- Hiện nay, tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng, ngày 25/9 UBND tỉnh Ninh Bình đã có Công văn số: 739/UBND-VP6 gửi Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ.
Theo báo cáo của ngành Y tế thì số ca bệnh đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình và Bệnh viện Mắt Hoa Lư trong tháng 8/2023 là 666 ca và đến ngày 20/9/2023 là 1.136 ca, tuy nhiên theo ghi nhận qua hệ thống giám sát, số người bị đau mắt đỏ trong cộng đồng thực tế cao hơn rất nhiều.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, kịp thời ngăn chặn, xử lý các ổ dịch không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, UBND tỉnh Ninh Bình vừa yêu cầu:
Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động và phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ theo các nội dung yêu cầu của Bộ Y tế tại Văn bản trên. Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; khuyến cáo người dân đến ngay các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu mắc bệnh đau mắt đỏ.
Sở Y tế: Tăng cường, chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh nhất là tại các nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp; cung cấp thông tin về tình hình bệnh đau mắt đỏ, nội dung hướng dẫn phòng, chống bệnh đau mắt đỏ cho cơ quan truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan để tuyên truyền, triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc khám, tư vấn và điều trị; thông báo kịp thời cho các địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hoá chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế; Thường xuyên báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Y tế (qua Cục Y tế dự phòng), UBND tỉnh; trường hợp có phát sinh, khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất phương án giải quyết, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động và phối hợp với ngành Y tế để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường; thông báo ngay cho các cơ sở y tế trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Cổng thông tin điện tử tỉnh: Chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây truyền và các biện pháp phòng tránh tại cộng đồng; thường xuyên truyền tải các thông điệp, khuyến cáo về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khuyến cáo người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ hoặc chất nhày, sốt kèm theo đau nhức để được thăm khám và điều trị theo đơn thuốc đúng quy định.
UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ; tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng, khuyến cáo người dân không nên tự mua thuốc điều trị bệnh, tránh gây biến chứng nặng; thông báo các trường hợp đau mắt đỏ được phát hiện đến Trung tâm Y tế; phối hợp xử lý ổ dịch sớm, triệt để; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ cần đảm bảo vệ sinh trường học; tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM