Độc đáo lễ hội vùng sông nước Lệ Thủy

Tạp chí Biển Việt Nam - Những ngày cuối tháng 8 này, sông Kiến Giang ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) lại dậy sóng bởi mái chèo khua nước của trai bơi gái đua tập luyện, bởi nhịp điệu gõ mõ vang dội. Tất cả sẵn sàng cho ngày hội lớn mừng Tết Độc lập vào đúng ngày 2/9.

 

Truyền thống lâu đời

Sông Kiến Giang chảy vào lòng Lệ Thủy, tưởng như một dải lụa đào vắt ngang những cánh đồng xanh mươn mướt. Sở hữu một diện tích sông nước, chiêm trũng rất lớn nên Lệ Thủy được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình. Bởi vậy ngàn đời nay truyền tụng câu ca: Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con người.

Từ đặc trưng sông nước và thuần nông ấy đã hun đúc lên nhiều giá trị văn hóa của vùng đất này, như điệu hò khoan hay lễ hội bơi đua. Tương truyền từ ngàn đời trước, vào mùa hạn hán hằng năm, sông Kiến Giang thường xuyên khô cạn nước. Đến tháng 8 bắt đầu có mưa, nước lại dâng đầy sông; ruộng đồng cũng thế, tạo điều kiện thuận lợi để bắt đầu một vụ sản xuất mới.

Sông có nước rồi, dân làng khớp khởi mừng mở hội đua thuyền, vừa rèn luyện sức khỏe, thi thố tài năng của trai bơi gái đua và vừa cầu mong một mùa mưa thuận gió hòa sản xuất bội thu.

Buông phao xuất phát thuyền đua nữ.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lễ hội đua, bơi được địa phương tổ chức hằng năm đúng vào ngày 2/9, mang thêm ý nghĩa chào mừng Quốc khánh (người Lệ Thủy thường gọi là Tết Độc lập).

Lễ hội đua, bơi trên sông Kiến Giang mang những nét độc đáo không nơi nào có được. Đó là tổng đường đua tranh tài lên đến 24 km đối với nam và 18 km đối với nữ. Theo tiếng địa phương, thuyền đua nam gọi là đò bơi, còn nữ gọi là đò đua. Nam ngồi chầm với mái chèo ngắn, còn nữ đứng chèo mái cán dài. Trên mỗi đò bơi đua, ngoài người chèo còn có người gõ mõ, hát hò khoan để động viên trai bơi gái đua và giữ nhịp chèo.

Năm 2019, Bộ VH-TT-DL quyết định đưa lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thuyền đua nữ tranh tài.

Các đò bơi buông phao xuất phát tại khu vực Mũi Viết ở trung tâm thị trấn Kiến Giang rồi ngược lên thượng nguồn sông, đến đoạn qua xã Mỹ Thủy – xã Xuân Thủy thì quay trở xuôi về thị trấn, hướng xuống hạ nguồn sông, tiếp tục quay trở tại đoạn qua xã An Thủy – xã Lộc Thủy và ngược lên lại kết thúc tại thị trấn Kiến Giang.

Với đặc điểm dòng sông nhỏ hẹp, người xem đứng ken đặc hai bên bờ sông và kéo dài suốt quãng đường đua, mỗi lần đò đi qua, ai cũng reo hò cổ vũ và dùng đủ dụng cụ như nón lá, thau chậu tát nước động viên cho các trai bơi gái đua khiến dòng Kiến Giang như một sân khấu khổng lồ.

Người dân đứng hai bên bờ sông reo hò cổ vũ các thuyền bơi nam.

Hội đua thuyền ngấm vào máu thịt người Lệ Thủy. Dịp này, người Lệ Thủy làm ăn sinh sống tứ xứ đều tụ hội về quê, vừa coi đua bơi nhưng cũng để thăm gia đình, tri ân bố mẹ sinh thành. Đặc biệt, trong dịp này, hầu hết các gia đình ở Lệ Thủy đều bày hương hoa, bánh trái và các loại quả sản vật địa phương như: cam, bưởi, dâu để cúng ông bà tổ tiên, cúng Tổ quốc và cúng Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Chờ đợi ngày hội lớn

Sau 2 năm phải gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, năm 2022 được sự nhất trí của UBND tỉnh Quảng Bình nên Huyện ủy, UBND huyện Lệ Thủy quyết định khởi động tổ chức lại lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9.

Các thuyền bơi đang tập luyện hăng say trên sông Kiến Giang dưới sự cổ vũ của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Hồng Thắm, Phó chủ tịch UBND huyện, cho hay: năm 2022, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang khai mạc vào lúc 7 giờ ngày 2/9. Trước đó tổ chức bơi vòng bảng phân hạng vào ngày 30/8. Năm nay có 24 thuyền bơi nam và 9 thuyền đua nữ đăng ký tham gia với tổng số hơn 1.000 vận động viên đến từ các thôn, xã trên địa bàn.

Ngoài việc tham gia giải đua bơi thuyền cấp huyện, một số địa phương còn tổ chức đua bơi cấp xã như: Xuân Thủy, Dương Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy…

Trai bơi xã Mỹ Thủy hăng say tập luyện chuẩn bị cho ngày đua.

“Xác định việc tổ chức lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là sự kiện văn hóa – thể thao mang ý nghĩa quan trọng, là ngày hội văn hóa của toàn dân nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên UBND huyện đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai sớm hơn các năm trước”.

“Công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được ban tổ chức, các tiểu ban giúp việc, các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt”, Phó chủ tịch Đặng Thị Hồng Thắm cho biết thêm.

Chùa cổ Hoằng Phúc, một trong những điểm hấp dẫn khi đến Lệ Thủy.

Càng gần ngày lễ, không chỉ người quê Lệ Thủy mà du khách thập phương cũng rất háo hức, chờ đợi để về tham gia hội. Ngoài đua thuyền thì khi đến Lệ Thủy, du khách còn được tham gia nhiều chương trình khác như biểu diễn di sản hò khoan trên sông Kiến Giang, thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vãn cảnh chùa cổ Hoằng Phúc…

Trương Quang Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu