Du lịch biển Bình Thuận: thuận lợi đan xen thách thức

Tạp chí Biển Việt Nam - Bình Thuận – vùng đất đầy nắng gió nằm ở cực Nam Trung Bộ. Với lợi thế đường bờ biển dài 192km, Bình Thuận sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và kinh tế biển, song vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ, thách thức.

Là một tỉnh ven biển, khí hậu nắng ấm quanh năm, nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên và thơ mộng, giao thông thuận lợi, Bình Thuận đang là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.

Bãi đá Ông Địa, phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết.

Những thuận lợi của biển

Bình Thuận là một trong những tỉnh thành có vị trí quan trọng trong hệ thống biển, đảo cả nước. Sở hữu huyện đảo Phú Quý cùng nhiều đảo nhỏ trên địa bàn tỉnh, tiềm năng mở rộng quy mô du lịch và kinh tế biển của Bình Thuận vô cùng lớn. Ngày nay, việc lưu hành giao thông đến với Bình Thuận đã trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, sân bay Phan Thiết đang trong quá trình xây dựng, hứa hẹn sẽ mở rộng sự lựa chọn về phương tiện cho du khách có nhu cầu.

Bình Thuận đã và đang đầu tư xây dựng, nâng cấp các quần thể du lịch, nghỉ mát, nghỉ dưỡng. Hiện nay, thành phố Phan Thiết đang có nhiều khách sạn lớn, nhiều khu resort cao cấp, hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng ven biển… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách.

Ngày 24/8/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Mũi Né là Khu du lịch quốc gia. Đây là “điểm sáng” cho ngành du lịch toàn tỉnh, từ đó có cơ sở tập trung phát triển theo chiều sâu, chú trọng chất lượng và hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương. Thắng cảnh Bàu Trắng, Bàu Sen và các đồi cát ven biển được phát triển hài hòa giữa du lịch và khai thác. Mục tiêu đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia Mũi Né đón khoảng 9 triệu lượt khách, phấn đấu đến năm 2030, nơi đây đón khoảng 14 triệu lượt khách. Đưa Mũi Né nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Việc kết hợp tuyên truyền, lưu giữ những nét đẹp văn hóa, truyền thống từ các lễ hội, làng nghề tại địa phương thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng, mô hình tham quan, trải nghiệm thực tế… đã tạo ấn tượng tốt cho du khách. Theo đánh giá của Cục thống kê tỉnh, hoạt động du lịch trên địa bàn đã diễn ra sôi động, tiếp tục đà tăng trưởng kể từ đầu năm 2022 và đã phục hồi đáng kể.

Hiện nay, Bình Thuận vẫn còn nhiều khu vực gần biển, đường bờ biển, bãi tắm sơ khai, môi trường sinh thái còn tương đối tốt, chưa bị ô nhiễm hay ảnh hưởng nhiều do tác động của con người… Từ đó, du khách khi đến Bình Thuận sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn cho kỳ nghỉ của mình.

Khó khăn và hướng đi

Sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng đã quay trở lại với sự khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập chờ đợi ngành du lịch ở phía trước.

Đó là tình trạng biến đổi khí hậu và quá trình xâm thực bờ biển tại Bình Thuận diễn biến rất phức tạp và nghiêm trọng. Cấu trúc địa hình, địa mạo gồm nhiều dạng bờ hỗn hợp, giữa các cung bờ là bãi cát ăn lõm vào đất liền và các mũi đá, ghềnh đá nhô ra biển. Vì vậy, bờ biển nơi đây đã và đang bị uy hiếp mạnh bởi sóng, gió, triều cường cộng với diễn biến phức tạp của các cửa sông và đặc biệt là tác động của con người. Trong những năm qua, dọc theo đường bờ, những khu vực bị xói lở mạnh như Hàm Tiến – Mũi Né, Phước Thể… đã có nhiều dự án thử nghiệm bảo vệ bờ với những kết quả đáng kể. Tuy vậy, những công trình này vẫn còn mang tính cục bộ, những diễn biến phức tạp của hiện tượng xói bồi hiện nay ở tỉnh Bình Thuận vẫn chưa có công trình nghiên cứu tổng thể, chưa đề cập nhiều đến ảnh hưởng khúc xạ sóng do địa hình, địa mạo vùng bờ.

Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, như đã nói, đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến tiến trình đi lên của ngành du lịch.

Ngoài ra, những bất ổn về kinh tế, chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới kéo theo tình trạng lạm phát gia tăng trên phạm vi toàn cầu, gây ra những thay đổi trong dòng khách quốc tế. Du lịch tỉnh Bình Thuận đang cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực và phát huy những cơ hội sau khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, gắn quan điểm chiến lược của Nhà nước trở thành trọng tâm phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển tại địa phương.

Năm 2023, Bình Thuận là nơi tổ chức Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh”. Đây là dịp quan trọng để du lịch Bình Thuận thật sự bứt phá và chuyển mình phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, những tổn thương sau đại dịch COVID-19 vẫn tồn tại, cùng với những bất ổn về kinh tế và chính trị trong thời điểm hiện nay, Bình Thuận và du lịch Bình Thuận phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, giữ vững sự khởi sắc, tiếp tục phát huy đà tăng trưởng. Chú trọng hơn nữa cơ cấu ngành du lịch của tỉnh, xác định và kịp thời quy hoạch có hiệu quả để giúp ngành du lịch phát triển xa hơn nữa.

Năm du lịch quốc gia 2023: “Bình Thuận – Hội tụ xanh”.

Có thể thấy, phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là du lịch biển bền vững tại tỉnh Bình Thuận sẽ phải đối mặt với nhiều thuận lợi lẫn khó khăn đan xen. Cần phải có sự chung tay, nhận diện được những vấn đề còn tồn đọng, thiếu sót để có được những giải pháp phù hợp. Vượt qua thách thức, hoàn thành tốt vai trò tỉnh đăng cai Năm du lịch quốc gia 2023 để đưa du lịch biển Bình Thuận phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực cho nền kinh tế – xã hội của đất nước.

Bích Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu