“Gửi người lính biển” – Lời yêu thương từ con gái


Một ngày đầu tháng 5, Đoàn công tác số 18 do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây. Trong lúc trò chuyện, Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, cán bộ Lữ đoàn 146 đang làm nhiệm vụ trên đảo, cho chúng tôi xem một bức thư, đúng hơn là một “cuốn sổ thư” của hai con gái anh – Hoàng Linh (13 tuổi) và Hoàng Oanh (11 tuổi), mới từ đất liền gửi cho bố.
Gần chục tờ giấy A4 gấp đôi, được đóng thành quyển, dập ghim ở giữa; trang bìa vẽ chú bộ đội hải quân bồng súng đứng bên cột cờ, phía trên ghi dòng chữ “Gửi người lính biển – Nguyễn Huy Hoàng”. Bức thư độc đáo của bé Hoàng Oanh (ở nhà gọi là Na) thực sự gây ấn tượng với tôi. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc với một niềm xúc động đặc biệt.
Lật giở từng trang, trang nào cũng có những hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu, bằng bút chì hoặc bút dạ màu, cùng những dòng chữ non nớt, đôi chỗ còn sai chính tả, nhưng chan chứa tình cảm.
Mở đầu là hình vẽ mô phỏng 3 dấu vân tay với dòng chữ “Dấu vân tay của 3 mẹ con gửi bố!!! Bố sắp về chưa zii. Con nhớ bố lắm rồi đó nhen!”
Ở trang 2 là những chữ in hoa viết bằng bút dạ màu: “Bất cứ khi nào nhớ con, bố phải lấy ra coi nghen!”. Phía dưới vẽ hình trái tim với chữ “Biển đảo” một bên và bên kia ghi chữ “Hậu phương”.
Các trang tiếp theo: “Bức thư này tuy đơn sơ, nhưng mong bố sẽ thích nó” (kèm hình vẽ cầu vồng sặc sỡ sắc màu). “Thế giới này có hàng tỷ người, nhưng thật may mắn được làm con của bố!” (phía dưới là hình vẽ rất nhiều người bằng bút bi màu xanh và trong đám đông đó có 2 người màu đỏ – tức “bố Hoàng” và Na).
Nhiều chữ nhất là trang 5: “Xin chào “Anh bộ đội của gia đình”… Bố có nhớ con không; Bố ra ngoài đó phải ăn nhiều để tăng cân đó nhen! Ước gì mình có cánh cửa thần kì của Doraemon, chỉ cần nhớ bố là mở cửa đi gặp bố liền. Bố đi 1 năm mà tưởng như 10 năm à… Mong là 2025 sẽ trôi qua thật nhanh để mình còn ăn tết có đầy đủ gia đình, tết mà thiếu một người thì còn gì vui nữa. Bố đi rồi hỏng ai chỉ bài toán cho hai chị em nữa hết”…
Những trang cuối là hình vẽ. Có cả một trang vẽ đầy những trái tim đỏ thắm. Rồi một bức tranh vẽ ông mặt trời rực rỡ, với 4 người trong một gia đình gồm bố, mẹ và 2 chị em Bi Na, cùng dắt tay nhau bên cạnh một ngôi nhà nhỏ xinh. Đó là một thế giới giản dị, yên bình – chính là “đất liền” mà người lính mang theo trong tim mình giữa đại dương mênh mông.

Những nét vẽ còn vụng về, những hình ảnh ngộ nghĩnh của con trẻ, tưởng như đơn sơ, mà chứa đựng biết bao nỗi nhớ, tình yêu và niềm tâm sự mà hai con gái nhỏ Hoàng Linh – Hoàng Oanh muốn dành tặng bố.
Trường Sa – nơi hội tụ những tình yêu lặng thầm. Chủ nhân của cuốn sổ thư đặc biệt – Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, tâm sự: “Có những đêm giữa tiếng gió biển rì rầm, tôi lặng lẽ mở thư con ra đọc lại, để lòng mình vững chãi hơn trước bao gian khó. Chỉ cần nghĩ đến nụ cười của vợ cùng hai con gái là bao nhiêu mệt mỏi tan biến”. Rồi anh khẽ cười: “Bé Na thích vẽ lắm!” Tôi cảm nhận trong câu nói đó chứa chan tình yêu thương vợ con và cả nỗi nhớ da diết.
Không chỉ riêng Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, những người lính đảo mà tôi gặp đều có chung một nguồn động lực – tình yêu từ đất liền. Có người chờ một cuộc điện thoại ngắn ngủi; có người luôn mang trong túi áo ngực tấm ảnh con thơ- đứa trẻ chào đời nhưng lúc đó bố đang làm nhiệm vụ ngoài đảo; người thì tự tay thêu tên vợ con lên chiếc khăn mang bên mình; và những lá thư, đặc biệt là thư của con trẻ,… tất cả đều là món quà tinh thần quý vô giá.
Chúng tôi cứ mãi ấn tượng về cuốn sổ tay và những bức tranh của bé em Hoàng Oanh. 11 tuổi, dù chưa thể hiểu rõ về công việc của bố mình, nhưng bằng cảm nhận từ trái tim, bé đã nói lên nỗi nhớ nhung và cả niềm tự hào. Trong từng con chữ, nét vẽ, có cả hình bóng quê hương và niềm tin vào người cha – người lính đảo luôn vững vàng trước sóng gió. Còn trong lá thư của bé chị Hoàng Linh (biệt danh Bi siêu cute), giữa những dòng tâm sự cùng bố, có lời nhắn: “Ba mẹ con ở nhà luôn sẵn chờ bố về. Bố cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất nước”…
Những đứa trẻ như Hoàng Linh – Hoàng Oanh đang lớn lên cùng những mùa thư gửi ra đảo. Các em học cách yêu biển đảo từ những câu chuyện về bố, về chú bộ đội hải quân, về lá cờ trên cột mốc chủ quyền. Có em sau này sẽ trở thành người lính hải quân như bố; có em sẽ trở thành nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm chan chứa tình yêu Tổ quốc; cũng có em là công nhân, bác sĩ, kỹ sư, hay một nhân viên văn phòng… nhưng tất cả đều hướng về Trường Sa bằng trái tim đầy tin tưởng và tự hào.
Trước kia, chúng tôi đã từng nghĩ tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc phải được thể hiện bằng những những điều lớn lao. Song, sau chuyến đi này, chúng tôi thực sự hiểu, tình yêu đó bắt đầu từ những điều rất nhỏ – một lá thư tay, một bức tranh con trẻ, một nỗi nhớ của người thân ở đất liền dành cho người ở nơi đảo xa…
Rời đảo Song Tử Tây, chia tay với những người lính biển giữa muôn trùng sóng gió, nhóm phóng viên Tạp chí Biển nhận làm “bồ câu đưa thư”, mang theo bên mình cuốn sổ thư mà Trung tá Nguyễn Huy Hoàng nhờ chuyển lại gia đình ở đất liền. Trong cuốn sổ đó, ngay bên dưới câu kết thư của bé Hoàng Oanh “Hai trang sau bố ghi những thứ bố muốn nói với con nha!”, đã có thêm dòng chữ chân phương của Trung tá Nguyễn Huy Hoàng: “Bố rất cảm động và chỉ biết nói là ”Bố nhớ gia đình nhiều. Và con gái bố đã trưởng thành rồi”.
Chỉ vậy thôi, một câu nhắn gửi tới người thân thật bình dị nhưng chan chứa yêu thương, như tình yêu của người lính biển – lắng sâu nhưng cháy bỏng…
Màu xanh trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: qdnd.vn)Nếu ai đó hỏi về chuyến đi Trường Sa, chúng tôi sẽ muốn kể rất nhiều điều, đặc biệt về cuốn sổ, về những bức thư từ đất liền gửi đảo xa. Đó là những minh chứng rõ nhất cho sức mạnh của tình yêu và trách nhiệm, cũng là lời nhắc nhở chúng ta – những người đang sống trong yên bình, rằng để có được sự bình yên ấy, biết bao Anh hùng liệt sĩ đã phải ngã xuống và cả sự hy sinh lặng thầm của những người đang ngày đêm cống hiến nơi tuyến đầu.
Trường Sa trong chúng tôi không chỉ có biển cả, cột mốc chủ quyền và những chiến sĩ kiên cường, mà còn có cả những sợi dây tình cảm thắm thiết với đất liền, trong đó có tình yêu ngây thơ của con trẻ như các bé Hoàng Linh và Hoàng Oanh, tác giả một bức thư đặc biệt đem đến bao cảm xúc.
Trong nhịp sống hối hả hôm nay, tình yêu Trường Sa vẫn từng ngày, từng giờ được nuôi dưỡng, bởi luôn có những em nhỏ gửi nỗi nhớ, tình yêu theo một cách rất đặc biệt tới bố – người chiến sĩ hải quân, và bởi đất liền luôn ôm đảo xa trong lòng bằng trái tim khôn nguôi nhung nhớ…