Biển Quảng Bình, nơi của những thiên đường nghỉ dưỡng

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngoài hệ thống hang động kỳ bí, huyền ảo thì biển Quảng Bình cũng là nơi hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với đường bờ biển dài, những dải cát trắng mịn và làn nước trong xanh tạo cho biển Quảng Bình một khung cảnh bình yên, nên thơ.

Tiềm năng dồi dào

Quảng Bình có đường bờ biển dài hơn 116 km, từ đó hình thành nhiều khu vực dân cư ven biển, nhiều trung tâm văn hóa như thành phố biển Đồng Hới, làng biển Cảnh Dương, Lý Hòa, Nhân Trạch, Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy… Đường bờ biển đẹp và chạy dài từ trung tâm thành phố kết nối tới các huyện trong tỉnh, đó là một lợi thế không phải nơi nào cũng có được. Nhờ đó, đã thu hút được lượng lớn khách du lịch đến tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức hải sản, tạo cho khách du lịch có nhiều sự lựa chọn, giảm được áp lực lên các điểm du lịch tập trung quá đông khách.

Sau thời gian bị chững lại bởi dịch Covid-19, du lịch Quảng Bình đã có những bước chuyển mình và phục hồi mạnh mẽ. Nhiều điểm đến được đầu tư để mở rộng quy mô dịch vụ và nhiều điểm đến mới được ra mắt. Theo Sở du lịch Quảng Bình, trong năm 2023, ngành du lịch tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình có xu hướng tăng lên qua các tháng.  Khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau và chiếm phần lớn là khách từ thị trường Anh, Úc, Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc…

Du khách trải nghiệm trên bãi biển ở Đồng Hới.

Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2023 dự ước đạt khoảng 4.510.000 lượt khách, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 128,86% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, khách nội địa ước đạt 4.392.000 lượt khách, gấp 2,11 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 129,18% so với kế hoạch; khách quốc tế ước đạt 118.000 lượt khách, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 118% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt khoảng 5.096,3 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 128,86% so với kế hoạch năm 2023.

Toàn tỉnh hiện có 532 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 8.475 phòng, 16.200 giường; gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Cơ sở hạ tầng du lịch ven biển vẫn là nơi có khu nghỉ dưỡng đạt các tiêu chuẩn cao nhất tỉnh. Ngay cả lao động trong ngành du lịch, lao động du lịch biển cũng chiếm tỷ lệ cao nhất.

Theo Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố Đồng Hới, hiện Ban quản lý trên 80 hộ kinh doanh dịch vụ tại bãi biển Nhật Lệ, Bảo Ninh với đa dạng các loại hình như ẩm thực biển; nghỉ dưỡng, tắm tráng nước ngọt; giải khát; beach bar; thức ăn nhanh; trông giữ xe; trò chơi trẻ em…. Trong 2 năm trở lại đây, mô hình kinh doanh beach bar được đầu tư đưa vào hoạt động đã thu hút đông đảo du khách, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu giới trẻ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại bãi biển. Năm 2023, tại các điểm beach bar đã tổ chức thêm chương trình âm nhạc hằng tuần, tạo được ấn tượng lớn đối với du khách, đem đến không gian âm nhạc lãng mạn ngay tại bãi biển Nhật Lệ, tạo không khí sôi động, náo nhiệt cho bãi biển vào buổi tối.

Trong năm 2023, Ngân hàng thế giới cùng với Ban Quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới phối hợp với Ban Quản lý dịch vụ công ích đã triển khai xây dựng nhà vệ sinh ngầm hiện đại đặt tại bãi biển Nhật Lệ và bãi biển Bảo Ninh để phục vụ tốt người dân và du khách. Ban quản lý củng đầu tư các khu nghệ thuật trang trí tạo điểm nhấn tại bãi biển Nhật Lệ và Bảo Ninh: Khu nghệ thuật Đồng Hới chào xuân tại quảng trường biển Bảo Ninh chào mừng xuân Quý Mão 2023; khu nghệ thuật Đồng Hới – Hoa hồng và biển tại bãi biển Nhật Lệ chào mừng Tuần Văn hóa – Du lịch Đồng Hới 2023, phục vụ khách tham quan, chụp hình trong dịp hè.

Quảng trường biển Bảo Ninh.

Cần tạo sự liên kết và đa dạng sản phẩm

Nhận biết tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch biển-đảo, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như dự án mở rộng nhà ga T2 sân bay Đồng Hới, dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3…; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch, gắn với việc ban hành các cơ chế chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch biển. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tỉnh đẩy mạnh với một số hoạt động nổi bật như: truyền thông, quảng bá du lịch Quảng Bình trên các nền tảng số, kênh số, báo điện tử, tạp chí chuyên ngành với hình thức phong phú, nội dung thu hút, chuyên biệt đối với từng thị trường khách du lịch, nhất là các thị trường mục tiêu ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỉnh chú trọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch tỉnh triển khai các hoạt động liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch với các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Nam và Bình Định, khu vực Đông Bắc Bộ và Tây Nguyên, khối liên kết các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh/thành phố là trung tâm du lịch lớn trong và ngoài nước theo các kế hoạch hợp tác, liên kết. Đẩy mạnh công tác hợp tác đầu tư, xúc tiến du lịch, nghiên cứu sản phẩm du lịch thông qua các sự kiện như hội nghị liên kết quảng bá xúc tiến, ngày hội văn hóa, hội chợ du lịch, famtrip.

Các dự án khách sạn, nhà nghỉ, homestay ven biển được thu hút đầu tư. Một số dự án đầu tư cơ sở lưu trú cao cấp đã hoàn thành hoặc đang hoàn tất công tác xây dựng như: Fusion Resort, Dolce Peninsula Quảng Binh, Wyndham Quang Binh Beach and Resort…

Khu vực biển được trang trí bắt mắt trong những dịp lễ tết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch biển Quảng Bình được cho rằng chưa xứng đáng với tiềm năm của địa phương. Một số bãi biển đẹp và tiềm năng ở trong tỉnh vẫn trong giai đoạn kêu gọi được đầu tư như: Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Quảng Trạch, khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Tân Hòa – Lệ Thủy, khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Thanh Trạch – Bố Trạch, khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Quảng Thọ – Ba Đồn, khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Hải Ninh, khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Đá Nhảy – Bố Trạch.

Theo Sở du lịch Quảng Bình, là một tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng nội lực về kinh tế chưa cao, việc huy động các nguồn lực, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch trong nước và nước ngoài còn gặp khó khăn. Môi trường cạnh tranh cùng sự thay đổi trong thị hiếu và nhu cầu của khách hàng đã đặt ra yêu cầu nhanh chóng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyển đổi phương thức marketing, quảng cáo đối với các doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, vẫn đang khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thị trường khách du lịch đến Quảng Bình chủ yếu tập trung ở một số thị trường mục tiêu. Số lượng khách du lịch từ các thị trường khách tiềm năng ở trong và ngoài nước đến Quảng Bình chưa nhiều. Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch cần tiếp tục được đầu tư hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu xu hướng phát triển du lịch trong tình hình mới như đầu tư các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm, trạm dừng chân trên các tuyến đường, các tuyến đường kết nối các trung tâm du lịch trong tỉnh…

Quảng Bình cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch biển để thu hút du khách.

Mặc dù đã tăng lên nhưng các loại hình sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn chưa đa dạng, phong phú, thiếu các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm lớn có khả năng thu hút được số lượng lớn khách du lịch, các dịch vụ du lịch về đêm. Theo các nhà quản lý và các chuyên gia, Quảng Bình cần phải nhận thức rõ, phát triển du lịch biển đảo không có nghĩa là chỉ tập trung vào các dịch vụ vui chơi trên biển. Đối với một vùng đất mà du lịch chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố thời tiết như Quảng Bình thì nhất thiết cần kết hợp phát triển thêm các loại hình du lịch sinh thái nghĩ dưỡng, du lịch gắn với các hoạt động thể thao biển, du lịch văn hóa và du lịch công vụ…. liên kết các dịch vụ đó tạo thành sản phẩm trọn gói mới, làm giảm bớt tính thời vụ và tạo phát triển bền vững.

Anh Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu