Cam Lục Ngạn giảm diện tích nhung vẫn phát triển mạnh

Tạp chí Biển Việt Nam - Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, diện tích cây cam tại Lục Ngạn, một thương hiệu cam nổi tiếng đã giảm mạnh. Thời điểm năm 2021, toàn huyện có trên 3.700 ha cam thì hiện nay chỉ còn hơn 1.800 ha. Tuy nhiên sản lượng cam vẫn có chiều hướng phát triển tích cực…

Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, diện tích cây cam tại Lục Ngạn, một thương hiệu cam nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang đã giảm mạnh. Thời điểm năm 2021, toàn huyện có trên 3.700 ha cam thì hiện nay chỉ còn hơn 1.800 ha. Tuy nhiên sản lượng cam vẫn có chiều hướng phát triển tích cực…

Vì đâu nên nỗi …

DIện tích cam Lục Ngạn giảm mạnh do nhiều nguyên nhân, theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, diện tích cây cam giảm một phần do nhiều hộ trồng diện tích lớn, nhưng không am hiểu về kỹ thuật canh tác, hoặc không chịu đầu tư thâm canh nên cam kém hiệu quả . Cạnh đó nhiều người dân chủ quan, mua phải các giống cam trôi nổi ngoài thị trường, trong đó có nhiều giống cam đã thoái hóa hoặc có mầm bệnh. Nhiều hộ trồng cam không tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây ô nhiễm cho môi trường đất trồng, không khí, dẫn đến giống cam thoái hóa, không đem lại hiệu quả kinh tế…

Thực trạng trên dẫn đến tình hình nhiều xã trong huyện có diện tích cây cam lớn, như Tân Mộc, Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Phượng Sơn… trước kia luôn có những vườn cam xanh tốt, cho nhiều quả thì nay trở nên còi cọc, nhiễm sâu bệnh, kém phát triển, thậm chí bỏ hoang.

 

Bà con nông dân cùng các đại biểu thích thú khi thăm vườn bưởi

của gia đình ông Trần Văn Én. (Ảnh: K.L – Báo Dân Việt)

 

Cây cam kém hiệu quả kinh tế, dẫn đến hệ quả tất yếu là nhiều gia đình đã phá bỏ vườn cam và cải tạo vườn để trồng các loại cây khác như vải thiều, nhãn. Diện tích trồng cam trên địa bàn huyện có nguy cơ ngày càng thu hẹp. Thương hiệu “Cam Lục Ngạn” đứng trước nguy cơ bị mai một.

Vực dậy một thương hiệu

Không thể để mất đi thương hiệu cam Lục Ngạn, một giống cây ăn quả chủ lực của địa phương. UBND huyện cùng các cơ quan chuyên môn của huyện đã nghiên cứu, xem xét, đề ra những giải pháp tích cực để “vực dậy” cây cam trên địa bàn. Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cam thuộc dòng cây “khó tính”, chất lượng quả phụ thuộc rất nhiều vào chất đất, giống, kỹ thuật canh tác… Không phải hộ dân nào cũng đáp ứng được các yêu cầu trên. Vì vậy trước hết huyện đã điều chỉnh giảm diện tích cây cam trên địa bàn xuống một con số phù hợp với thực tại, còn khoảng 1.000 ha để có điều kiện chăm sóc. Đồng thời giao trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân, các hộ dân trồng cam theo quy trình VietGAP. Xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tuân thủ các nguyên tắc khi sử dụng thuốc BVTV. Bảo đảm quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cam như: trồng đúng mật độ, khoảng cách, có hàng lối tạo thuận lợi trong quá trình chăm sóc, thu hoạch và áp dụng công nghệ tưới nước, bón phân tự động. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để cây sinh trưởng, phát triển tốt và bền vững, cùng nhiều biện pháp hiệu quả khác.

Cạnh đó, huyện giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ sở sản xuất, nhân giống cây ăn quả tại Lục Ngạn để cung ứng giống tại chỗ, bảo đảm chất lượng phục vụ nhu cầu người dân. Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh giống cây trồng không đủ điều kiện. Tuyên truyền nhắc nhở người dân không trồng cam tại các vùng trũng thấp, khó tiêu thoát nước; không trồng cây cam trên những vùng đất đã bị nhiễm bệnh…

Cam Lục Ngạn lại rộng đường…

Nhờ áp dụng các giải pháp tích cực, hiệu quả trên, theo thống kê của huyện, dù diện tích cây có múi trên địa bàn chỉ còn trên 4.200 ha trong năm 2023 (giảm khoảng 2.500 ha so với năm 2022), những sản lượng vẫn đạt trên 40.000 tấn. Trong đó, sản lượng cam đạt trên 19.000 tấn, sản lượng bưởi đạt 17.000 tấn, các loại cây có múi khác đạt trên 4000 tấn. Trong đó diện tích trồng cam, bưởi theo quy trình VietGAP đạt hơn 2.300 nghìn ha. Hiện nay diện tích này đã bắt đầu đến thời kỳ thu hoạch, kéo dài từ đầu tháng 10 năm 2023 đến đầu tháng 3 năm 2024.

Thấy được kết quả trên, nhiều tổ chức, cá nhân và các hộ dân trên địa bàn rất phấn khởi, tin tưởng và đang tích cực chuẩn bị tư liệu sản xuất để trồng lại cây cam. Chắc chắn thời gian tới cây cam Lục Ngạn sẽ tiếp tục tăng diện tích và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và trở lại như một giống cây kinh tế chủ lực của địa phương.

Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc thu hoạch, chế biến, tiêu thụ các loại nông sản, riêng trong năm 2023, Lục Ngạn đã dành kinh phí trên 1 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ các loại sản phẩm cây có múi. Tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi, các sản phẩm đặc trưng và Chương trình du lịch “Lục Ngạn – Điểm hẹn mùa quả chín”; tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam, bưởi, hỗ trợ các hộ dân, các hợp tác xã tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch sinh thái. Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, xây dựng chuỗi giá trị cho cây cam, bưởi và một số sản phẩm khác của huyện theo hướng hiệu quả, bền vững.

 

 

Nguyên Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu