Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết: Hàng loạt giải pháp thúc đẩy tiến độ thi công

 Là một trong những dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1. Tuy nhiên hiện nay cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đang chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành loạt giải pháp để thúc đẩy dự án đúng tiến độ.

Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết là tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh Bình Thuận sau khi hoàn thiện, giúp kết nối Bình Thuận với TP.HCM và Đồng Nai. Tuyến cao tốc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Bình Thuận.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được khởi công vào cuối tháng 9/2020. Tuyến cao tốc có chiều dài 99 km, đi qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai và được chia thành 4 gói thầu. Tính đến đầu tháng 8, các gói thầu xây lắp mới hoàn thành hơn 53% sản lượng hợp đồng, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng, chậm 1,14% so với kế hoạch.

Để đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành dự án đúng tiến độ góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước nói chung, Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cụ thể, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các  địa phương để giải quyết triệt để vấn đề tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn về vật liệu. Đồng thời, phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng.

Một đoạn của cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.

Bộ GTVT cho hay: “Thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Tổ chức họp giao ban hàng tuần để kiểm điểm đôn đốc tiến độ, kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu ban quản lý dự án nếu triển khai dự án chậm tiến độ”.

Cùng với đó, bộ cũng yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu tổ chức theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày/tuần/tháng, lập tiến độ tổng thể, chi tiết và ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án. Đặc biệt, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng….

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu ban quản lý dự án bố trí lãnh đạo, tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay các vướng mắc, các vấn đề kỹ thuật phát sinh; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán để giải quyết khó khăn về tài chính cho nhà thầu; phối hợp chặt chẽ với địa phương giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu…

 

Ngọc Thư


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu