Bình Thuận: Nhân rộng mô hình tạo kế sinh nhai cho ngư dân

Không chỉ đối mặt với nhiều hiểm nguy từ biển cả, dịch bệnh, giá thành nhiên liệu tăng cao. Ngư dân Bình Thuận còn đang đứng trước thực trạng nguồn lợi thủy sản cạn kiệt khiến nhiều người không còn mặn mà bám biển.

Khó khăn chồng chất khó khăn, số lượng tàu thuyền nằm bờ ở Bình Thuận tăng cao vì doanh thu của những chuyến ra khơi thấp, thậm chí lỗ vốn khi sản lượng giảm, giá nhiên liệu tăng. Chính vì điều đó, nhiều ngư dân đã phải chuyển sang nghề khác và di cư đến nơi khác để kiếm việc làm ổn định hơn.

Đứng trước hàng loạt vấn đề khó khăn của ngư dân, tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương trao quyền quản lý mặt nước cho ngư dân để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân và phát triển bền vững nghề biển.

Thuận Quý là xã thuộc huyện Hàm Thuận Nam, nơi đây được xem là môi trường sống của nhiều loài động vật thân mềm, đặc biệt là sò lông. Trước đó, nguồn lợi sò lông ở vùng biển Thuận Quý rất dồi dào. Tuy nhiên do tình trạng khai thác quá mức, đánh bắt tận diệt bằng thuốc nổ đã từng làm cho đáy biển xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam được ví như một nghĩa địa, ngoài xác sò thì không có bất cứ loài nào trú ngụ tại đây.

Ngư dân thả sò lông xuống biển. Ảnh: (Hợp phố/NLĐ).

Thế nhưng cũng là đáy biển đó, vài năm trở lại đây, đáy biển đã gần như được hồi sinh khi có sự chung tay góp sức của ngư dân thực hiện mô hình đồng quản lý sò lông. Mô hình này đã giúp tái sinh đáy biển ở xã Thuận Quý. Nhiều loài hải sản đã bắt đầu quay lại trú ngụ và sinh sản. Mô hình đã góp phần giải quyết vấn đề về quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển.

Từ thành công của mô hình giao mặt nước cho ngư dân xã Thuận Quý tham gia bảo vệ sò lông, tái tạo nguồn lợi hải sản. Tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai nhiều mô hình khác phù hợp ứng với từng địa phương. Nếu ở Thuận Quý là sò lông, thì ở Tân Thành là mực, Phước Thể là sò điệp.

Những mô hình này đã thay đổi nhận thức của người dân Bình Thuận trong vấn đề bảo vệ, khai thác nguồn lợi hải sản mang tính bền vững. Hiện nay các mô hình đã hoàn thiện, người dân đã được trực tiếp khai thác nguồn lợi do mình nuôi trồng, đồng thời ngư dân cũng chủ động thu hoạch đúng thời gian, không khai thác đánh bắt khi vào mùa sinh sản.

Ngọc Thư


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu