Giải pháp nào cho sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam?

Tạp chí Biển Việt Nam - Ngày 5/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 36 –NQ/TW  của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp cho phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới.

Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Theo đó, bình quân cứ 10km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo và hơn 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” là diễn đàn khoa học để các đại biểu, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận và làm rõ thực trạng phát triển kinh tế biển ở Việt Nam, từ đó có những kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển trong thời gian tới.

Tới dự hội thảo có đồng chí PGS.TS Lê Hải Bình – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan đến công tác biển, đảo; các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực biển, đảo…

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí PGS.TS Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, theo Nghị quyết số 36 –NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khoá XII “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển.

Mục tiêu xác định đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển có đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 – 70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển,…

Đồng chí PGS.TS Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 36, kinh tế biển đã có được những bước phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương và cho cả nước. Đồng thời, định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền biển, đảo trên toàn quốc năm 2024 và những năm tiếp theo. Qua đó, để xây dựng và phát triển kinh tế biển đóng góp vào nền kinh tế đất nước, giải quyết các vấn đề quốc tế, cần thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh các công trình khoa học nghiên cứu về biển, đảo; đồng thời, góp phần phản bác các hoạt động, luận điệu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo làm tổn hại đến đất nước ta.

Hội thảo đã thu hút được sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp và các bài tham luận đến từ đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, địa phương; cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; chuyên gia trong lĩnh vực biển, đảo… Các bài tham luận xoay quanh nhiều chủ đề như: Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển bền vững kinh tế biển; thực trạng phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam hiện nay; công tác đối ngoại, tuyên truyền, thông tin đối ngoại liên quan đến vấn đề biển đảo hiện nay…

Toàn cảnh Hội thảo

Các ý kiến tại Hội thảo đều khẳng định: Việt Nam là quốc gia biển, biển đảo có vị trí chiến lược trọng yếu trên các phương diện quốc phòng, kinh tế, hợp tác quốc tế. Do vậy, phát triển kinh tế biển Việt Nam phải hài hoà, phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng. Mặc dù đã đạt được những liên kết giữa các vùng ven biển, giữa vùng, địa phương ven biển với vùng, địa phương trong đất liền; nhưng liên kết giữa các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả; các vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái có nguy cơ gia tăng bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Do đó, nghiên cứu để đề xuất các mô hình phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững là vấn đề cấp thiết.

Ngoài ra, để phát triển kinh tế biển theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hoá xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên các vùng biển đảo Tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác quốc phòng. Xây dựng môi trường hoà bình ổn định trong khu vực và trên biển Đông để bảo vệ chủ quyền độc lập, phát triển đất nước.

Một số giải pháp đề xuất cho phát triển bền vững kinh tế biển

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong toàn xã hội về phát triển kinh tế biển bền vững. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin giúp các bên liên quan (các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân, cộng đồng và các tổ chức thanh niên) ở cấp quốc gia, tỉnh và khu vực về cơ hội phát triển kinh tế biển bền vững; ngăn ngừa xung đột giữa các ngành, lĩnh vực và dung hòa, bảo tồn, phát huy vốn biển tự nhiên gắn với phát triển kinh tế; xác định rõ vai trò chiến lược quy hoạch không gian biển trong thu hút các dự án đầu tư.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các bộ, ngành có liên quan chủ trì, phối hợp với địa phương thực hiện kiểm tra, đánh giá tổng thể và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về xây dựng kinh tế biển, đảo, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; đẩy nhanh việc xác lập và trình duyệt các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành và địa phương có biển

Thứ ba, bảo đảm nguồn lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, xác định lại các chiến lược sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút các nguồn vốn khác trong nước và quốc tế; ưu tiên và kịp thời bố trí nguồn lực trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhằm phát huy hiệu quả các nhiệm vụ, chương trình, dự án được phê duyệt; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Thứ tư, kiện toàn các đơn vị ở Trung ương và các địa phương có biển có chức năng quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về tài nguyên biển gắn với các hoạt động sản xuất kinh tế (bảo đảm theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có tính đến thực tế mang tính đặc thù trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường biển, đảo); chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực biển, nhất là nhân lực chất lượng cao, cùng với khoa học – công nghệ làm khâu đột phá.

 

Thanh Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu