Vai trò thông tin tuyên truyền trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo và tiềm năng kinh tế biển Quảng Bình

Tạp chí Biển Việt Nam - Xác định công tác thông tin tuyên truyền trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển tiềm năng kinh tế biển là rất quan trọng nên nhiều năm qua, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Bình luôn đề ra nhiều chủ trương, phương hướng thực hiện nhằm đạt hiệu quả tốt.
Ngày 13/7/2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch Số 1395/KH-UBND về Truyền thông về biển và đại dương tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 với nhiều nội dung.
Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, gắn với đa dạng hóa các hình thức, nội dung truyền thông theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển được hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện; củng cố niềm tin, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân, thế hệ trẻ, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước đối với Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo Tổ quốc và phát triển kinh tế biển.
Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 20/3/2019 của Ban Thường vụ Tinh ủy.
Bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện truyền thông về biển và đại dương. Tạo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan; sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội, các tầng lớp Nhân dân trong công tác truyền thông về biển và đại dương.
Quảng Bình có bờ biển dài hơn 116 km.
Thực hiện quyết liệt, có trọng tâm
Như chúng tôi đã thông tin, Quảng Bình sở hữu bờ biển dài, ngư trường rộng, nhiều tiềm năng về kinh tế biển. Thế nên UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu công tác truyền thông về biển và đại dương phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, gắn với thực tiễn từng ngành, địa phương, vùng miền và từng thời điểm; được triển khai thực hiện hiệu quả, toàn diện, chặt chẽ, bài bản và có tính đột phá tử tỉnh đến huyện, xã, thôn.
Thông tin, kiến thức về biển và đại dương phải được truyền tải thường xuyên, liên tục, chính xác và hấp dẫn đến từng nhóm đối tượng; nhận diện và bác bỏ thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc về biển và đại dương.
Nội dung và hình thức truyền thông phải thường xuyên đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa; phương pháp truyền thông theo hướng đồng bộ và toàn diện, hiện đại, đa phương tiện, để hiểu, để nhớ, để làm theo và phù hợp với từng nhóm đối tượng; tạo sự tương tác, tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong nước, quốc tế. Hình thành ý thức trách nhiệm tham gia truyền thông về biển và đại dương của người dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra hoạt động tránh trú của tàu thuyền.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển, hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn hệ thống chính trị và trong Nhân dân; nhằm tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển. Quảng Bình phấn đấu trong giai đoạn 2022 – 2030 đạt và vượt các chi tiêu chủ yếu sau:
Năm 2023, trên cơ sở kế hoạch truyền thông về biển và đại dương của các Bộ, ngành ở Trung ương được ban hành; các sở, ban, ngành ở tỉnh có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch truyền thông về biển và đại dương với các chỉ tiêu cụ thể theo đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và kế hoạch của tỉnh. Đến năm 2025, 100% các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh có chuyên trang, chuyên mục về biển và đại dương trên các sản phẩm thông tin (báo, bản tin, tạp chí in, trang thông tin điện tử, kênh phát thanh, truyền hình) của cơ quan, đơn vị.
Hằng năm, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương Thế giới. 100% phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, lãnh đạo cơ quan báo chí, những người làm công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến biển và đại dương tại các cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản ở cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ thông tin cơ sở được tập huấn, cập nhật về hệ thống chính sách, pháp luật, kiến thức cơ bản về biển và đại dương.
Đến năm 2030, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, tư thục và quốc tế trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động truyền thông về biển và đại dương thống qua lồng ghép nội dung liên quan và một số môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa, phù hợp với đặc thù vùng miền và từng cấp học, trình độ đào tạo.
Hằng năm, phấn đấu hơn 80% các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội các cấp, các doanh nghiệp của Nhà nước tham gia hoạt động truyền thông về biển và đại dương (trực tiếp hoặc gián tiếp, tùy theo quy mô và tính chất hoạt động của các tổ chức, đơn vị).
Tàu thuyền của Quảng Bình khai thác đánh bắt hải sản trên nhiều ngư trường.
Nhiều nội dung cần được tuyên truyền
Và những nội dung truyền thông được UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, gồm: Các chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, hải đảo; vị trí, vai trò biển và đại dương đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ngành và địa phương; tiềm năng, lợi thế, tình hình phát triển kinh tế biển Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển của người Việt qua các thời kỳ lịch sử.
Về nội hàm, mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững 6 ngành kinh tế biển xác định trong Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII và Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 20/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; truyền thông về phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Bình.
UBND tỉnh đề nghị các đơn vị địa phương xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, hoạt động truyền thông về biển và đại dương. Lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch với các chương trình, kế hoạch truyền thông, tuyên truyền khác có liên quan để triển khai có hiệu quả kế hoạch.
Cần sự đồng hành thiết thực của cả hệ thống chính trị
Thực hiện Kế hoạch số 1395/KH-UBND, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Đối với các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền về biển và đại dương trên cổng/trang thông tin điện tử, bản tin của cơ quan, đơn vị; đặt banner hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới. Chủ động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí các nội dung về biển đảo liên quan đến ngành, lĩnh vực mình quản lý. Tăng cường theo dõi, nhận diện, đấu tranh và phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động về chủ quyền biển, đảo; kịp thời xử lý thông tin xấu độc liên quan đến biển, đảo.
Quảng Bình cần thu hút thêm nhiều nhà máy sản xuất và hoạt động vận tải để phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.
Còn đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở đề nghị chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, phổ biến kịp thời các chính sách pháp luật về biển và đại dương. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện tuyên truyền về biển và đại dương trên đài truyền thanh cấp xã, trang thông tin điện tử UBND cấp xã; đặt banner hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới…
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thanh Hiến, Phó giám đốc Sở, cho hay: “Chúng tôi đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về biển và đại dương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện nhanh việc chuyển đổi số công tác truyền thông, trong đó có truyền thông về biển và đại dương. Đồng thời chủ trì thực hiện một số chương trình, sự kiện tuyên truyền đối ngoại về biển, đảo; phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sản phẩm thông tin, truyền thông về biển, đảo”.
“Sở cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cung cấp thông tin cho báo chí; đấu tranh phản bác thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc quan điểm, định hướng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo, đại dương. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai sự thật liên quan đến biển, đại dương trên báo chí, mạng xã hội”, ông Hoàng Thanh Hiến cho biết thêm.
Ngọc Vinh - Anh Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu