Học bổng Đại sứ Hải đăng 2022: Hướng tới hỗ trợ nghề cá nhỏ

Tạp chí Biển Việt Nam - Học bổng Đại sứ Hải đăng 2022 ưu tiên các bạn trẻ là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp…; sau khi nhận học bổng, tham gia chương trình, sẽ cam kết dành thời gian của mình để thực hiện việc “trao đi”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ phát động học bổng “Đại sứ Hải đăng”.

Chương trình Học bổng Đại sứ Hải đăng – Marine Ambassador Mentorship 2022, với mục đích truyền cảm hứng và hướng dẫn các lãnh đạo trẻ dấn thân vì sự phát triển bền vững, đặc biệt hướng tới chuyển đổi nghề cá nhỏ, đã được phát động ngày 8/6 tại Hà Nội, nhân ngày Đại dương thế giới. Phóng viên Tạp chí Biển Việt Nam phỏng vấn bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), tổ chức khởi xướng chương trình này.

PV: Xin bà cho biết học bổng Đại sứ Hải đăng hướng tới hỗ trợ nghề cá nhỏ như thế nào?

Bà Nguyễn Thu Huệ: Năm 2022 được Liên Hợp Quốc chọn là năm tôn vinh nghề cá nhỏ. Thực tế, không có định nghĩa chung về đánh bắt hoặc nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, nhưng có thể hiểu là nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản sử dụng các đơn vị sản xuất tương đối nhỏ với đầu vào và đầu ra tương đối thấp, trình độ công nghệ hạn chế và vốn đầu tư nhỏ. Các hoạt động nghề cá nhỏ thường được quản lý ở cấp độ gia đình, đôi khi với một nhóm nhỏ nhân sự hoặc ở cấp độ cộng đồng. Cá thường được bán ở các chợ địa phương, nhưng cũng có thể vươn ra thị trường quốc gia và quốc tế.

Trung tâm MCD chúng tôi đã làm việc cùng cộng đồng ngư dân ven bờ trong nhiều năm qua, hỗ trợ trực tiếp các sáng kiến cộng đồng nhằm cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường. Chúng tôi nhận thấy, sau đại dịch Covid 19, khả năng hợp tác và chia sẻ nguồn lực trở nên cấp thiết trong hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là những người khai thác và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản quy mô nhỏ; để họ phát huy nội lực, cải thiện năng lực thích ứng, đối mặt với rủi ro và khủng hoảng.

MCD thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sinh kế lâu bền cho cộng đồng ven biển. Chương trình Đại sứ Hải đăng là sáng kiến do MCD khởi xướng và thí điểm từ năm 2018. Năm nay- 2022, mục tiêu của Học bổng Đại sứ Hải đăng là truyền cảm hứng tới các nhà lãnh đạo trẻ, những người có cơ hội học tập, được tiếp cận công nghệ, trau dồi tinh thần lãnh đạo, sẵn sàng dấn thân và cam kết trao đi một phần những kiến thức, kỹ năng mình nhận được cho những người khác.

PV: Vậy ai là đối tượng nhận học bổng Đại sứ Hải đăng?

Bà Nguyễn Thu Huệ: Chúng tôi khuyến khích và ưu tiên các bạn trẻ là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp, quan tâm và lựa chọn thực tập hay làm việc tại các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp có những sáng kiến tạo tác động xã hội…; và điều quan trọng nhất là sau khi nhận học bổng, tham gia chương trình, các bạn cam kết dành thời gian của mình để thực hiện việc “trao đi’.

Để phát triển bền vững, cần lắm việc chia sẻ tri thức, sáng kiến!

PV: Động lực nào khiến bà và các cộng sự khởi xướng chương trình Học bổng Đại sứ Hải đăng?

Bà Nguyễn Thu Huệ: Sau hơn 10 năm tập trung làm việc cùng các dự án phát triển cộng đồng, tôi có cơ hội tham gia một chương trình học bổng ngắn hạn, ở đó tôi được trao đổi, hướng dẫn và trò chuyện với những nhà lãnh đạo có nền tảng học vấn, có kinh nghiệm tổ chức ở quy mô đa dạng. Từ đó tôi cảm nhận được ý nghĩa của những cơ hội học bổng dành cho mọi người, nhất là  những người trẻ, không phải là ở việc “nhận” mà là cách để sau đó “trao đi”.

Năm 2018, tôi trình bày ý tưởng Chương trình Đại sứ Hải đăng và đã được mạng lưới cựu học viên Việt Nam tham gia các chương trình học tập của Hoa Kỳ cấp vốn để thực hiện thí điểm. Dự án thí điểm MAM khi ấy đã nhận được sự hưởng ứng của Vietnet-ICT cung cấp máy tính và đào tạo về công nghệ thông tin, các tổ chức khác cung cấp dịch vụ hướng dẫn chuyên môn về phát triển quản trị tổ chức và tăng cường năng lực lãnh đạo cộng đồng. Gần 500 thành viên cộng đồng tại hàng chục hợp tác xã và tổ nhóm ven biển đã tham gia dự án thí điểm và thụ hưởng từ chương trình.

Mới đây, tôi may mắn được lựa chọn tham gia Chương trình toàn cầu Leadership Acceerator do Học viện Acumen (Acumen Academy) và Tổ chức EDF (Environmental Defende Fund) tổ chức,  gắn với  chủ đề thúc đẩy tinh thần lãnh đạo chuyển đổi nghề cá quy  mô nhỏ. Từng tham gia nhiều chương trình đào tạo lãnh đạo nhưng đây là chương trình tôi quan tâm nhất, bởi chủ đề “lãnh đạo” gắn với “nghề cá quy mô nhỏ” vốn đã chiếm trọn vẹn trái tim tôi và tôi đã dành những năm tháng thanh xuân đẹp nhất của đời mình để cống hiến. Tham gia Leadership Accelerator, tôi có cơ hội học hỏi và thực hiện với chương trình Học bổng Đại sứ Hải đăng.

PV: Chương trình học bổng Đại sứ Hải đăng 2022 có điểm gì đặc biệt, thưa bà?  

Bà Nguyễn Thu Huệ: Chương trình có sự đồng hành của những đồng nghiệp chia sẻ cùng tôi ý nghĩa, tầm nhìn. Họ từ các tổ chức khác nhau, cùng nhận thấy việc hợp tác là cơ hội để trưởng thành, đổi mới cách làm việc và chung sức để đạt mục tiêu cao hơn và tạo những giá trị lớn hơn là đi một mình.

Chúng tôi có sự đồng hành của Viện Lãnh đạo ABG, môt tổ chức giáo dục phi lợi nhuận có kinh nghiệm thực hiện các chương trình học bổng về chủ đề lãnh đạo trẻ. ABG sẽ quản lý học bổng Đại sứ Hải đăng với nhiều giá trị gia tăng từ mạng lưới kết nối các thế hệ lãnh đạo vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Trung tâm CNTT và TT Vietnet đóng góp cho chương trình không chỉ công cụ làm việc mà  quan trọng hơn cả là các hướng dẫn và đào tạo kỹ năng tư duy và chuyển đổi số tới các Đại sứ Hải đăng. Mạng lưới các Đại sứ Công nghệ trẻ do Vietnet ươm tạo cũng là một phần giá trị làm nên sức hấp dẫn của chương trình. Tạp chí  Biển Việt Nam sẽ giúp đưa thông tin về Chương trình tới các vùng biển để các bạn trẻ ở địa phương có cơ hội tham gia và thụ hưởng từ chương trình.

Và chúng tôi mong chờ sự chung tay của các tổ chức, cá nhân quan tâm. Hãy đồng hành cùng chúng tôi để Chương trình Đại sứ Hải đăng tới được những nơi và những người cần nhất.

PV


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu