- Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Dự kỷ niệm và khai mạc lễ hội có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban công tác Đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau; các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ban, Ủy ban, Văn phòng Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể cùng tướng lĩnh lực lượng vũ trang là con em quê hương Ninh Bình.
Đại biểu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí nguyên Thường trực, Ban Thường vụ, nguyên lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, xã và đông đảo Nhân dân địa phương, du khách.
Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và Lễ hội Hoa Lư năm 2024 là sự kiện quan trọng góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, danh thắng nổi tiếng của quê hương. Với sự chuẩn bị chu đáo của các địa phương, đơn vị, sự tham gia chủ động, tích cực và sôi nổi của người dân địa phương sẽ góp phần thiết thực cùng với tỉnh tổ chức thành công sự kiện đặc biệt ý nghĩa này. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trình bày diễn văn khai mạc, Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Thân thế và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế luôn gắn liền với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khai sinh quốc hiệu Đại Cồ Việt.
Bên cạnh đó, còn khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng dân tộc, dựa trên bản lĩnh độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Tri ân công đức của ông, nhân dân và thể chế nhà nước các thời kỳ đã cho lập đền thờ tại khu vực cung điện xưa, hằng năm tổ chức Lễ hội Hoa Lư như Lễ trọng, đến ngày nay vẫn là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, đặc sắc riêng có của người dân Cố đô Ninh Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho rằng, Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024 là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, các giá trị văn hóa tốt đẹp, ý chí độc lập, tự chủ, thống nhất và khát vọng hòa bình của dân tộc; thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc công lao, những đóng góp to lớn của đức Đinh Tiên Hoàng Đế và các bậc tiền nhân.
Đồng thời, là dịp để tôn vinh các giá trị vững bền và sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Hoa Lư; thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại: Đinh, tiền Lê, Lý.
Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024, là chương trình nghệ thuật đặc sắc “Sứ mệnh đế đô,” với sự tham gia của hàng trăm ca sỹ, nghệ sỹ, vũ công chuyên nghiệp, với âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo hiện đại.
Thân thế vua Đinh: Đinh Bộ Lĩnh sinh năm Giáp Thân (924) tại làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cha ông là Thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ, quê làng Đại Hữu; mẹ là Đàm Thị.
Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê, nương nhờ chú ruột. Vốn con nhà quan tướng, lại thường xuyên được dùi mài binh thư, rèn luyện võ nghệ, Đinh Bộ Lĩnh tỏ ra thông minh, tài giỏi ngay từ thuở thiếu thời.
Ông được các bạn chăn trâu cùng trang lứa tôn làm đầu mục, bẻ hoa lau làm cờ, chia quân đánh trận, thể hiện chí khí, tài năng ngay từ khi nhỏ tuổi. Được các bạn quê, cùng trang lứa như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú…, kết nghĩa anh em, tôn làm thủ lĩnh.
Năm 944, Ngô Quyền mất, triều đình rối ren, xã hội loạn lạc, các thổ hào, thủ lĩnh địa phương nổi dậy cát cứ xưng hùng, xưng bá, đất nước lâm cảnh bi thương, sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân. Nuôi chí anh hùng, giương cao cờ nghĩa, Đinh Bộ Lĩnh đã đứng lên gánh vác trọng trách thống nhất giang sơn.
Với khí phách và tài thao lược, nhân dân khắp các vùng theo về rất đông, thế và lực của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng lớn mạnh, thắng lợi lẫy lừng, được tụng xưng là Vạn Thắng Vương, rồi tiến lên hoàn thành sứ mệnh đánh dẹp và thu phục cục diện 12 sứ quân.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, niên hiệu Thái Bình, lấy Hoa Lư làm Kinh đô, khai mở nền chính thống quốc gia, mở đầu một kỷ nguyên mới.
Ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; xây dựng cung điện, thiết chế triều nghi; thực hiện chế độ quân sự “ngụ binh ư nông”;
Đồng thời, chia đất nước thành 10 đạo, cử người tài giỏi đức độ cai quản; thực hiện chính sách ngoại giao độc lập; tập trung chăm lo phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp; xây dựng nền văn hóa đặc sắc, cho phát hành tiền “Thái Bình Hưng Bảo” – tiền kim loại đầu tiên của Việt Nam, khẳng định dấu ấn của nền tài chính độc lập thời sơ khai.
Qua đó đã khẳng định mạnh mẽ nền độc lập dân tộc, vị thế quốc gia, lòng tự tôn, tinh thần tự lực, tự cường, ý chí phục hưng dân tộc, tạo nền tảng vững chắc cho định đô Thăng Long – Hà Nội và thúc đẩy hình thành nền văn minh Đại Việt.
Sau khi Đức vua mất, quần thần đã suy tôn là Tiên Hoàng Đế. Kế tục sự nghiệp huy hoàng của Đinh Tiên Hoàng Đế, triều đại nhà Tiền Lê, rồi nhà Lý đã lãnh đạo quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, mở mang bờ cõi, xây dựng Đại Cồ Việt trở thành quốc gia hưng thịnh, vươn lên mạnh mẽ trong cấu trúc quyền lực khu vực lúc bấy giờ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM