bình Thuận: Phát triển kinh tế biển gắn với chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia
Nằm trong khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt về quốc phòng – an ninh của tỉnh Bình Thuận nói riêng và miền Trung nói chung, vì vậy việc phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc được tỉnh Bình Thuận đặc biệt chú trọng. Cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 65 của Tỉnh ủy về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, huyện luôn chú trọng lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ biên giới quốc gia.
Theo thống kê của tỉnh Bình Thuận, tại thời điểm này toàn huyện đảo Phú Quý có 15 tàu vận tải, trong đó có 5 tàu vận tải hành khách, 7 tàu vận tải hàng hóa, 3 tàu dầu cùng 1.560 tàu cá, 80 tổ thuyền đoàn kết, 1 trung đội dân quân biển, 1 nghiệp đoàn nghề cá. Đây là các lực lượng thường xuyên có mặt tại vùng biển khơi, vừa khai thác, thu mua hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngoài ra, tại Phú Quý nhiều công trình neo đậu tránh trú bão cho các tàu cá được xây dựng như cảng lưỡng dụng có trọng tải 1.000 tấn với sức chứa khoảng 150 tàu cá và sắp tới đây là công trình tránh trú bão cấp vùng, có thể đáp ứng cho khoảng 1.000 tàu cá có công suất đến 600CV của Bình Thuận và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản trên ngư trường vùng biển Nam Trung bộ, quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 cùng vào neo đậu tránh trú bão.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục phấn đấu hơn nữa để xây dựng huyện đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, chế biến và dịch vụ nghề cá, trung tâm thương mại về xuất khẩu hải sản của tỉnh. Phú Quý sẽ là điểm du lịch sinh thái biển, nơi nghỉ dưỡng, khám phá lý tưởng trong các tour du lịch của tỉnh và khu vực, đồng thời là một điểm tựa hậu cần vững chắc cho huyện đảo Trường Sa.