Mô hình trường học “không rác thải”

Tạp chí Biển Việt Nam - Sáng 29/9/2023, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tổ chức Hội thảo khoa học nhằm chia sẻ kinh nghiệm hướng đến thực hành “không rác thải” trong trường học và thảo luận về khả năng nhân rộng thực hành không rác thải trong các trường học tại Việt Nam, góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa biển với vai trò quan trọng của thế hệ trẻ.
Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Giáo dục môi trường về chống rác thải nhựa biển – vai trò của thế hệ trẻ trong các trường học” do Mạng lưới Châu Á Thái Bình Dương cho các nghiên cứu thay đổi toàn cầu (Asia-Pacific Network for Global Change Research) tài trợ.

Tại hội thảo các đơn vị, đại biểu đã báo cáo, trình bày các tham luận về những kinh nghiệm, giải pháp thực hiện, xây dựng Trường học không rác trong thời gian qua, đồng thời đưa ra những giải pháp mới mẻ, tiến bộ hơn cho thời gian tới. Qua thảo luận, phần lớn các ý kiến đều thống nhất rằng, lối sống không rác được hình thành và áp dụng hiệu quả trong môi trường giáo dục cần một quá trình dài và nỗ lực của nhiều bên liên quan, bao gồm: Trường học, gia đình học sinh, cộng đồng và các tổ chức.

Giáo dục, truyền thông môi trường trong trường học đóng vai trò quan trọng và có hiệu quả thay đổi kiến thức, thái độ, hành vi của học sinh, sinh viên đối với các vấn đề môi trường. Cách tiếp cận của dự án thông qua sự trao đổi, chia sẻ, đối thoại và phối hợp thực hiện giữa “nhà khoa học”, “chuyên gia hoạt động grassroot”, “nhà thực hiện trực tiếp” là một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu của Dự án.

TS Trần Thị Minh Hằng, giảng viên Khoa Môi trường, chủ trì dự án chia sẻ tại Hội thảo.

TS Trần Thị Minh Hằng, giảng viên Khoa Môi trường, chủ trì dự án cho biết, cùng với hai đối tác là Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Tổ chức Rạn san hô Singapore (Our Singapore Reef), dự án đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tuyên truyeenfm hướng dẫn, phát tài liệu giáo dục môi trường trong trường học, hướng đến thực hiện và tích hợp các bài học, hoạt động ngoại khóa môi trường vào chương trình giáo dục chính thức. Đồng thời dự án cũng hỗ trợ các hoạt động giáo dục và truyền thông môi trường, vấn đề rác thải nhựa cho học sinh, sinh viên tại 3 điểm trường thí điểm, hướng tới hình thành một mạng lưới các trường học xanh tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cho biết, trong thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên đã phối hợp cùng các đối tác triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trong ngành giáo dục. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thực và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tác hại của rác thải nhựa đến môi trường tự nhiên cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng. Song song với đó là triển khai mô hình “trường học không rác”, phân loại rác thải (rác thải tái chế, rác hữu cơ…).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tỉnh Phú Yên phát biểu tại Hội thảo.

Bắt đầu từ năm 2019 có 5 trường tham gia đến nay mô hình này đã được nhân rộng đến nhiều trường ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố tại Tỉnh Phú Yên, góp phần thay đổi rất lớn và lan tỏa rộng khắp các trường học, trong học sinh về ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường và ngoài cộng đồng xã hội. Bà Ngọc Ái chia sẻ thêm.

Kết thúc bài tham luận của mình, bà Nguyễn Thị Ngọc Ái đã gửi tới Hội thảo thông điệp: Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó trong tương lai, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa sẽ là loài thống trị thế giới chứ không phải là con người. Ta cứ nghĩ chỉ cần rác thải ra môi trường là ta có thể sống yên ổn nhưng không phải như vậy, sớm hay muộn, rác thải cũng sẽ quay lại tấn công chính chúng ta. “Trái đất là của chúng mình, quả bóng xanh bay giữa trời xanh” với những cánh chim gù thân mến thì không có lý do gì rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa tồn tại nhiều đến vậy. Chúng ta hãy cùng “Save the Earth” để trả lại cho trái đất một màu xanh tươi như vốn có của nó.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải phát biểu tổng kết Hội thảo.

Tổng kết hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng Khoa Môi trường mong muốn trên cơ sở những kết quả mà dự án mang lại, các mô hình tiếp tục được nhân rộng tới nhiều cơ sở giáo dục khác để lan tỏa hiệu quả và thông điệp truyền thông mạnh mẽ. Cùng với đó để công tác giáo dục môi trường về chống rác thải nhựa biển không chỉ dừng lại ở các hoạt động trong nhà trường, các tổ chức xã hội cần chung tay vào cuộc. Sự đồng hành, chung sức giữa Nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội sẽ góp phần đưa công tác phân loại rác thải, bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống hàng ngày.

Để tạo nên môi trường học đường không rác, không chỉ đơn thuần là cơ sở vật chất, trồng nhiều cây xanh, mà còn thể hiện ở các yếu tố khác như chương trình đào tạo, cách giáo dục học sinh tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Trang chủ Tin mới Share Cỡ chữ Về đầu